Lá phổi xanh và ngọn nguồn ký ức
Nằm “lọt thỏm” giữa bốn bề đô thị hóa, rừng Trung Sơn ở phường Liên Chiểu, TP Đà Nẵng có diện tích 13 hecta. Phía Tây giáp đường vành đai, phía Bắc là khu đô thị hiện đại, phía Nam là khu công nghiệp Hòa Khánh, còn phía Đông tiếp giáp với khu tái định cư… Mọi hướng đều là dấu chân của con người hiện đại, nhưng giữa trung tâm ấy, khu rừng vẫn giữ nguyên nét cổ kính và linh thiêng như hàng trăm năm trước.

Rừng Trung Sơn xanh mát nằm "lọt thỏm" giữa xung quanh là hàng loạt dự án tái định cư, khu công nghiệp. Ảnh: Lan Anh
"Rừng này nằm giữa các khu đô thị chứ không phải giữa núi", ông Hà Thúc Vinh, Trưởng thôn Trung Sơn nhấn mạnh khi dẫn chúng tôi vào rừng. Giọng ông pha chút hào sảng của người từng gắn bó cả đời với rừng, vừa như khẳng định, vừa như tự hào. Không tự hào sao được, khi rừng đã sống sót qua cả chiến tranh bom đạn lẫn tốc độ phát triển ào ạt của một thành phố hiện đại như Đà Nẵng.
Rừng Trung Sơn là một tổ hợp sinh thái tự nhiên xen lẫn tâm linh và lịch sử. Trong rừng có nhiều loài cây bản địa quý như cây dẻ, chùm bù, sơn ta, lò to, sim, xước… đặc biệt có những cây cổ thụ tuổi đời vài trăm năm, thân to hai người ôm không xuể, rễ trồi lên mặt đất như những bàn tay già nua bấu chặt vào lòng quê.

Bao đời nay dân làng Trung Sơn gìn giữ cánh rừng như báu vật. Ảnh: Lan Anh
Giữa tán cây rì rào ấy, rừng lưu giữ biết bao chứng tích. Đó là đình làng rêu phong được xây dựng từ năm 1900, miếu Bà Ngũ Hành u tịch, giếng cổ của người Chăm xây từ hàng trăm năm trước và một nghĩa trũng nơi yên nghỉ của hơn 200 nghĩa sĩ hi sinh trong cuộc chiến chống ngoại biên xâm nhập và hải tặc dưới sự chỉ huy của đô đốc Lê Văn Tấn thời vua Lê Anh Tông (1556-1573); mộ phần của thân sinh (cửu phẩm văn giai Nguyễn Bá Hoành (1880-1941) và thân mẫu của danh tướng Nguyễn Bá Phát - nguyên Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam.
“Cái rừng này, ngày xưa bộ đội mình dùng làm nơi trú ẩn, hoạt động để giải phóng thành phố Đà Nẵng. Có tới 65 hầm bí mật trong rừng, mà đâu hầm kiên cố gì đâu, là nhờ cây rừng che chở”, ông Vinh kể với ánh mắt xa xăm.
Không chỉ là căn cứ kháng chiến, Trung Sơn còn là vùng đất nghĩa tình cách mạng. Ông Nguyễn Bá Đức - một cao niên trong làng, từng tham gia nhiều phong trào giữ rừng kể lại: "Hồi đó Mỹ nó muốn phá rừng, dân mình ra đối mặt, quyết liệt không cho chặt cây. Bà con vừa phản đối vừa thách thức: Cây có bị chặt thì vẫn còn cái gốc! Có gốc ắt sẽ có chồi mọc lại”. Đó không chỉ là sự phản kháng, mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt của một cộng đồng sống chết vì rừng, vì đất.
Hương ước giữ rừng
Từ xa xưa, dân làng Trung Sơn đã có Hương ước giữ rừng. Những điều khoản bất thành văn nhưng ăn sâu vào ý thức cộng đồng: tuyệt đối không chặt cây rừng, không khai thác cát, không chôn người chết trong rừng. Người dân chỉ được phép nhặt lá khô, hái thuốc nam. Ai vi phạm dù chỉ bẻ một nhành cây cũng sẽ bị đưa ra kiểm điểm trước dân.

