Nằm tại 'ngã ba' sinh học giao giữa Bắc Đông Dương, Nam Trung Hoa và dãy Himalaya, Khu Dự trữ thiên nhiên (DTTN) Mường Nhé là một trong những khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt nơi vùng biên. Không chỉ là vùng rừng quý giá, nơi đây còn là 'mặt trận' ngày đêm của những cán bộ chuyên trách luôn âm thầm bám rừng, giữ rừng trong điều kiện địa hình hiểm trở và rủi ro.
Vùng giao thoa đa dạng sinh học quý hiếm
Khu DTTN Mường Nhé có hơn 36.000 ha rừng, độ che phủ đạt trên 77%. Trong đó, thảm thực vật rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới phân bố ở độ cao trên 700m chiếm tới hơn 96% diện tích, là điểm điển hình của hệ sinh thái rừng đặc dụng.
Đây còn là nơi sinh sống của 976 loài thực vật (trong đó 33 loài đặc hữu, 128 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN) và 458 loài động vật hoang dã, với 97 loài có giá trị bảo tồn cao của quốc gia và quốc tế, như vượn đen tuyền Tây Bắc, vượn má trắng, sóc bay, sẻ đồng ngực vàng, mèo rừng...

Mô hình Vườn quốc gia sẽ cho phép gắn kết bảo tồn với phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái có kiểm soát. Ảnh: Khu DTTN Mường Nhé.
Theo ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu DTTN Mường Nhé: "Đối chiếu với các tiêu chí tại Điều 6, Nghị định 156/2018/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Khu DTTN hội tụ đủ tiêu chí để trở thành Vườn quốc gia".
Ông cho biết, việc nâng cấp sẽ giúp Khu DTTN Mường Nhé sẽ mở ra cơ hội cho tăng cường điều tra, nghiên cứu chuyên sâu về các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, các hệ sinh thái đặc trưng của vùng núi cao.
Bên cạnh đó, tiếp cận đầy đủ hơn với các cơ chế, chính sách, nguồn lực, nâng cao hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học làm căn cứ để thiết lập kế hoạch bảo tồn có trọng tâm. “Chúng tôi mong đây không chỉ là sự thay đổi về danh hiệu, mà thực sự là bước tiến về chất lượng quản lý, năng lực cán bộ theo đúng quy chuẩn quốc gia”, ông Chính nhận định.
Chính sách thiết thực tiếp sức cho người giữ rừng
Để đáp ứng yêu cầu nâng hạng, Khu DTTN Mường Nhé đã duy trì 7 tổ chuyên trách bảo vệ rừng trên các xã vùng đệm. Trong giai đoạn 2020-2025, đơn vị đã xử lý 31 vụ vi phạm, giảm mạnh so với giai đoạn 2015-2020, ngăn chặn kịp thời hơn 650 lượt người vào rừng trái phép giảm 91% thiệt hại, diện tích rừng bị ảnh hưởng chỉ còn 12,1%.
Những 'con số biết nói' trên là thành quả của những cán bộ chuyên trách bảo vệ ngày đêm bám trụ giữa rừng sâu, núi cao. Để họ yên tâm gắn bó lâu dài, rất cần những chính sách hỗ trợ cụ thể từ Trung ương và các tổ chức liên quan. "Chúng tôi mong muốn có thêm chính sách nhân sự và phụ cấp đặc thù cho anh em chuyên trách bảo vệ rừng. Họ là những người đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ 'lá phổi xanh' khu vùng biên Mường Nhé,” ông Chính chia sẻ.

5 kỳ vọng xuất phát từ Ban quản lý bao gồm chính sách nhân sự và phụ cấp đặc thù; quyền hạn, cơ chế cho lực lượng chuyên trách; chính sách mục tiêu quốc gia cho vùng biên giới; hợp tác đa ngành, đa đối tác; và đào tạo năng lực số. Ảnh: Kiều Chi.
Ngoài ra, theo ông, cần tăng cường cơ chế và quy định quyền hạn thực tế cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ rừng tại chỗ. Đặc biệt là trong công tác tuần tra, lập hồ sơ và giám sát ban đầu, ông Chính kiến nghị cần có cơ chế đặc thù, từ phụ cấp độc hại, ưu đãi nghề, đến quyền hạn trong công tác tuần tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Khu DTTN Mường Nhé cũng kiến nghị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia vùng biên giới và vùng đặc biệt khó khăn dành riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp. Chính sách này cần bao gồm đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo tồn và du lịch sinh thái; giáo dục môi trường; phát triển nguồn nhân lực bản địa có kiến thức chuyên sâu về bảo tồn, du lịch, công nghệ; và hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng, giảm áp lực lên tài nguyên rừng.
Để bảo vệ rừng hiệu quả, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các tổ chức nước ngoài, cũng như các cơ sở nghiên cứu, viện, trường đại học là vô cùng quan trọng. Khu kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tài chính, tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và năng lực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Một khía cạnh khác về nâng cao năng lực kỹ thuật số, Khu DTTN Mường Nhé đề xuất đầu tư các chương trình đào tạo dài hạn cho đội ngũ viên chức về kỹ năng chuyển đổi số trong giám sát tài nguyên rừng, sử dụng công nghệ như GPS, phần mềm SMART và các công cụ chuyên dụng để tuần tra, giám sát và báo cáo dữ liệu bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
Phát huy vai trò tham gia bảo vệ rừng của cộng đồng
Một trong những điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng tại KDTTN Mường Nhé phải kể đến là sự tham gia ngày càng sâu rộng và chủ động của chính cộng đồng địa phương. Ông Diệp Văn Chính chia sẻ "Chúng tôi mong muốn cộng đồng vùng đệm không chỉ sống gần rừng mà còn sống nhờ rừng - theo nghĩa đồng hành, gìn giữ và khai thác hợp lý".
Định hướng này đã được hiện thực hóa thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, được triển khai từ năm 2013. Theo đó, Khu DTTN Mường Nhé thực hiện khoán bảo vệ rừng hằng năm cho 28 bản thuộc vùng đệm, góp phần tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân. Giai đoạn 2020-2025, tổng kinh phí chi trả lên tới hơn 132 tỷ đồng, giúp mỗi hộ dân tăng thu nhập từ 5-25 triệu đồng mỗi năm.

Khung cảnh một buổi tuyên truyền tập huấn của người dân vùng đệm Khu DTTN Mường Nhé. Ảnh: Khu DTTN Mường Nhé.
Không chỉ cải thiện đời sống, chính sách này còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên rừng. "Ban đầu bà con chưa quen. Nhưng giờ đây, qua các đợt tuyên truyền, tập huấn kỹ năng, chủ động tham gia vào chính sách bảo vệ rừng, nhiều người không chỉ giữ rừng mà còn chủ động báo tin, phối hợp với kiểm lâm xử lý vi phạm," ông Chính nói.
Mối quan hệ giữa chính quyền, lực lượng bảo vệ rừng và người dân ngày càng gắn bó, tạo sức mạnh nội sinh cho công tác bảo tồn, tạo thành một 'mắt xích' phối hợp vững chắc. Và chính sợi dây gắn kết ấy là nền tảng quan trọng để bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai - khi Khu DTTN Mường Nhé trở thành Vườn quốc gia.