Cape Town, cũng là nơi giao thương quan trọng, là địa điểm đầu tiên mà người châu Âu đã giong thương thuyền Công ty Đông Ấn Hà Lan danh tiếng, để lập lỵ sở tại châu Phi (từ năm 1652).
Hiện nay, từ khu vui chơi nổi tiếng sầm uất với bảo tàng đại dương kỳ thú, công phu, tôn vinh từng ánh nhìn và đem đến từng kiến thức nhỏ nhất về biển lớn cho du khách. Dường như họ khênh cả điệp trùng nước mặn đang phủ kín ¾ bề mặt hành tinh trái đất về đây!
Từ tua du lịch khác, họ ném bạn vào cái lồng sắt, thả xuống đáy biển vui đùa với tử thần cá mập trắng cuồng quẫy đòi cắn giết. Lúc ấy, bạn sẽ thấy mình ở gần cái chết nhất trong chừng mực có thể. Lại đến tua bay trực thăng khám phá biển, rừng, thành phố. Cả các safari (khu bảo tồn) đặc chủng dành cho việc khám phá chuyên đề khó có thể từ chối: rừng sư tử, sào huyệt tê giác hay xứ sở điên cuồng của loài hà mã.
Nhưng mà tôi đến đây để tìm vương quốc chim cánh cụt. Bay nửa vòng trái đất, bay thêm mấy chầu đắt đỏ đến thành phố dành cho giới quý tộc thế giới này để nhẩn nha với nhiều nghìn con chim cánh cụt, thì có vẻ vô lý kiểu “cưa sừng làm nghé” nhỉ. Tôi nghĩ vậy, và âm thầm tìm đường đến Penguin Island, chả dám khoe với ai điều đó.
Khoảng 100km vòng ra Mũi Hảo Vọng rồi đi dọc vịnh biển. Cá voi gù tấm lưng khổng lồ đen nhoáy với hai cái vây như lưỡi búa sắc lẻm của Lý Quỳ lên mặt biển vịnh Hout, bên kia là dãy núi 12 vị tông đồ mờ ảo trong sương. Cá voi phun nước. Chúng tôi reo lên. Nam Phi nổi tiếng với các đường tàu ven nhiều trăm cây số biển cổ kính, cũ kỹ, nhưng nó tạo một phong cách lãng tử phong trần khiến khó ai không muốn… bước lên tàu.
Xem cá voi, lại kia nữa, là đảo hải cẩu, 3.000 con hải cẩu nằm phơi nắng, nhiều đến mức không biết bề mặt đảo bằng đá hay bằng cỏ cây, bằng bùn đất, bởi lông của loài vật hiền lành này đã trải kín mít. Nó êm ái. Sực mùi tanh tưởi khắp không gian. Bốn bề là cá mập ngấp nghé âm mưu tìm các con mồi hải cẩu béo mẫm lơ là cảnh giác.
Xe đỗ khựng lại. Chị lái xe gốc Ấn Độ, khoe hàm răng trắng nhức trên khuôn mặt nhò nhọ đen: “Xuống!”. Sao? Chị hất hàm về phía tấm biển lớn: “Penguin!” (chim cánh cụt).
Hóa ra đây là một phần tuyệt kỹ thiên nhiên trong khu vực của “Table Mountain National Park” (Công viên quốc gia Núi Bàn), với biểu tượng là cái sừng hình cánh cung khúc khoắc của con Kudu (loài vật gần giống hươu, nai, rất hiền). Người gác cổng trang trọng kiểm tra hành lý, vé, rồi hướng dẫn mọi thủ tục làm sao tham quan đảm bảo an toàn cho chim cánh cụt.
Một sự vô ý thức của du khách, có thể đánh đổ nỗ lực bảo tồn suốt mấy chục năm qua của nhân loại tiến bộ dành cho loài chim cánh cụt nổi tiếng thế giới này. Vừa thực thi nhiệm vụ, gã da đen vừa vỗ vai tôi, “Thông cảm nhé, đây là home of the African Penguin” (nhà của chim cánh cụt châu Phi), nó là báu vật sống của nhân loại, chứ không phải thức ăn hay đồ chơi.
