
Bà Nguyễn Thị Hương Vân - Chủ tịch HĐQT HTX Hương Vân Trà. Ảnh: Quang Linh.
Chè là tinh hoa, không chỉ là sản phẩm
Xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) được mệnh danh là “thủ phủ chè” của xứ đệ nhất danh trà, những búp chè xanh mướt được nâng niu chăm sóc từ đời này qua đời khác nhờ khí hậu ôn hòa và kỹ thuật chăm sóc khéo léo của nông dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Hương Vân - Chủ tịch HĐQT HTX Hương Vân Trà đã và đang kiến tạo nên một thương hiệu chè, không chỉ dừng lại là sản phẩm, mà hướng tới tinh hoa, văn hoá và giá trị sống.
Theo bà Hương Vân, thương hiệu không chỉ bắt đầu từ mẫu mã, bao bì hay truyền thông, mà quan trọng nhất chính là tư duy sản xuất và văn hoá làm trà. Triết lý “làm trà bằng trái tim, trao đi niềm tin và hạnh phúc” đã trở thành kim chỉ nam trong chuỗi hoạt động từ sản xuất đến thành phẩm đưa ra thị trường, gắn liền với con người nơi đây.
“Chúng tôi không đơn thuần là làm trà, bán trà. Mỗi sản phẩm của Hương Vân Trà đều được gửi gắm thông điệp văn hoá, niềm tự hào và cái tâm của người làm trà”, bà Vân chia sẻ.
HTX Hương Vân Trà hiện quy tụ hơn 40 hộ thành viên, canh tác trên vùng nguyên liệu chè được quản lý nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ và VietGAP. Không dừng lại ở việc sản xuất chè sạch, bà Hương Vân chú trọng đào tạo nhân sự, xây dựng đội ngũ bán hàng, nhân viên phục vụ tại không gian thưởng trà theo hướng chuyên nghiệp.
“Từ bao bì đến chén trà, từ cách phục vụ đến câu chuyện thương hiệu đều phải chỉn chu. Muốn có chè ngon thì người làm chè cũng phải chuyên nghiệp”, bà Vân nhấn mạnh.
Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông thông qua mạng xã hội, website và sàn thương mại điện tử. Những bạn trẻ trong HTX được khuyến khích viết bài, sáng tạo nội dung, đưa sản phẩm đến gần hơn với giới trẻ và người tiêu dùng hiện đại.

Vùng chè nguyên liệu của HTX Hương Vân Trà. Ảnh: Quang Linh.
Không chỉ lo cho thương hiệu của riêng mình, bà Hương Vân cũng luôn trăn trở về việc chè Tân Cương thiếu sự đồng bộ và liên kết. Điều này đang ảnh hưởng ít nhiều tới sự nhận diện chung của thương hiệu chè Tân Cương.
“Mỗi hợp tác xã, doanh nghiệp cần phải chuẩn hoá từng quy trình nhỏ. Khi được chuẩn hoá, đồng bộ hoá thì chất lượng trà sẽ đồng đều, giá cả thị trường sẽ ổn định. Từ đó, khẳng định rõ vị thế và gia tăng giá trị sản phẩm, nông dân sẽ được lợi”, bà Vân kỳ vọng.

HTX Hương Vân Trà rất chú trọng tới thiết kế bao bì sản phẩm. Ảnh: Quang Linh.
Bao bì, nhãn mác - mảnh ghép còn bị xem nhẹ
Một trong những vấn đề lớn hiện nay là việc bao bì, tem nhãn thương hiệu trà Tân Cương cũng như bao bì trà Thái Nguyên bị bán tràn lan trên thị trường, khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật giả.
Bà Hương Vân cho biết: “Nhiều nơi lấy chè kém chất lượng, đóng vào bao bì Tân Cương chính hiệu, trà Thái Nguyên rồi bán ra khắp cả nước. Điều này làm mất uy tín của cả vùng chè Tân Cương nói riêng và chè Thái Nguyên nói chung”.
Do đó, HTX Hương Vân Trà kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý chặt bao bì, nhãn mác và có cơ chế xử lý nghiêm những đơn vị làm giả thương hiệu để chè Tân Cương được bảo vệ từ gốc.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Nguyên, địa phương đang rà soát, hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất, đánh giá hiện trạng đất đai, lợi thế phát triển chè để xác lập, quy hoạch các vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cho chế biến; quy hoạch các điểm sản xuất chè gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Thái Nguyên thực hiện số hóa các vùng sản xuất chè theo quy hoạch để quản lý, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn. Đồng thời, bảo vệ diện tích trồng chè hiện có và đẩy mạnh mở rộng, phát triển bền vững các vùng sản xuất chè.
Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động xây dựng chỉ tiêu mở rộng quy mô sản xuất và cơ cấu giống chè phù hợp nhu cầu thị trường tiêu thụ để đảm bảo đến năm 2030 diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh đạt 24.500 ha.