Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), trong vụ đông xuân 2024-2025, Phòng Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung-Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) triển khai mô hình cánh đồng mẫu sử dụng giống lúa thuần TBR97 tại xã Cư Pui với diện tích 35 ha. Biện pháp kỹ thuật áp dụng theo quy trình sản xuất của ThaiBinh Seed và quy trình của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk ban hành.

Giống lúa TBR97 thấp cây nên khả năng chống đổ ngã tốt. Ảnh: Trần Thọ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện mô hình cánh đồng mẫu giống lúa thuần TBR97, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Bông đã phối hợp cùng UBND xã Cư Pui tổ chức khảo sát, chọn địa điểm và chọn hộ tham gia mô hình đáp ứng đủ các tiêu chí và năng lực như yêu cầu đề ra. Trong đó, công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật được quan tâm hàng đầu như: Làm đất, kỹ thuật ngâm ủ giống, bón phân đúng liều lượng cho từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của lúa, giới thiệu các đối tượng sâu bệnh và giải pháp kỹ thuật quản lý hiệu quả.
Kết quả triển khai mô hình cho thấy, giống lúa TBR97 có thời gian sinh trưởng 120 ngày. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, sở dĩ thời gian sinh trưởng dài là do vụ đông xuân năm nay, lúa bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa và nhiệt độ thấp kéo dài dẫn đến thời gian sinh trưởng lúa kéo dài thêm 10 ngày so với mọi năm.
"Trong quá trình triển khai mô hình, dù thời tiết bất thuận nhưng giống lúa TBR97 sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh nhất là bệnh đạo ôn và rầy nâu. Lúa trổ đều, độ thoát cổ bông tốt, khi lúa chín hạt có màu vàng óng, Thời gian sinh trưởng của giống lúa này rất phù hợp với định hướng cơ cấu giống của địa phương", lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Bông chia sẻ.
Anh Nguyễn Thế Hải (thôn Điện Tân, xã Cư Pui) cho biết, vụ đông xuân năm nay gia đình sử dụng giống lúa thuần TBR97 để sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 0,25ha. "Giống lúa TBR97 có ưu điểm nổi trội là hạt dài, số hạt chắc trên bông và năng suất cao. Đặc biệt, giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh tốt nên gần như không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, do đó đã giúp giảm chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ sức khỏe cho người nông dân", anh Nguyễn Thế Hải chia sẻ.

Mặc dù trổ bông gặp thời tiết bất lợi nhưng giống lúa TBR97 tại xã Cư Pui vẫn đạt năng suất 8,2 tấn/ha. Ảnh: Trần Thọ.
Giống lúa TBR97 với thân cây cứng cáp, chiều cao thấp nên khả năng chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, bình quân đạt 4-5 nhánh/bụi. Thời gian trổ bông tập trung (5-7 ngày); bộ lá đứng, gọn, cứng cây. Bông dài trung bình 23 - 25cm, hạt to, thon dài, màu vàng sáng. Một số chỉ tiêu khác của giống như: độ cứng cây, độ tàn lá, thoát cổ bông… khá tốt.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Bông, trong quá trình sản xuất, năng suất là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá giống một cách toàn diện. Mặc dù giống TBR97 trổ bông đúng thời tiết bất lợi khi có gió mùa Đông Bắc khiến trời mưa, lạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Tuy nhiên, tỷ lệ hạt chắc trên bông giống lúa TBR97 vẫn đạt trên 91%, năng suất thống kê đạt 8,2 tấn/ha, đã thể hiện rõ tính ưu việt về chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, giống lúa có chất lượng gạo trong, cơm thơm, ngon, dẻo.
Theo đại diện Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung-Tây Nguyên: Giống lúa TBR97 được chính thức công nhận lưu hành năm 2022. Đến nay, giống lúa này đã được sản xuất nhiều vụ tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, giống được chính quyền các địa phương đánh giá cao, người dân nồng nhiệt đón nhận bởi nhiều ưu điểm vượt trội. Hiện nay, TBR97 là một trong những giống chủ lực tại nhiều địa phương. Giống có khả năng đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, chống chịu được bệnh đạo ôn, có thể sản xuất được cả 2 vụ đông xuân và hè thu.