Thứ Ba, 15/7/2025 6:42 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Đắk Lắk: Nhiều sai phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản

Thứ Tư 25/06/2025 , 13:52 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, Đoàn giám sát đã công bố báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Khởi tố 16 vụ vi phạm khai thác khoáng sản

Theo báo cáo do ông Lê Văn Cường, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, thành viên Đoàn giám sát trình bày tại kỳ hợp HĐND lần thứ 10, tính đến cuối năm 2024, Đắk Lắk có 66 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp 1 giấy phép khai thác đá granit ốp lát (thời hạn 30 năm, công suất 25.000 m³/năm, trữ lượng 728.000 m³) và UBND tỉnh cấp 65 giấy phép còn lại.

Mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Trần.

Mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Trần.

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp 45 giấy phép khai thác đá xây dựng thông thường với tổng trữ lượng 43.818.729 m³, công suất khai thác hàng năm 2.536.370 m³/năm; 19 giấy phép khai thác cát xây dựng thông thường với tổng trữ lượng 9.965.550 m³; và 1 giấy phép khai thác đất sét sản xuất gạch với trữ lượng 900.000 m³.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, góp phần ổn định an ninh trật tự và đưa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đi vào nề nếp.

Trong giai đoạn 2020-2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo 6 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 39 đơn vị khai thác khoáng sản. Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) kiểm tra 22 đơn vị khác. Kết quả, UBND tỉnh đã ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn ban hành 14 quyết định xử phạt khác đối với 14 đơn vị dựa trên đề nghị của Kiểm toán nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, với tổng số tiền phạt hơn 3,9 tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị khai thác khoáng sản, qua đó truy thu 76,4 tỷ đồng tiền phạt do khai thác trái phép.

Lực lượng cảnh sát kinh tế toàn tỉnh đã phát hiện 958 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, liên quan đến 74 tổ chức và 1.023 cá nhân. Đã có 579 vụ bị xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính 8 vụ, khởi tố 16 vụ với 21 bị can, và chuyển 355 vụ cho các ban ngành khác xử lý.

Vẫn tồn tại nhiều hạn chế

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác quản lý khoáng sản. Công tác quy hoạch khoáng sản chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chưa dự báo được nhu cầu nguyên liệu cho các dự án trọng điểm. Việc cấp phép khai thác đất san lấp còn chậm trễ, dẫn đến khó khăn trong cung cấp vật liệu xây dựng ở nhiều địa phương. Thủ tục hành chính liên quan đến khoáng sản ở một số trường hợp còn rườm rà.

Một điểm tập kết cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Trần.

Một điểm tập kết cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Trần.

Đáng chú ý, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương mà chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều cơ sở sản xuất gạch nung chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, tình trạng khai thác đất sét trái phép vẫn còn tồn tại.

Một số doanh nghiệp khai thác cát sử dụng bãi tập kết chưa được quy hoạch, cấp phép. Tình trạng xe vận chuyển quá tải gây hư hỏng đường sá chưa được quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản vượt công suất, sử dụng bãi tập kết ngoài phạm vi cấp phép. Nhiều mỏ chưa lắp đặt trạm cân, camera hoặc lắp đặt mang tính đối phó. Việc không cân tải trọng trước khi vận chuyển ra ngoài tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài nguyên và ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, còn có các vi phạm về an toàn lao động, không nộp thiết kế mỏ cho cơ quan quản lý, báo cáo hoạt động khai thác không đầy đủ, và thiếu trách nhiệm trong việc nâng cấp, duy tu hạ tầng kỹ thuật. Quá trình vận chuyển vật liệu gây hư hại giao thông nhưng không thực hiện sửa chữa hoặc bồi thường theo quy định.

Để khắc phục những tồn tại trên, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 một cách hiệu quả và bền vững. Cần rà soát, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch để đáp ứng nhu cầu của các công trình, dự án và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các mỏ đất san lấp. Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Dự án Shoshin Bình Thanh huy động vốn trái phép?

Dự án Shoshin Bình Thanh đang triển khai làm hạ tầng, chưa được phép mở bán nhưng đã thông tin rao bán rầm rộ trên các trang mạng...

Ai tiếp tay phá nát quy hoạch Khu đấu giá Tứ Hiệp?

HÀ NỘI Khu đấu giá được quy hoạch gọn gàng nhưng bị điều chỉnh vô tội vạ, xây dựng vượt tầng, sử dụng đất sai mục đích… khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, xộc xệch.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất