
Người trồng vải chín sớm Phương Nam sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV. Ảnh: Nguyễn Thành.
Hiện nay, nông dân trên địa bàn phường Phương Nam, TP Uông Bí đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, bà con sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV cho cây vải chín sớm.
Đến phường Phương Nam, chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình trồng vải chín sớm của anh Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Phương Nam.
Vừa đến cổng, tiếng vù vù trên bầu trời lập tức thu hút sự chú ý của mọi người. Đứng dưới hiên nhà, anh Hồng vui vẻ nói vọng ra: “Nay tôi thuê máy bay không người lái về phun thuốc BVTV cho vườn vải. Phun thế này vừa nhàn, vừa tiết kiệm chi phí”.
Anh Hồng hiện đang trồng 1 mẫu vải chín sớm. “Trước đây, gia đình tôi phun theo cách truyền thống, nếu thuê nhân công mất 450.000 đồng/ngày. Thời gian phun thuốc cũng mất khá nhiều, khoảng 1 tiếng để pha thuốc và 2 tiếng phun, tổng là 3 tiếng. Trong khi thuê máy bay không người lái để phun chi phí chỉ 40.000 đồng/sào, 1 mẫu hết 400.000 đồng nhưng chỉ mất chưa đến 1 giờ đồng hồ là đã phun xong, vừa tiết kiệm chi phí và thời gian vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe”, anh Hồng chia sẻ. Được biết, đây là lần đầu tiên anh sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV cho cây vải chín sớm Phương Nam.

Thời gian thu hoạch vải chín sớm Phương Nam kéo dài từ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 6, trước khi vải thiều bắt đầu vào vụ. Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam, hiện có khoảng 150 hộ trồng vải trên địa bàn phường đã ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc, chiếm tỉ lệ 10%.
“Nhờ phun thuốc bằng máy bay, người trồng giảm nguy cơ ảnh hưởng của thuốc BVTV. Bên cạnh đó, giảm thời gian và chi phí phun. Ngoài ra, người dân tiết kiệm được thuốc BVTV, từ đó giảm tác động đến môi trường xung quanh”, ông Trà chia sẻ.
Hàng năm, Hội Nông dân phường Phương Nam cùng chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình lồng ghép nhằm tuyên truyền ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt với cây vải chín sớm Phương Nam.
“Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn người dân thống nhất để dùng máy bay không người lái phun cho toàn bộ diện tích trồng vải chín sớm, tránh tình trạng phun không đồng loạt khiến công tác phòng trừ sâu bệnh gặp khó khăn”, ông Trà nhấn mạnh.
Đến năm 2025, do một số nguyên nhân, diện tích trồng vải chín sớm Phương Nam bị giảm hơn 120ha (từ 410ha xuống còn 290ha). Cụ thể, giảm 80ha do bão số 3 năm 2024 và 40ha do các dự án xây dựng trên địa bàn.
Cũng theo ông Trà, vừa qua, Hội Nông dân phường cũng đã xây dựng mô hình sử dụng kỹ thuật cắt tỉa để khống chế lộc đông để cây vải phân hóa mầm hoa ổn định. Từ đó giúp vải ra quả đều và sớm hơn từ 5 - 7 ngày so với trước đây.
“Năm nay, nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cây vải phát triển tốt, sai quả, chúng tôi dự đoán sản lượng trong kỳ thu hoạch tới sẽ cao hơn năm trước. Cùng với đó, giá trị từ cây vải chín sớm sẽ tăng thêm khoảng 20%, nguồn thu từ quả vải sẽ tăng lên khoảng trên 60 tỷ đồng”, ông Trà phấn khởi.
Vải chín sớm Phương Nam được trồng tập trung tại 8 khu: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng. Quả vải chín sớm Phương Nam có cùi dày, màu trắng trong, giòn, vỏ mỏng, khi chín có màu đỏ tươi và mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát, chua dịu, không chát.