| Hotline: 0983.970.780

An Tây, “mộ gió” đẻ ra tiền

Thứ Tư 01/04/2009 , 08:15 (GMT+7)

Không ai biết khái niệm “mộ gió” ở TT-Huế có từ bao giờ, chỉ biết rằng nhiều hộ dân ở phường An Tây (TP Huế) đang phất lên nhờ “nghề” un “mộ gió” đem bán...

Chỉ với một hai ngôi “mộ gió” thế này ông Giả có thể kiếm từ 5-7 triệu đồng

Không ai biết khái niệm “mộ gió” ở TT-Huế có từ bao giờ, chỉ biết rằng nhiều hộ dân ở phường An Tây (TP Huế) đang phất lên nhờ “nghề” un “mộ gió” đem bán. Núi Ngự Bình, núi Thiên Thai trở thành “miếng mồi ngon” cho các đầu nậu xí phần tự qui hoạch "mộ gió".

Mộ không hài cốt

Phường An Tây của TP Huế được thành lập từ xã Thuỷ An (Hương Thuỷ). Đây là phường có diện tích lớn nhất, nhiều rừng nhất và nhiều lăng mộ, nghĩa địa, nghĩa trang nhất TP Huế. Những ngôi mộ, nghĩa trang san sát sườn dốc và cả trong những rừng thông núi Ngự Bình, núi Thiên Thai.

Vào vai những người cần mua đất xây lăng mộ chúng tôi tìm gặp Trần Văn Giả, một trong những chuyên gia làm “mộ gió” ở phường An Tây. Mấy chục năm trong nghề giúp ông Giả có thể vanh vách kể về “qui trình” làm mộ gió kiếm lời như thế nào. Ông Giả kể rằng, ngày trước ở vùng phía tây TP Huế này dân cư thưa thớt, đất đai thì rộng. Thấy vị trí cách trung tâm thành phố không xa nên những người dân ở đây nảy ra ý định khai hoang, dựng nhà, lập vườn và lập “mộ gió”.

“Mộ gió” là những ngôi mộ được đắp bằng ụ đất giống y mộ thật và chỉ có chủ nhân của những ngôi mộ đó biết được bên dưới có hài cốt hay không. Ngày trước ở đây người dân mỗi lần vào rừng kiếm gỗ, lấy củi hay chăn trâu, chăn bò trên núi, hay đi làm việc gì đó mà thấy miếng đất nào đẹp, vị trí nhìn thuận lợi thì lập tức dùng cuốc xẻng vun lập những ngôi mộ. Khi có mộ rồi thì không bị người khác lấn chiếm, tranh giành vì người khác cũng như chính quyền không thể biết được dưới mộ có hài cốt hay không.

Theo lời chỉ của ông Giả chúng tôi đến nhà người đàn ông tên Tý, một trong những “vua mộ gió” Ngũ Tây (phường An Tây). Còn đang khá trẻ nhưng khi tôi hỏi hiện trong tay có khoảng bao nhiêu “mộ gió”, Tý cười ồ ồ: “Loạn, làm sao nhớ nổi được anh. Gần 1/3 phía trên núi Thiên Thai em bao cả rồi. Anh muốn tìm mua đất xây lăng, xây mộ thì gặp em là đúng địa chỉ rồi đó. Mộ trần hay mộ xây rồi đều có cả”.

Không ai có thể thống kê được ở An Tây có khoảng bao nhiêu ngôi “mộ gió” bởi chỉ những người “trong nghề” mới biết được đâu là “mộ gió” đâu là mộ thật.

Nhưng nếu thống kê thông qua những người mà PV NNVN đã tiếp xúc có thể khẳng định số “mộ gió” ở núi Ngự Bình, núi Thiên Thai không dưới một ngàn. Những “nghĩa trang” mộ san sát mộ mà quanh suốt tháng không được ai đến thăm nom, hương khói một lần nào.

Nhìn những dãy “mộ gió” mọc san sát ở sườn núi Thiên Thai tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khả năng “ nhìn xa trông rộng” của Tý. Không chỉ có những ngôi “mộ gió” được vun đất qua loa, Tý còn đầu tư cho xây bao kiên cố. Theo cách giải thích của “ông trùm” này thì “mộ gió” xây rồi dễ bán hơn vì tâm lý chủ nhân không phải tốn thời gian để “báo hiếu” người đã khuất. Còn lỡ chưa bán được mà nằm trong khu vực giải toả về nghĩa trang quy hoạch thì sẽ được bồi thường.

Nghề không cần vốn

Không tốn công sức, không mất vốn, chỉ chịu khó bỏ tý công lại có thể thu về bạc triệu nên từ nhiều năm nay un “mộ gió” luôn được xem là “nghề chính” của nhiều hộ dân An Tây. Và đến thời điểm đầu năm 2008 khi UBND tỉnh còn đang manh nha việc qui hoạch lại đất đai nghĩa trang thì “nghề un mộ gió” thực sự trở thành cơn sốt. Nhà nhà đi tìm đất un mộ, hết đất ven sườn núi họ lại tiếp tục lấn vào sâu hơn.

