| Hotline: 0983.970.780

Biến đất cằn thành trang trại cây ăn quả hữu cơ lớn nhất Hà Tĩnh

Thứ Sáu 09/05/2025 , 11:58 (GMT+7)

Trang trại 40ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó 15ha buởi da xanh và cam giòn, cam Xã Đoài đã được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng hàng trăm tấn/năm.

Đó là trang trại của HTX nông nghiệp Gia Phúc tại thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga (Can Lộc, Hà Tĩnh). Bằng quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Lê Vạn Hải, chủ trang trại đã biến vùng đất cằn đá sỏi thành vùng cây ăn quả trù phú theo hướng hữu cơ lớn nhất Hà Tĩnh.

Trang trại cây ăn quả hữu cơ của HTX nông nghiệp Gia Phúc. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trang trại cây ăn quả hữu cơ của HTX nông nghiệp Gia Phúc. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ứng dụng công nghệ số làm nông nghiệp sạch

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại với hơn chục nghìn cây bưởi, cam trĩu cành, ông Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Phúc nhớ lại: Năm 2013, ông cùng 11 thành viên thành lập HTX nông nghiệp Gia Phúc với ngành nghề chủ lực là liên kết chăn nuôi lợn, quy mô 1.200 con lợn nái. Sau 2 năm, HTX xuất bán lứa lợn giống đầu tiên.

Có nguồn lực lớn từ chăn nuôi, ông Hải nung nấu ý tưởng xây dựng trang trại cây ăn quả theo hình thức đa cây và ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, quyết tâm mang sản phẩm an toàn, chất lượng ra thị trường.

Để tăng độ phì nhiêu, HTX bỏ nhiều chi phí cải tạo, thu gom võ nhãn, rơm rạ... với số lượng lớn để tấp tủ cho đất. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để tăng độ phì nhiêu, HTX bỏ nhiều chi phí cải tạo, thu gom võ nhãn, rơm rạ... với số lượng lớn để tấp tủ cho đất. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Năm 2018, HTX mua lại 29ha đất bỏ hoang của người dân tại vùng Khe Lang (thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga) để bắt tay vào sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Theo ông Hải, điều thuận lợi nhất đây là vùng đất nguyên sinh, người dân chưa canh tác nên gần như không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất. Bởi vậy chỉ trong vòng 2 năm, HTX đã “giải độc” thành công cho đất, hơn 15 nghìn cây ăn quả như cam chanh, cam giòn, cam Xã Đoài, bưởi, thanh long, ổi, táo… được đưa vào canh tác theo hướng hữu cơ.

“Làm nông nghiệp đã khó, làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ còn khó gấp nhiều lần bởi chi phí đầu tư rất lớn. Ngoài ra, thời tiết Hà Tĩnh vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, mưa nhiều, sâu bệnh nhiều nên trong quá trình trồng và chăm sóc gặp rất nhiều bất lợi. Để tạo độ phì nhiêu cho vùng đất cằn sỏi đá này, HTX đã phải bỏ nhiều chi phí cải tạo đất, đồng thời thu gom vật liệu tấp tủ như võ nhãn, rơm rạ với số lượng lớn”, ông Hải nói.

HTX đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất. Ảnh: Ánh Nguyệt.

HTX đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của người sản xuất, HTX nông nghiệp Gia Phúc không đi theo lối cũ mà mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Theo đó, hệ thống máy móc đồng bộ như máy cày, máy bừa, máy xúc, máy làm cỏ, máy xới đất, máy phun rẻ quạt… với tổng kinh phí hàng tỷ đồng đã được HTX đầu tư. Bên cạnh đó, HTX cũng mạnh tay mời các chuyên gia Israel sang tận nơi chuyển giao quy trình kỹ thuật, tuyển các kỹ sư nông nghiệp vào làm việc cho HTX.

Hiện trang trại của ông Hải áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động, phân bón được hòa trong nước, giúp giảm chi phí nhân công. Cách tưới này cũng giúp chất dinh dưỡng, nước cung cấp đến từng gốc, đáp ứng tốt nhất từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Công nhân sử dụng điện thoại hoặc máy tính để vận hành hệ thống tưới nước 2 lần/ngày. Ngay cả khi không có mặt ở trang trại, họ vẫn kiểm soát sự vận hành của hệ thống. Đến nay, hệ thống tưới thông minh phát huy hiệu quả rõ rệt. Cây trồng không thiếu nước, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài vào mùa hè.

HTX nông nghiệp Gia Phúc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Ảnh: Ánh Nguyệt.

HTX nông nghiệp Gia Phúc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ông chủ HTX nông nghiệp Gia Phúc đã biến vùng đất hoang hóa ngày nào thành trang trại cây ăn quả với tiêu chuẩn “5 không”: Không hóa chất BVTV; không phân bón hóa học; không thuốc diệt cỏ; không thuốc kích thích sinh trưởng; không giống biến đổi gen.

