Mô hình bẫy ruồi vàng thông qua hệ thống internet vạn vật (IoT) đang được thí điểm tại Bình Dương, hỗ trợ nông dân theo dõi dịch hại, giảm thuốc hóa học và bảo vệ môi trường canh tác.
Giám sát ruồi vàng bằng IoT
Tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ruồi vàng là đối tượng dịch hại khó kiểm soát, thường xuyên gây thiệt hại cho vườn bưởi. Trước đây, nông dân phải “canh ruồi” bằng mắt thường, dẫn đến việc phun thuốc dàn trải, tốn kém và thiếu hiệu quả. Từ đầu năm nay, Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát phối hợp với ngành chuyên môn triển khai mô hình bẫy giám sát thông minh, bước đầu hỗ trợ bà con theo dõi và xử lý dịch hại kịp thời.
Chị NGUYỄN THỊ THỦY TIÊN - Thành viên HTX Đồng Thuận Phát
Trước đây ruồi vàng tới lúc nào mình không biết, giờ có hệ thống báo về điện thoại, thấy cảnh báo thì mới can thiệp. Nhờ vậy, tôi giảm được số lần phun thuốc, cây trái cũng đỡ bị ảnh hưởng.
Bẫy giám sát sử dụng cảm biến và camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện ruồi vàng, tự động đếm số lượng và ghi nhận theo thời gian thực. Đây là dữ liệu quan trọng giúp cán bộ kỹ thuật đưa ra khuyến cáo hợp lý, tránh tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông TRƯƠNG QUỐC ÁNH - Chuyên gia Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam
Hệ thống này cho phép giám sát mật độ ruồi vàng liên tục. Thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm, từ đó chúng tôi phối hợp cùng địa phương đưa ra cảnh báo sớm, hướng dẫn bà con xử lý đúng lúc – hạn chế được việc phun thuốc tràn lan, bảo vệ được thiên địch và môi trường.
Ông TRỊNH MINH THÀNH - Giám đốc HTX Đồng Thuận Phát
Chúng tôi xác định đây là hướng đi mới, vừa hỗ trợ nông dân quản lý dịch hại hiệu quả hơn, vừa phù hợp với yêu cầu sản xuất an toàn. Thời gian tới, HTX sẽ phối hợp để đánh giá toàn diện mô hình, từ đó xem xét nhân rộng nếu phù hợp.
Trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng nông sản ngày càng cao, việc ứng dụng công nghệ trong giám sát dịch hại là một bước chuyển cần thiết. Dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, mô hình bẫy giám sát ruồi vàng tại xã Thường Tân đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc góp phần tăng hiệu quả quản lý dịch hại, giảm sử dụng thuốc hóa học và hướng tới canh tác nông nghiệp an toàn, bền vững với môi trường.