Nhìn 2 con tôm to đùng được treo theo thế “chầu” trên bức tường phòng khách nhà người bạn, tôi buột miệng thốt lên: “Giống tôm ở đâu mà bự vậy?”. Anh bạn tôi cười: “Không phải tôm thật đâu, tôm làm bằng tre đấy”.
Hoá ra ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn (Bình Định) có bác Nguyễn Minh Châu là người đã khai sinh ra cái nghề “độc nhất vô nhị” này- nghề làm tôm bằng tre. Bất cứ ở đâu trong thị trấn Bình Định cứ hỏi nhà bác “Châu tôm” là đến cả con nít cũng biết. Đứng trước ngôi nhà số 364 đường Ngô Gia Tự, nhìn ông cụ da dẻ hồng hào, khỏe mạnh đang ngồi trước nhà, tay cầm chiếc rựa thoăn thoắt chẻ những khúc tre, không ai có thể ngờ đây là 1 bô lão đã qua tuổi bát tuần.
Bác Châu kể: “Suốt cả quảng đời niên thiếu tôi phải làm ruộng, chăn trâu. Những buổi chăn trâu, ngồi buồn không biết làm gì tôi thường bẻ những nhành tre xếp thành hình con vật. Lâu thành nghiện và rồi cây tre luôn ám ảnh tôi. Lớn lên có gia đình, xa rời ruộng đất, làm ăn thất bát lại không có nghề ngỗng gì, tôi liền nảy ra ý định làm những món đồ mỹ nghệ nho nhỏ kiếm ít tiền đong gạo. Năm đó tôi đã hơn 40 tuổi. Ngày ấy sản phẩm của tôi chưa định hình được mặt hàng chủ đạo nào, chỉ làm theo cảm hứng. Cách đây 10 năm tôi mới làm những con tôm tre đầu tiên. Thử đưa đi XK, không ngờ chúng được bán chạy như tôm tươi ở châu Âu”.
Để minh họa, bác Châu dắt tôi ra phía sau nhà, nơi các học trò của bác đang “tác nghiệp”. Cầm con tôm mới được ráp thô, bác Châu diễn giải: “Trong con tôm, phần khó nhất là thể hiện cái dáng khum khum cái lưng của nó. Nếu được làm bằng nhựa mica thì quá dễ, nhưng với chất liệu tre khi được phủ lên lớp sơn “trang điểm” thì chúng rất giống những con tôm vừa được lột vỏ ngoài. Râu của chúng được làm bằng dây chuối nhỏ quấn vào sợi thép, ngoe nguẩy. Đầu tôm được tạo dáng bằng gỗ cây gòn rất mềm và nhẹ, phủ lên lớp keo sau đó rải thêm lớp cát mịn. Phần thân con tôm là những khúc tre tròn được cưa xéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi kết nối nhau cũng bằng những sợi dây thép. Phần đuôi là những miếng tre được chẻ rất mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra".
Bác Châu kể thêm, những con tôm đầu tiên trông không được bắt mắt lắm. Sau nhiều năm liên tục cải tiến, chúng mới đích thực là…tôm tre. Điều đặc biệt là bác đã hoàn thiện được quy trình làm tôm tre tách rời từng bộ phận để tiện lợi cho việc đóng hộp XK và bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể ráp hoàn chỉnh mà không cần nhìn vào bản chỉ dẫn kèm theo.
Một bí quyết nữa của bác Châu chính là việc xử lý nguyên liệu. Tre là loại cây dễ bị mối mọt “xơi tái” nên cần phải qua quá trình xử lý nghiêm cẩn. Tre chọn xong được ngâm liên tục trong 6 tháng dưới ao, sau vớt lên phơi thật khô. Trước khi trở thành những chi tiết trên thân con tôm, chúng lại được ngâm cho mềm ra để dễ tạo dáng rồi lại được xông qua hóa chất chống mối. Trước khi ráp từng bộ phận lại với nhau chúng lại được phơi thật khô lần nữa. Khi sản phẩm đã hoàn chỉnh, thoạt nhìn vào đố ai nhận ra ngay đó là con…tôm tre.
Bác Nguyễn Minh Châu đã mở ra hướng mới trong việc ứng dụng cây tre trong làm hàng thủ công mỹ nghệ. Nguyên liệu sản xuất mặt hàng này là vô cùng, lại luôn sẵn quanh ta. Nghề lại dễ học, dễ làm.
Hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu tre nứa từ lâu đã tràn ngập thị trường các nước châu Âu, thế nhưng trong 7 năm qua, con tôm tre Việt Nam vẫn là độc nhất vô nhị. Thậm chí, một số cơ sở SX hàng thủ công mỹ nghệ của Hàn Quốc, Trung Quốc…đã bắt chước làm tôm tre nhái nhưng không được người tiêu dùng chấp nhận vì chúng sử dụng nguyên liệu khác nhiều hơn tre. Thú thật, để tạo cái dáng khum khum cho lưng con tôm như thật bằng tre nếu không có bí quyết thì đố ai làm nên.
Mặc dù suy giảm kinh tế nhưng sản phẩm tôm tre của bác Châu vẫn vững vàng ở mức 150.000đ/con (cỡ trung), 300.000đ/con cỡ lớn và mỗi lần XK đạt đến số lượng cả container. Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, hiện bác Châu còn làm thêm nhiều con vật khác như cua, rồng…cũng bằng tre. Anh Nguyễn Phúc Sơn, con trai bác Châu kể: “Cuối năm 1997, có khách hàng ở Hà Nội gọi vào hỏi cha tôi có làm được nải chuối bằng tre không, bởi có thương gia hàng thủ công mỹ nghệ người Nhật đặt hàng. Nhận lời xong, sau 10 ngày ngẫm nghĩ, cưa, đẽo cha tôi đóng thùng gửi ra 3 nải chuối bằng tre như chuối thật. Màu vàng của loại tre ngô cứ như màu chuối chín cây, tươi rói. Bộ hàng mẫu này được trả 100 USD”.