LTS: Những năm qua, dù với nguồn kinh phí không nhiều, cơ chế cho hoạt động còn gây nhiều khó khăn vướng mắc, song với niềm say mê yêu nghề, các nhà khoa học đã có những đóng góp lớn cho sản xuất. Những năm tới, nếu được "cởi trói', được đầu tư kinh phí, nguồn lực như tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoa học công nghệ sẽ có những đột phá mạnh mẽ.
Tại Hội nghị chuyên đề về tài nguyên nước được tổ chức vào đầu năm 2025, một câu nói được các nhà khoa học chia sẻ, đó là: "Tài nguyên nước là hữu hạn nhưng dữ liệu và công nghệ là vô hạn". Đó không phải là khẩu hiệu, mà là tuyên bố về xu hướng khoa học công nghệ đang trở thành lực đẩy chủ đạo giúp Việt Nam từng bước chuyển đổi phương thức quản lý tài nguyên nước - từ truyền thống sang hiện đại, từ cảm tính sang dữ liệu số, từ phản ứng bị động sang chủ động.
Giám sát tài nguyên nước trực tuyến
Theo số liệu từ Bộ NN-MT, chỉ riêng trong giai đoạn 2020 - 2024, đã có hơn 100 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở về tài nguyên nước được thực hiện. Nhiều ứng dụng công nghệ nổi bật đã được đưa vào thực tế như: hệ thống cảnh báo ô nhiễm sông hồ bằng dữ liệu viễn thám, mô hình dự báo xâm nhập mặn bằng học máy, bản đồ số trữ lượng nước dưới đất phục vụ quy hoạch khai thác bền vững;…
TS Hoàng Thị Nguyệt Minh, Trưởng Khoa Tài nguyên nước (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) nhận định: “Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển mình rất đáng kể của ngành tài nguyên nước nhờ vào công nghệ. Trước kia là đo tay, tính thủ công, giờ là dữ liệu thời gian thực, là mô hình hóa 3D dòng chảy ngầm. Những điều tưởng chừng viễn tưởng nay đang trở thành công cụ quản lý thường nhật".

Tiềm năng khoa học công nghệ lĩnh vực tài nguyên nước là rất lớn nhưng còn “bị cầm chân” bởi thiếu vốn và cơ chế. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, TS Hoàng Thị Nguyệt Minh cũng cho rằng, tiềm năng khoa học công nghệ lĩnh vực tài nguyên nước là rất lớn nhưng còn “bị cầm chân” bởi thiếu vốn và cơ chế. “Nhiều nhóm nghiên cứu phải xin tài trợ từ doanh nghiệp hoặc tự bỏ kinh phí khảo sát. Nếu được tiếp thêm nguồn lực đúng mức, khoa học công nghệ có thể giúp ngành tài nguyên nước tiến nhanh gấp nhiều lần,” TS Minh chia sẻ.
Mặc dù gặp phải những khó khăn như hệ thống trạm quan trắc bị xuống cấp, nguồn kinh phí hạn chế và năng lực số hóa chưa đồng đều ở các địa phương, nhưng tinh thần sáng tạo và chủ động của các nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn luôn vượt lên.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp và công nghệ tiên tiến trong quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tích cực phối hợp với Cục Chuyển đổi số và các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành phục vụ theo dõi, giám sát và quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước.

Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương cung cấp thông tin giám sát việc khai thác, sử dụng nước, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý tại Trung ương và các địa phương. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, hệ thống được xây dựng với mục tiêu theo dõi, giám sát trực tuyến các công trình khai thác, sử dụng nước mặt; công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất do Bộ NN-MT cấp phép (giám sát theo giấy phép); Thiết kế dựa trên các chuẩn mở để đảm bảo vấn đề kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu với các hệ thống của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước; Kết nối, liên thông được với hệ thống hiện có về quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành; Cập nhật tự động hoặc thủ công các thông tin (lưu lượng, mực nước, chất lượng nước và hình ảnh) vào hệ thống phục vụ giám sát, cảnh báo.
Cùng với hệ thống CSDL chuyên ngành, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng Hệ thống giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương. Đây là công cụ quan trọng để Cục Quản lý tài nguyên nước giám sát vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng website, có thể mở trực tiếp trên máy tính và điện thoại di động. Hệ thống được tích hợp và chia sẻ với hệ thống dịch vụ công, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc theo 2 mô hình: Mô hình tổng quát hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương và Mô hình liên kết, tích hợp, chia sẻ.
Theo ông Ngô Mạnh Hà, kể từ khi hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương được xây dựng và đi vào vận hành từ năm 2020 đã mang lại những kết quả tích cực, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý tại Trung ương và các địa phương. Hệ thống đã cung cấp thông tin giám sát việc khai thác, sử dụng nước.
Từ các thông tin báo cáo có thể xây dựng các chính sách, kế hoạch, đề xuất các giải pháp để bảo vệ tài nguyên, môi trường, điều hòa phân bổ tài nguyên nước, vận hành hồ, liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Đồng thời, đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng để quản lý cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước của 63 tỉnh/thành phố phục vụ công tác kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Nghị quyết 57 "góp sức" cho hành trình giữ mạch nguồn sự sống
Tại Hội nghị tổng kết lĩnh vực tài nguyên nước cuối năm 2024, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh: “Nếu coi quản lý tài nguyên nước là một ngành công nghiệp "dịch vụ dữ liệu", thì đầu tư cho khoa học công nghệ chính là đầu tư cho tương lai quốc gia”. Tinh thần này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TWvề phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết này nêu rõ mục tiêu dành 2% GDP cho nghiên cứu phát triển và cho phép các cơ quan khoa học được tự chủ đầu tư, lựa chọn mô hình, phương pháp công nghệ hiện đại. Đây được kỳ vọng là “chìa khóa” tháo gỡ nút thắt cho lĩnh vực tài nguyên nước – một lĩnh vực đặc thù, có tính liên ngành và phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu khoa học.

Quản trị tài nguyên nước thông minh là giải pháp hữu hiệu để gìn giữ mạch nguồn sự sống. Ảnh: Minh Anh.
Câu chuyện của quản lý tài nguyên nước hôm nay không còn dừng lại ở việc đong đếm mực nước hay cấp phép khai thác. Đó là câu chuyện lớn hơn - xây dựng một hệ sinh thái quản lý thông minh, minh bạch và bền vững. Mà để làm được điều đó, không thể thiếu bàn tay và khối óc của khoa học công nghệ.
Khi dữ liệu dòng chảy được mô phỏng bằng thuật toán, khi bản đồ nước ngầm hiển thị trên điện thoại di động, khi quyết định điều tiết hồ chứa dựa trên dự báo AI, thì công nghệ đã thực sự trở thành "người dẫn đường" không thể thiếu trong hành trình gìn giữ mạch nguồn của sự sống.