Cảnh giác trước thiên tai
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dẫn đầu đoàn công tác của thành phố đã đến xã Xuân Mai kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, ngập lụt và ứng phó với cơn bão số 3 tại địa bàn 2 xã Xuân Mai và Trần Phú.
Do ảnh hưởng mưa, trận dông lốc chiều ngày 19/7, khu vực xã Xuân Mai có mưa kèm theo gió lớn đã ảnh hưởng nặng nề. Dông lốc đã gây thiệt hại nhiều về tài sản: Tốc mái tôn 6 công trình (758 m2); sập mái 9 chuồng chăn nuôi (180 m2). Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: đổ 1.500 m2 ngô, 36 cây xanh bị gãy, đổ. Gió lốc làm tốc mái tôn vào đường dây điện...

Xã Xuân Mai, TP Hà Nội triển khai các phương án phòng chống ngập lụt, ứng phó với bão số 3 theo tinh thần "4 tại chỗ". Ảnh: Xuân Vũ.
Theo thông tin từ Phòng dự báo khí tượng thủy văn, từ 21/7 đến ngày 25/7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,5 m. Trong đợt lũ này, sông Bùi, sông Tích có khả năng ở mức Báo động 1 đến trên Báo động 2. Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông. Ngập lụt, lũ quét sạt lở đất ảnh hưởng đến con người, một số khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân.
Xã Xuân Mai đã chỉ đạo ứng phó với đợt thiên tai cơn bão số 3 (Wipha). Xã đã thành lập các tổ giúp việc cho Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự gồm 4 tiểu ban giúp việc (tiểu ban kỹ thuật; tiểu ban đảm bảo đời sống; tiểu ban đảm bảo an ninh; tiểu ban tổng hợp; 4 tổ phụ trách đê, hồ đập và chống úng; 4 cụm sơ tán).
UBND xã đã rà soát, có 19 điểm xung yếu thường xuyên ngập, lụt; 20 điểm sơ tán. Trên địa bàn xã, tại các nhà văn hóa, trường học có thể tiếp nhận 6.555 người.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự xã đã ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung cấp vật tư (dự kiến bao tải: 25.000 cái, đất cát: 1000 m3, áo phao, đèn pin...), phương tiện ô tô, máy xúc và rà soát vật tư có thể huy động trong nhân dân (gồm 99 thuyền, xuồng; áo phao 1.368 cái, tét nước: 13 cái; máy nổ 2 cái); đã hiệp đồng lượng lực với các đơn vị Quân sự, Công an (310 chiến sỹ). Tổng số lực lượng dự kiến huy động 614 người.
Sẵn sàng ứng phó với Bão số 3 theo tinh thần “4 tại chỗ”
Chủ tịch xã Xuân Mai Nguyễn Minh Đức cho biết đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu ứng cứu, ký hợp đồng với các đơn vị để chuẩn bị cung ứng lương thực, phân công cán bộ trực 24/24, triển khai nghiêm túc công tác phòng chống bão số 3.
Trạm Y tế xã đã chỉ đạo thường xuyên tổ chức thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên địa bàn đặc biệt các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt. Phối hợp với các đơn vị cung cấp điện đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão, kịp thời xử lý các sự cố điện.
Xã Xuân Mai thường xuyên cập nhật diễn biến cơn bão số 3 và tình hình diễn biến thời thời tiết để kịp thời tuyên truyền, chủ động, ứng phó với những diễn biến phức tạp khi có mưa lớn xảy ra và mực nước sông lên cao. Các tổ phụ trách đê, hồ đập và chống úng phối hợp với lực lượng xung kích thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn để kịp thời báo cáo, xử lý các tình huống.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm việc với lãnh đạo 2 xã Xuân Mai và Trần Phú về công tác phòng chống lụt bão. Ảnh: Xuân Vũ.
Chủ tịch UBND xã Trần Phú Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, xã đã thành lập đầy đủ các tiểu ban, chuẩn bị lực lượng 1.200 người tại chỗ, hiệp đồng thêm 200 cán bộ, chiến sĩ, ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp vật tư gồm 15.000 bao tải, 2.000 cọc tre, vải bạt, phương tiện cơ giới... Các điểm tuần tra, trực ban cũng đã sẵn sàng triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, địa phương cũng kiến nghị thành phố bổ sung thiết bị chuyên dụng và làm rõ chỉ giới, địa giới hành chính mới sau sáp nhập để phối hợp chỉ đạo, không bị chồng chéo.
Ông Đỗ Hoàng Anh Châu thông tin, trường hợp lũ lụt xảy ra, nhiều diện tích tự nhiên của Trần Phú sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ có khoảng hơn 100 hộ dân thuộc thôn Khôn Duy bị ảnh hưởng trực tiếp, vì sinh sống phía ngoài đê Hữu Bùi. Với phương án "4 tại chỗ", hiện xã Trần Phú đã huy động lực lượng: khoảng 300 người, 8 xe ô tô, cát sỏi, 10 xuồng cứu hộ. Đồng thời xã Trần Phú đã hợp đồng với các đơn vị cung ứng hậu cần, nhằm chủ động đối phó với các tình huống xấu.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Cơn bão số 3 diễn biến bất thường, khó lường. Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, các lãnh đạo rất quan tâm đến công tác phòng chống bão lũ, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, Hà Nội sẽ có mưa rất to, lượng mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến khu vực sông Bùi và sông Tích. Do đó, cấp ủy, chính quyền các xã phải quan tâm, có phương án phòng chống lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, dù tâm bão không đi vào Hà Nội nhưng hoàn lưu của bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ cao gây úng ngập diện rộng tại nhiều địa phương. Do đó công tác chuẩn bị phòng chống cơn báo số 3 từ Trung ương, đến thành phố và các xã phải thông suốt. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, lơ là. Việc vận hành tốt mô hình "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi tình huống thiên tai.