| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau trong nhà lưới, không lo thời tiết, sâu bệnh

Thứ Ba 02/02/2021 , 15:17 (GMT+7)

Nhờ trồng trong nhà lưới, rau có thể trồng trái vụ giá cao, không còn sợ bị dập nát mùa mưa, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung, hạn chế thuốc BVTV.

Xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) với điều kiện tự nhiên đất pha cát, rất thích hợp để trồng các loại rau, mướp đắng, đậu côve, dưa chuột…

Mặc dù người dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây rau màu, biết luân canh mùa nào cây nấy nhưng với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung như nắng nóng, mưa nặng hạt, gió mạnh, sương muối…, việc canh tác rau rất khó đạt hiệu quả kinh tế cao, không ít vụ bị mất trắng.

Nhờ trồng rau trong nhà lưới, nông dân xã Cẩm Trung đã chủ động sản xuất quanh năm, kể cả trái vụ. Ảnh: HT

Nhờ trồng rau trong nhà lưới, nông dân xã Cẩm Trung đã chủ động sản xuất quanh năm, kể cả trái vụ. Ảnh: HT

Năm 2020, xã Cẩm Trung đã xây dựng được 05 mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới với tổng diện tích 1.500 m2. Đến nay, cả 05 mô hình đều cho hiệu quả kinh tế vượt trội hơn hẳn so với mô hình truyền thống trước đây.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Trung Thịnh (xã Cẩm Trung) đầu tư 150 triệu đồng làm nhà lưới trồng rau rộng 250m2, trong đó huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ  100.000 đồng/m2,  xã hỗ trợ  50.000 đồng/m2.

Theo ông Thanh, ưu điểm lớn nhất của nhà lưới là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên lên cây trồng. Nhà lưới giúp cây trồng khỏe mạnh, phát triển nhanh, ít cần đến các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón.

Do đó, rau màu trồng trong nhà lưới cho năng suất, chất lượng cao hơn; chi phí nhân công chăm bón, thuốc BVTV cũng giảm nhiều. Bên cạnh đó, các loại côn trùng như bọ xít, ong, bướm, bọ trĩ,… do không thể xâm nhập vào.

Để cây dưa chuột, mướp đắng, đậu côve,… vẫn có thể thụ phấn cho quả giống như tự nhiên, ông Thanh quyết định nuôi ong, sau đó thả vào nhà lưới để ong thụ phấn cho hoa, tạo quả cho cây trồng.

Mặc dù trồng rau màu trong nhà lưới làm khá vất vả, tỉ mỉ nhưng năm nay vườn rau nhà ông Thanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, được người dân tìm đến tận vườn đặt mua, sản phẩm làm đến đâu bán hết đến đó nên gia đình ông rất phấn khởi. Dự định sang năm 2021 ông sẽ làm tiếp hơn 100m2 nhà lưới để trồng rau.

Nhiều loại rau ăn lá phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và thuốc BVTV. Ảnh: HT

Nhiều loại rau ăn lá phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và thuốc BVTV. Ảnh: HT

Cũng như gia đình ông Thanh, chị Phạm Thị Hồng (thôn Quyết Tâm, xã Cẩm Trung) cũng đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới vào việc trồng rau màu. Chị Hồng cho biết trước đây, gia đình chị chỉ canh tác rau màu theo phương pháp truyền thống là trồng ngoài trời với diện tích trồng tương đối lớn. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế đem lại không cao.

Nguyên nhân chính là khi thời tiết thuận lợi, được mùa rau thì giá cả rẻ mạt. Khi rau, quả trái vụ, đắt gấp 3 lần thì lại không trồng được, vì mưa nhiều làm rau thường bị dập và có nhiều sâu bệnh hại.

Được sự giúp đỡ của khuyến nông địa phương cùng với sự mày mò học hỏi từ những mô hình thực tế, chị đã quyết định đầu tư hệ thống nhà lưới gần 300m2 đất vườn.

Vụ rau quả đầu tiên trồng trong nhà lưới đã thành công hơn mong đợi. Ngay sau đó, bước vào vụ thứ 2, chị đã mạnh dạn đưa giống hoa cúc Đà Lạt vào thâm canh trong nhà lưới để phục vụ dịp Tết Tân Sửu.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Trung cho biết: Trồng rau màu trong vườn hộ là nghề kinh tế mũi nhọn của địa phương. Năm nay, mô hình trồng rau, màu, hoa trong nhà lưới ở Cẩm Trung không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng.

Vì vậy thời gian tới, xã sẽ khuyến khích bà con nhân rộng mô hình sản xuất này. Mô hình trồng rau màu trong nhà lưới đang giúp người nông dân xã Cẩm Trung tìm cách sản xuất hiệu quả thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung.

Đến thời điểm này, cả 05 vườn rau trong nhà lưới đều đã khẳng định hiệu quả rõ nét, hứa hẹn hướng phát triển nông nghiệp sạch và bền vững.

Xem thêm
Hà Nội trao tặng Nghệ An 100 con bò giống

Tỉnh Nghệ An có tổng đàn bò thuộc tốp đầu cả nước, với việc tiếp nhận thêm 100 con giống từ thành phố Hà Nội càng góp phần nâng cao vị thế hiện có.

Trăn trở công tác thú y cơ sở sau khi sát nhập đơn vị hành chính

Nhiều địa phương lo lắng sau sát nhập, cán bộ bán chuyên trách nghỉ việc khiến công tác thú y cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, địa bàn quản lý rộng.

Xã vùng biên mỗi năm 200 hộ thoát nghèo: Người trẻ nghĩ khác ở Lao Khô

SƠN LA Giữa đại ngàn Tây Bắc, nơi núi rừng Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) tiếp giáp với nước bạn Lào có một bản nhỏ mang tên là Lao Khô.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

16 cán bộ kiểm ngư 'gánh' 6.000km² mặt biển

Quảng Ninh Lực lượng kiểm ngư Quảng Ninh chỉ có 16 cán bộ nhưng quản lý tới 6.000km² mặt biển, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trên biển.

Tăng tốc hoàn thiện dữ liệu phục vụ EUDR, bảo đảm xuất khẩu không gián đoạn

Hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc khai báo truy xuất nguồn gốc theo quy định EUDR vẫn cần hoàn thiện để đảm bảo việc xuất khẩu duy trì khi EUDR có hiệu lực.

Bình luận mới nhất