| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 30 năm hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong

Thứ Ba 29/04/2025 , 15:11 (GMT+7)

30 năm qua, Hiệp định Mekong đã thiết lập khuôn khổ nhằm thúc đẩy hợp tác trong khai thác, phát triển và bảo vệ bền vững tài nguyên nước trong lưu vực.

Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong

Hiệp định Mekong được ký ngày 5/4/1995 tại Chiềng Rai (Thái Lan) bởi bốn quốc gia hạ lưu vực gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác trong khai thác, phát triển và bảo vệ bền vững tài nguyên nước sông Mekong.

Đây là văn kiện pháp lý nền tảng, thể hiện cam kết chính trị về quản lý nguồn nước dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền. Hiệp định cũng đặt nền móng cho việc thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế, đồng thời xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như: điều phối phát triển lưu vực, nông nghiệp, thủy điện, thủy sản, giao thông thủy, bảo vệ môi trường và ứng phó thiên tai.

Theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong quốc tế, sau 30 năm thực hiện Hiệp định Mekong 1995, Ủy hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào quản lý bền vững tài nguyên nước và thúc đẩy hợp tác khu vực.

Đặc biệt, cơ chế chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm với Trung Quốc đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong tăng cường minh bạch và xây dựng lòng tin. Ủy hội cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược quan trọng về phát triển lưu vực, phát triển thủy điện bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý lũ và hạn, bảo vệ môi trường và bảo vệ, phát triển thủy sản.

Cùng với đó, Trung tâm Quản lý lũ và hạn lưu vực Mekong đã được thành lập, hỗ trợ hiệu quả công tác dự báo và cảnh báo sớm thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu.

Đại diện các Ủy ban sông Mekong quốc gia, Đối tác phát triển và Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội chụp ảnh lưu niệm.  Ảnh: Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Đại diện các Ủy ban sông Mekong quốc gia, Đối tác phát triển và Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội chụp ảnh lưu niệm.  Ảnh: Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Ủy hội cũng đã mở rộng và nâng cấp mạng lưới các trạm quan trắc về khí tượng thủy văn, phù sa bùn cát, thủy sản, hệ sinh thái thuỷ sinh và chất lượng nước, hoàn thiện và cập nhật Bộ Công cụ hỗ trợ ra quyết định, Cơ sở dữ liệu và Kiến thức, xây dựng và tích cực thực hiện Bộ Quy chế sử dụng nước cùng các hướng dẫn kỹ thuật đi kèm, đặc biệt là thực hiện Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận cho các đề xuất dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong tạo nền tảng vững chắc cho điều phối và quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới.

Thông qua các Hội nghị Cấp cao từ 2010 đến 2023, đặc biệt là Tuyên bố Viêng Chăn, các quốc gia thành viên tiếp tục khẳng định cam kết chính trị vì một lưu vực Mekong phát triển bền vững, thích ứng và thịnh vượng.

Cam kết bảo vệ, quản lý và phát triển bền vững dòng sông chung

Phát biểu tại buổi lễ, ông Chanthanet Boualapha, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, Ủy viên thay thế Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế của Lào, nhấn mạnh tinh thần hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong cam kết bảo vệ, quản lý và phát triển bền vững dòng sông chung. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của sông Mekong đối với sự phát triển bền vững lưu vực, đồng thời mang lại các giá trị kinh tế - xã hội to lớn cho cộng đồng dân cư.

Trước bối cảnh phát triển kinh tế nhanh chóng, gia tăng dân số và áp lực ngày càng lớn từ các hoạt động phát triển, ông Chanthanet Boualapha kêu gọi tăng cường hợp tác để gìn giữ dòng sông Mekong vì sự thịnh vượng chung của toàn lưu vực.

Tại sự kiện, bà Busadee Santipitaks, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế đã công bố Báo cáo về tình hình lưu vực Mekong (State of the Mekong Address), trong đó nêu các kết quả hợp tác giữa các quốc gia thành viên và với các đối tác phát triển, các bên liên quan; đồng thời đề cập đến các ưu tiên của Ủy hội trong thời gian tới.

Theo bà Busadee Santipitaks, thời gian tới, Ủy hội sẽ tập trung đổi mới chính sách, ứng dụng công nghệ cho công tác dự báo, cảnh báo, giám sát và mở rộng việc áp dụng các sản phẩm kỹ thuật của Ủy hội tại các quốc gia thành viên.

Ủy hội sông Mekong quốc tế tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật đắc lực cho các quốc gia Ủy hội thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995. Ảnh: Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Ủy hội sông Mekong quốc tế tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật đắc lực cho các quốc gia Ủy hội thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995. Ảnh: Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng và nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong lưu vực sông Mekong, bà Busadee Santipitaks cam kết, Ủy hội sẽ tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật đắc lực cho các quốc gia Ủy hội thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và các thủ tục liên quan, đặc biệt là trong tham vấn các công trình phát triển của các quốc gia trên lưu vực sông Mekong.

Xem thêm
Ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trong ngày nghỉ lễ

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương vừa đề nghị Công an tỉnh tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép dịp nghỉ lễ sắp tới.

Bình Định xác định hai khu vực biển để nhận chìm tại vùng biển Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định vừa xác định hai khu vực nhận chìm vật chất nạo vét tại vùng biển Quy Nhơn, với tổng diện tích 255ha, nằm ngoài phạm vi 6 hải lý.