Xã hội hoá dịch vụ công ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là hướng đi quan trọng được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định. Thực hiện các nghị quyết Trung ương Đảng kỳ họp thứ 6, khóa XII về nâng cao hiệu quả, hiệu lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công. Xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn; Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc thực hiện một số dịch vụ công; Huy động nội lực tại địa phương và sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn. Trong vai trò là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập đủ điều kiện tham gia khảo nghiệm, kiểm nghiệm chuyên ngành.
Xã hội hoá công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
Xã hội hoá dịch vụ công ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ dịch vụ chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cũng đang được xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, liên kết với các viện, trường của bộ trong công tác chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất. Nhiều tỉnh đã xã hội hóa công tác giống cây trồng, vật nuôi thông qua lấy nguồn giống tại chỗ, nguồn giống của các công ty, đại lý vật tư nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần phải thúc đẩy xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ bằng việc hình thành cơ chế hợp tác công - tư; giao quyền khai thác, chuyển nhượng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm tạo ra cho các doanh nghiệp để ứng dụng nhanh vào sản xuất. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho nghiên cứu, phát triển hạ tầng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sinh học,... trên nền tảng công nghệ số.

Nhờ áp dụng khoa học và công nghệ, Nafoods Group tự tin hướng đến tầm nhìn trở thành tập đoàn tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, bền vững. Ảnh: NNVN.
Xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành
Xã hội hoá dịch vụ công ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành. Năm 2020, Bộ đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành. Bộ đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản, hiện nay không có tình trạng độc quyền. Bộ đã công nhận, chỉ định các tổ chức đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tổ chức rà soát và tạo điều kiện, chỉ định, công nhận mở rộng các tổ chức đủ điều kiện tham gia vào công tác kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới.
Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiêm túc, đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đảm bảo hiệu quả góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ (Quyết định số 88/QĐ-BNN-PC ngày 06/01/2020); thành lập Tổ công tác nhằm thúc đẩy công tác cải cách hành chính năm 2020 của Bộ theo Quyết định 850/QĐ-BNN-TCCB ngày 16/3/2020. Kết quả thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tính đến ngày 30/6/2020 gồm 272 điều kiện, số lượng điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 251/345 điều kiện (chiếm tỷ lệ 72%), trong đó bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện. Thực hiện rà soát, so sánh và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ điều kiện kinh doanh trước và sau khi cắt giảm, đơn giản hóa.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn kiểm tra việc thông quan hàng hóa nông sản tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyên Huân.
Xã hội hoá dịch vụ công ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, cải cách hành chính, Nhà nước không chỉ tổ chức, quản lý xã hội bằng các thiết chế pháp luật mà còn phải thông qua việc thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của người dân - cung ứng các dịch vụ công cho xã hội. Dịch vụ công, mở cửa và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Xã hội hóa dịch vụ công góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng các dịch vụ công có chất lượng cao, qua đó góp phần tăng sức cạnh tranh của ngành dịch vụ, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Để thực hiện tốt điều này, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn phải đổi mới và nâng cao vai trò, trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ công nhằm hướng tới nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân và xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng ngành ngày càng vững mạnh.