Thời điểm đó một mình “vua mộ gió” Tý làm không xuể nên đành chấp nhận thuê thêm người. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đội quân của Tý lùng sục khắp núi Thiên Thai phát sẻ, đánh dấu. Đến bây giờ Tý có thể nhởn nhơ ngồi ở nhà uống trà chờ khách tìm đến mua. Dẫn chúng tôi đến một “lô đất” đã được đánh dấu, Tý thao thao “quảng cáo”: “Ở đây mạch đất tốt, được ở phía tây thành phố mà trong đạo Phật gọi là miền tây cực lạc đó anh. Ai mà được yên nghỉ ở đây là tốt nhất rồi”.

Và để tôi yên tâm hơn Tý đưa ra mấy mức giá tham khảo: “Giá đất xây lăng mộ cũng được bán theo từng giá khác nhau tuỳ thuộc vào từng vị trí chứ không giỡn đâu. Khu vực gần khe suối có giá từ 200 đến 300 ngàn/mộ. Những vị trí đẹp như bằng phẳng, gần đường đi có mức giá khoảng 600-800 ngàn/mộ. Anh mua cho 2 người thì chỉ cần khoảng trên dưới 50m2. Tất tần tật hết độ khoảng 5-7 triệu là cùng. Còn nếu muốn mở rộng thêm thì em lấy giá khác. Em còn cả quả đồi bên kia nữa mà”.

Thông thường những người có nhu cầu mua đất xây mộ nhưng người thân chưa qua đời có xu hướng tìm các “ông trùm”. Mua mộ của họ vừa nhanh vừa rẻ lại không phải làm thủ tục này nọ. Chỉ cần hai bên thống nhất, một ngôi “mộ gió” có vị trí ổn dao động từ 2- 4 triệu đồng. Nếu làm ăn thuận lợi mỗi năm những “trùm” như Tý cũng kiếm được 5-7 chục triệu đồng từ tiền bán “mộ gió”.

Ông Trần Hùng Nam, Chủ tịch phường An Tây: “Việc rà soát các ngôi mộ phần rất khó. Mà đào xới lên thì không thể vì quá nhiều và đây còn là vấn đề tâm linh. Còn dụng cụ rà soát thì hiện không hề có”.

Chưa hết, nghề này còn đẻ ra tiền ở chỗ, là người dân hay gia đình, dòng họ nào mua đất của “trùm” nào thì việc xây, cất, bốc dời lăng mộ phải để cho “trùm” đó thực hiện từ A- Z. Thành thử mỗi vụ làm ăn suôn sẻ các “ông trùm” có thể “ăn” hai ba đường. Còn nếu chủ nhân những khu đất không “chấp hành” thì mộ xây lên hôm trước hôm sau mất mấy búp sen, gạch ốp, ảnh đá, bia đá...mà không hiểu vì sao.

"Mình có làm, họ mới có ăn"

Ai cũng biết, việc lập “mộ gió” tại các khoảnh rừng thuộc sự quản lý của chính quyền và kiểm lâm của Lâm trường Tiền Phong là vi phạm. Nhưng các “đầu nậu” khẳng định: “Cấm sao được, mình có làm thì họ mới có ăn”. Có lẽ chính vì thế nên khi tôi vào nhà một người phụ nữ tên Tìm hỏi mua miếng đất ở chân núi Ngự Bình (thuộc LT Tiền phong) vẫn dễ dàng nhận được cái gật đầu: “Yên tâm đi, con trai tui làm ở lâm trường, không ai gây khó dễ được đâu”.

Khi chúng tôi có nhã ý nhờ ông Giả kiếm một miếng đất ở rừng thông núi Ngự Bình và lo toàn bộ thủ tục luôn, ông hạch toán: “Đó là rừng lâm trường nên mình phải lo cho kiểm lâm khoảng 1 triệu, thuê người làm 1 triệu nữa. Về lâu dài để không ai có thể gây khó dễ cũng phải chi cỡ chục triệu nữa”.

Là người nắm rõ “luật” này hơn ai hết, Tý diễn giải qui trình “qua mặt” chính quyền: “Tôi hỏi anh, mình lên núi khoanh đất un “mộ gió” chỉ có mình biết đó là những ngôi mộ không có hài cốt. Giả sử anh là chính quyền anh có dám khẳng định rằng đó là mộ giả không. Nên một đời “các ông” cũng không dám đụng tới”.

Xem thêm
Hiệu quả từ xóa nhà tạm, dột nát ở huyện vùng cao Quảng Ngãi

Các địa phương vùng cao ở Quảng Ngãi đã có cách làm hay, sáng tạo, vừa ngăn được tình trạng phá rừng làm nhà, vừa sớm về đích xóa nhà tạm.