Đình làng Trung Sơn được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ được trồng từ hàng trăm nay. Ảnh: Lan Anh
“Cứ hễ ai chặt cây là làng họp lại, phân xử ngay. Nhưng lạ là gần như không ai dám vi phạm, không phải vì sợ mà vì người ta kính rừng, yêu rừng như yêu cha mẹ mình vậy”, ông Vinh chia sẻ.
Hương ước ấy như một lời thề. Nó răn dạy người Trung Sơn không chỉ bằng kỷ cương, mà bằng tình thương và ký ức. Những ngày giỗ làng 14 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân lại về rừng, quây quần bên đình làng thắp hương, kể chuyện rừng, chuyện làng cho con cháu.
Chung quanh làng Trung Sơn trước đây có nhiều khu rừng tương tự như Xuân Thiều, Thanh Vinh, Vân Dương nhưng tất cả đều đã bị quân đội Mỹ cày ủi thành bình địa. Riêng rừng Trung Sơn thì được nhân dân đấu tranh quyết liệt để giữ lại. Người dân Trung Sơn có thể tự hào mà nói rằng, đây là một thành công lớn của cả quân và dân làng Trung Sơn trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Những ngày giỗ làng 14 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân lại về rừng, quây quần bên đình làng thắp hương, kể chuyện rừng, chuyện làng cho con cháu. Ảnh: Lan Anh
Qua hàng trăm năm giữ gìn, nhưng rừng Trung Sơn chưa bao giờ thôi đối mặt với thử thách. Thiên nhiên ban tặng cho làng không chỉ rừng cây mà phía dưới là khối cát trắng vô giá trải qua hàng ngàn năm được nắng mưa gội rửa. Và tất nhiên, với tài nguyên này cũng có kẻ dòm ngó. Năm 2015, một công ty tư nhân xin phép khai thác cát trắng dưới lòng rừng với lời hứa tái định cư cho dân. Nhưng bà con kiên quyết phản đối. “Người ta bảo dời nhà thì dời, nhưng rừng là phải giữ lại. Rừng này là lá phổi xanh, là chốn tâm linh, là chốn quê cha đất tổ. Đô thị hóa rồi nhưng giữa phố mà còn một khu rừng như vầy thì quý lắm chứ”, ông Đức kể.
“Rừng Trung Sơn còn che chắn gió bão cho thôn Trung Sơn và một số làng lân cận. Vào năm 1915, gió bão lớn đánh sập nhà dân của các thôn gần đó, có người chết, mất nhà cửa nhưng riêng thôn Trung Sơn, thôn Vân Dương an toàn. Đó là nhờ rừng cấm Trung Sơn che chắn”, ông Vinh chia sẻ

Ông Nguyễn Bá Đức đi qua nhiều cuộc chiến giữ rừng, giữ cả kho báu bí mật về làng Trung Sơn. Ảnh: Lan Anh
Trăn trở giữ “địa chỉ đỏ” cho thế hệ sau
Trong kháng chiến, Trung Sơn có tới 97 liệt sĩ, 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang. Đó là những con người lớn lên từ rừng, chiến đấu vì quê hương và ngã xuống trên mảnh đất này. Giữ rừng cũng là giữ lấy ký ức về những người đã khuất, là trả nghĩa với cha ông.
“Rừng quý không chỉ vì cây cối, mà vì ký ức, vì máu xương, vì lòng tự hào và vì bài học cho con cháu”, ông Đức trầm giọng nói. “Nếu chúng ta không giáo dục được truyền thống cho thế hệ sau, thì sẽ đến ngày người ta quên mất tại sao phải giữ lấy rừng này”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rừng Trung Sơn là nơi dân làng nuôi giấu cán bộ. Ảnh: Lan Anh
Đã có quyết định từ thành phố về việc xếp hạng di tích đối với khu vực này. Nhưng đến nay, rừng vẫn chưa được gắn tấm biển “Di tích lịch sử”. Hiện làng Trung Sơn chỉ còn dăm nhà dân bởi đa phần đã được giải tỏa, tái định cư gần đó. Người dân vẫn mong mỏi chính quyền sớm thực hiện quy hoạch rõ ràng, giữ lại khu rừng như một di tích – nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
“Nếu không có hành lang pháp lý bảo vệ, rừng có thể biến mất bất cứ lúc nào khi có nhà đầu tư khác xuất hiện”, ông Vinh lo lắng.

Ông Hà Thúc Vinh bên giếng cổ Chăm trong làng Trung Sơn. Ảnh: Lan Anh
Giữa thời đại mà một mét vuông đất có thể đổi thành hàng tỷ đồng, người dân Trung Sơn vẫn chọn giữ rừng. Không phải vì họ lạc hậu hay bảo thủ, mà bởi họ hiểu giá trị của cội nguồn, của truyền thống và của một không gian linh thiêng giữa lòng phố thị.
Rừng Trung Sơn, vì thế, không chỉ là một mảng xanh của đô thị, mà là biểu tượng của bản lĩnh, của văn hóa và của ký ức quê hương. Một ngày nào đó, nếu được công nhận là di tích, khu rừng này vẫn sẽ không cần rào chắn, không cần bảng cấm – vì trái tim của người dân nơi đây đã là tường thành vững chãi nhất để bảo vệ rừng rồi.