Dự lễ gắn biển có ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé; Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên và nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết: Cột cờ Quốc gia A Pa Chải “Nơi Cực Tây của Tổ quốc” không chỉ là công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc, mà còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là điểm đến văn hóa du lịch hấp dẫn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phát biểu tại buổi lễ.
Cột cờ A Pa Chải được khởi công xây dựng tháng 11/2023 với tổng mức đầu tư là 31 tỷ đồng, được xây dựng trên đỉnh núi có độ cao 1.459m so với mực nước biển (thuộc dãy núi Khoang La San, có tọa độ: 22º22’44” Vĩ độ Bắc -102º10’35” Kinh độ Đông); cách mốc ngã ba biên giới “Mốc 0” 1.387m.

Cột cờ A Pa Chải được khởi công xây dựng từ tháng 11/2023. Đây là một trong những công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa sâu sắc. Ảnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên.
Tổng thể khuôn viên cột cờ rộng 407m2. Các chỉ số về chiều cao của cột cờ sau khi hoàn thành ở cos +1.505,54m tương ứng với cột mốc lịch sử tháng 5/1954. Kích thước lá cờ 7,5x5m, gắn với ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954).
Thân cột cờ được tạo khối dựa trên hình bát giác thể hiện sự cân đối chắc chắn, vững chãi và uy nghiêm phù hợp tính chất công trình là cột cờ linh thiêng của Tổ quốc.
Phần chân cột cờ tạo điểm nhấn bằng 5 bức phù điêu mang hình ảnh đặc trưng văn hóa Tây Bắc, lấy ý tưởng từ 5 chủ đề: Sự tích Quả bầu mẹ - truyền thuyết của dân tộc Khơ Mú; Văn hóa tín ngưỡng và lễ hội (hoạt động của 9/19 dân tộc tại Điện Biên); Lao động, sản xuất và nghề truyền thống; Dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian; Vòng xòe đoàn kết các dân tộc.
Ngoài ra, trên đỉnh cột cờ ở cos +26,9m ốp phù điêu đá với chủ đề: Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc. Đường lên cột cờ gồm 519 bậc cấp, tượng trưng cho 19 dân tộc anh em của tỉnh Điện Biên, bám vào địa hình tự nhiên của sườn đồi.
Tại buổi lễ, các đại biểu, đội tiêu binh và người dân đã trang trọng thực hiện các bước trong nghi thức gắn cờ, thượng cờ, Quốc ca và sau đó là gắn biển công trình cột cờ A Pa Chải.

Chuẩn bị Hồng kỳ. Ảnh: Trần Hương.

Đội tiêu binh thực hiện các nghi thức chuẩn bị thượng cờ. Ảnh: Xuân Tư.
Cũng tại buổi lễ, xuất phát từ ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị của công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trực tiếp là Đồn Biên phòng A Pa Chải tiếp nhận, quản lý, bảo vệ Cột cờ; đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức các nghi lễ Chào cờ khi có sự kiện và gắn liền với chức năng bảo vệ biên giới Quốc gia của Bộ đội Biên phòng, khẳng định chủ quyền đất nước nơi cực Tây Tổ quốc.

Đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải. Ảnh: Xuân Tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô và các đại biểu kỳ vọng công trình Cột cờ A Pa Chải góp phần giúp huyện Mường Nhé nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch. Song song với đó, gắn liền với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.
Sau nghi thức thiêng liêng, đại biểu và nhân dân thực hiện trồng cây tạo cảnh quan, bóng mát trong khuôn viên công trình.

Các đại biểu trồng cây trong khuôn viên công trình. Ảnh: Trần Hương.