Mỗi năm HTX bón phân 2 lần, chủ yếu phân chuồng ủ hoai mục, bên cạnh đó còn bón thêm bột ngô, bột đậu nành, cám gạo được ủ men vi sinh nhằm tăng độ ngọt cho quả… Đối với sâu bệnh hại, HTX sử dụng sản phẩm sinh học được chứng nhận dùng trong sản xuất hữu cơ, ngoài ra còn sử dụng cá, đậu nành, cám gạo, trái cây, men rượu… ủ với men vi sinh để bón bổ sung cho cây hoặc tạo thành chế phẩm sinh học để quản lý, hạn chế sâu bệnh, nấm hại.

HTX xây dựng kho phân hữu cơ 1.000m2, quy mô ủ từ 1.500 - 1.800 tấn phân/năm để chủ động nguồn phân bón quanh năm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

HTX xây dựng kho phân hữu cơ 1.000m2, quy mô ủ từ 1.500 - 1.800 tấn phân/năm để chủ động nguồn phân bón quanh năm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ khá gian nan khi chi phí và công sức bỏ ra ban đầu lớn hơn nhiều so với bón phân vô cơ, song người đứng đầu HTX nông nghiệp Gia Phúc vẫn luôn kiên định với mục tiêu đã đặt ra. Bởi vậy, HTX đã xây dựng kho phân hữu cơ 1.000m2, quy mô ủ từ 1.500 - 1.800 tấn phân/năm để chủ động nguồn phân bón quanh năm.

Mục tiêu 1.000 tấn sản phẩm

Với phương châm luôn nỗ lực đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm đạt tiêu chí “ngon và lành”, giai đoạn đầu, HTX chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ để chinh phục thị trường, mở rộng thị phần với mục tiêu “Ai cũng có thể sử dụng các sản phẩm hữu cơ để tốt cho sức khỏe”.

Không ít khó khăn nhưng với những nỗ lực bền bỉ, đã cho kết quả bước đầu khi 7 sản phẩm của HTX gồm cam giòn, cam chanh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, táo, ổi đã được Công ty cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO chứng nhận sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ vào tháng 9/2022 trên diện tích 25ha.

HTX trộn ủ bột ngô, bột đậu nành, cám gạo với men vi sinh để bón cho cây, tăng độ ngọt cho quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

HTX trộn ủ bột ngô, bột đậu nành, cám gạo với men vi sinh để bón cho cây, tăng độ ngọt cho quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Với những tín hiệu tích cực, HTX đã mở rộng diện tích lên 40ha, cải tạo lại trang trại, thay thế những cây ăn quả già cỗi, năng suất thấp bằng hơn 3.000 gốc bưởi da xanh và 5.000 gốc cam giòn, cam Xã Đoài với sản lượng mỗi năm gần 300 tấn.

Sản phẩm bưởi da xanh, cam giòn của HTX nông nghiệp Gia Phúc được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao. Ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm trái cây hữu cơ của HTX đã phân phối tại nhiều tỉnh thành và vào hệ thống siêu thị BigC.

Với địa hình rộng và đẹp, kết cấu đồi núi gắn với đồng ruộng và lòng hồ, HTX nông nghiệp Gia Phúc đang theo đuổi ý tưởng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Những năm gần đây, một số tổ chức, cá nhân, các trường học ở TP Hà Tĩnh đã tới tham quan, trải nghiệm tại trang trại của HTX.

Những năm tới, HTX nông nghiệp Gia Phúc đang hướng mục tiêu 1.000 tấn sản phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Những năm tới, HTX nông nghiệp Gia Phúc đang hướng mục tiêu 1.000 tấn sản phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

“Chúng tôi mong muốn đem đến cho du khách trải nghiệm sự giao hòa, gần gũi với thiên nhiên, được thưởng thức những sản phẩm ngon, an toàn cho sức khỏe. Rất mong được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để chúng tôi đầu tư thêm hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Lê Vạn Hải kiến nghị.

Tháng 9 năm 2024, các sản phẩm bưởi da xanh, cam giòn, cam Xã Đoài của HTX tiếp tục được Công ty cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO chứng nhận sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Những năm tới, HTX nông nghiệp Gia Phúc đang hướng tới đích 1.000 tấn sản phẩm với doanh thu trên 30 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Thủ phủ gà thả vườn phát triển mạnh thêm vật nuôi mới

VĨNH LONG Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm đặt mục tiêu nâng tổng đàn thỏ lên 18-20 ngàn con và trở thành một trong những đối tượng chăn nuôi chủ lực của địa phương.

Chó thả rông nghi mắc bệnh dại cắn liên tiếp 3 người

ĐỒNG NAI Ba người ở xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ bị chó thả rông có dấu hiệu mắc bệnh dại, không rõ chủ cắn lại một lần nữa đặt ra câu chuyện quản lý chó, mèo.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

Khoa học công nghệ - chìa khóa mở con đường mới cho ngành chè

'Khoa học công nghệ góp phần quan trọng vẽ bức tranh ngành chè Việt Nam', TS Lưu Ngọc Quyến, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nhấn mạnh.

Tạo nền tảng vững chắc trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững

BẮC NINH Tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền pháp luật, tổ chức thả giống thủy sản, huy động cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Để dược liệu dưới tán rừng ‘cất cánh’

Sản xuất dược liệu dưới tán rừng không chỉ là hướng đi tiềm năng mà còn là lời giải bền vững cho sinh kế người dân miền núi nếu được đầu tư bài bản.