Phát huy vai trò hạt nhân
Nhờ được quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi, tỉnh Tây Ninh mở ra cơ hội phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, trong đó, thành phố Tây Ninh là đầu tàu của loại hình sản xuất này.

Một góc khu vực sản xuất dưa lưới của HTX Phúc Lợi cạnh kênh TN11. Ảnh: Trần Trung.
Theo chân cán bộ khuyến nông thành phố Tây Ninh đến thăm trang trại dưa lưới công nghệ cao rộng hơn 3 ha tọa lạc tại phường Ninh Sơn của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phúc Lợi, đập vào mắt chúng tôi là hệ thống nhà kính được xây dựng khoa học nằm cạnh bờ kênh thủy lợi TN11.
Nhờ lợi thế nguồn nước sạch cùng vai trò điều hòa tiểu khí hậu của dòng kênh, trang trại có thể canh tác quanh năm, năng suất và chất lượng quả dưa vượt trội, đủ tiêu chuẩn xuất bán cho toàn bộ hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài địa phương.
Cầm trên tay quả dưa lưới vừa tới tuổi thu hoạch, anh Lê Tấn Thành, quản lý trang trại cho biết, dưa lưới là cây trồng nhiệt đới, có khả năng chịu nhiệt tốt nhưng cũng rất cần nguồn nước tưới ổn định và sạch.

HTX Phúc Lợi ứng dụng công nghệ tưới thông minh nhằm tiết kiệm nguồn nước, tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ảnh: Trần Trung.
Dù có lợi thế nguồn nước, HTX vẫn đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới thông minh vào canh tác dưa lưới theo hướng hữu cơ trong nhà kính. Cây được trồng trong bầu giá thể (xơ dừa trộn đất), giúp rễ cây không tiếp xúc với mầm bệnh từ đất, tạo độ thông thoáng cho bộ rễ. Cùng với đó, nước và dinh dưỡng được cung cấp vừa đủ qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
“Ưu điểm nổi trội của canh tác dưa lưới kết hợp công nghệ tưới thông minh không chỉ tiết kiệm 30-60% lượng nước và phân bón, mà còn ngăn ngừa bệnh cho cây trồng bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân và hoa trái; cho phép các hàng giữa các cây vẫn khô ráo, cải thiện khả năng tiếp cận và hạn chế cỏ dại phát triển. Qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí và công lao động…”, anh Lê Tấn Thành chia sẻ.
Anh Phạm Ngọc Hải, Giám đốc HTX Phúc Lợi cho biết thêm, mỗi năm mô hình cho thu hoạch 4 vụ, sản lượng đạt 3,5-4 tấn/1.000m², giá bán dao động từ 18.000-34.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ và chất lượng trái.

Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX đã trở thành điểm đến của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp muốn học hỏi kinh nghiệm, liên kết hợp tác. Ảnh: Trần Trung.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh, Khuyến nông viên Trung tâm Khuyến nông thành phố Tây Ninh cho biết, những năm gần đây, địa phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Hầu hết các mô hình đều xây dựng cạnh các tuyến kênh thủy lợi để tối ưu hóa lợi thế nguồn nước, mang lại làn gió mới cho nông nghiệp thành phố, đặc biệt là nông nghiệp đô thị.
Tiến tới trung tâm nông nghiệp công nghệ cao
Ngoài thành phố Tây Ninh, những năm gần đây, huyện Tân Châu đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Tây Ninh sở hữu 4 hồ chứa nước lớn gồm Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1 và Nước Trong 2, trong đó Tân Châu được hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống hạ tầng thủy lợi này.
Ngoài ra, hàng trăm kilomet kênh mương dẫn nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, biến Tân Châu thành “thiên đường” của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tây Ninh sở hữu 4 hồ chứa nước lớn gồm Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1 và Nước Trong 2. Ảnh: Trần Trung.
Hiện toàn huyện có 60 dự án trồng trọt đang triển khai, gồm 30 dự án trồng đinh lăng, 14 dự án trồng nấm và 16 dự án trồng trọt hỗn hợp. Trong đó có 8 dự án áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích trên 122 ha. Hơn 602 ha cây trồng đã triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000 ha cây trồng kém hiệu quả, không phù hợp thổ nhưỡng sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có 200 ha trồng sầu riêng và 600 ha trồng chuối. Các mô hình này đều ứng dụng công nghệ cao trong canh tác. Bên cạnh đó, hệ thống nhà màng trồng rau và cây ăn quả cũng đang dần được hình thành, góp phần thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Đặc biệt, Tân Châu đang triển khai 7 dự án chăn nuôi thuộc chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus, với tổng vốn đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng.
"Tây Ninh có điều kiện tự nhiên thuận lợi với địa hình bằng phẳng, nguồn nước dồi dào. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Đây chính là những yếu tố quan trọng để chúng tôi quyết định lựa chọn đầu tư lâu dài tại địa phương”, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh đã đưa nông nghiệp công nghệ cao là một trong 4 đột phá chiến lược phát triển kinh tế. Mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó: giai đoạn 2022-2025 phát triển 9 vùng, giai đoạn 2026-2030 phát triển thêm 11 vùng, với tổng quy mô hơn 7.000 ha. Mỗi vùng sản xuất đạt chuẩn đều phải hình thành ít nhất một chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh thăm, động viên các HTX ứng dụng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình phát triển tại Tây Ninh vẫn đối mặt không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc đầu tư vào công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và nông dân tại địa phương còn hạn chế về tài chính. Vì vậy, tỉnh đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các ngân hàng, tổ chức tài chính để cung cấp các gói vay ưu đãi.
"Ngoài ra, để thực hiện nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Tây Ninh sẽ triển khai nhiều chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho doanh nghiệp, HTX, người nông dân…”, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm.
Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh đang trở thành nền tảng quan trọng giúp Tây Ninh bứt phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và nông dân, Tây Ninh đang dần khẳng định vị thế trung tâm nông nghiệp hiện đại của khu vực.