Tôi phóng tầm mắt ra đại dương. Cả một vụng biển rộng lớn, nó tựa lưng vào vách đá cao. Những ngôi nhà ở rất xa, mái lợp mái bằng cỏ khô. Mái dày vài chục xăng ti mét, cắt tỉa gọn. Các ngôi nhà nối tiếp nhau giữa rừng xanh điệp trùng, nhà xây theo lối pháo đài châu Âu, nhưng tất thảy đều lợp cỏ rất lạ. Cuối vụng biển là đảo và bán đảo chim cánh cụt. Sóng trắng vẽ vằn vèo những vòng cung khổng lồ từ đại dương lăn tăn cào lên mặt eo biển lớn.
Khi chúng tôi đến, gió rất mạnh, các loài cây đặc hữu của Núi Bàn, bị biển Đại Tây Dương ve vuốt từ lúc phôi thai, chúng đồng loạt nghiêng mình theo hướng gió suốt cuộc đời mình. Nhìn khum khum tơ tớp, gợi cảm vô cùng. Lũ chim cánh cụt non ne nép chạy vào hang. Lông chúng óng ánh, ẩm ướt, như lông măng của chú se sẻ mới qua đận sơ sinh.
Chim bố mẹ rắn rỏi, khoang trắng đen, ưỡn vòm ngực êm ái trắng muốt, phơi mình trên những trảng đá lớn với hình thù kỳ dị. Cả một bãi cát toàn chim cánh cụt, con nào con đó cứ so vai rụt cổ, có khi lạch bạch chạy nhảy, có khi hôn nhau đến mức hai cái mỏ ngúc ngoắc rút mãi không ra được.
Có con ào ra mặt nước biển, sóng xô cho ngã dúi dụi. Có con đứng như tượng cả tiếng đồng hồ, có lẽ nó đang nghĩ gì lung lắm? Chim phủ đen đen ánh ánh cả một dãy gờ đá rộng lớn. Một eo biển chi chít loài chim không biết bay.
Đúng là ở nơi này, khó có từ nào khác dùng cho lũ chim không biết bay này: một đế chế, một vương quốc, một khu tự trị của chim cánh cụt. Có đến ngót chục nghìn chim cánh cụt sum vầy tụ hội, hoan hỉ, sinh sôi, tranh giành con đực con cái rồi tị nạnh hang hốc làm tổ… ở đây. Mỗi năm, chim cánh cụt chỉ đẻ khoảng 2 trứng, con đực con cái thay nhau ấp để đón chào các sinh linh bé bỏng mới.
Tôi cứ nghĩ, nói dại, gió tơi bời xé toang các tàng cây thế kia, nếu chim cánh cụt không nghĩ ra bí quyết đào hang đẻ trứng, rồi ẩn nấp, thì có lẽ người ta phải thường xuyên lên các mỏm núi bế hàng nghìn chú chim thả lại các bờ nước mặn…
Cảnh chim mẹ bón cho chim con ăn, nó nhét mỏ vào tận cổ họng con non rồi vụng về nhè con cá mú và hải sản thân mềm gì đó thẳng vào… dạ dày cô cậu bé, trông rất tức cười.
Du khách đến “vương quốc chim cánh cụt”, ai cũng lặng lẽ “không để lại gì ngoài dấu chân của bạn”. Phần vì gió rét, phần vì tôn trọng cuộc sống riêng tư của “chủ nhà” xinh đẹp. Ngoài vài cái cây thấp lúp xúp tơi tả trong gió, ngoài vài dây leo trùm lên các góc hang ổ penguin, thì ở xứ sở này, lũ cánh cụt đang cai trị 100%. Hứng lên, chúng kêu be be gọi nhau hoặc cãi cọ nhau. Tiếng kêu đặc trưng này đã là nguyên nhân khiến người ta chết danh gọi chúng là “chim cánh cụt lừa” (be be như con lừa) trên toàn thế giới, cả trong văn sách.
Hiếm có loài vật nào hiền lành, nhẩn nha, ngẩn ngơ, vô tư lự như chim cánh cụt. Chúng đi bắt cá trong bán kính cả trăm cây số đại dương. Là chim, chẳng biết bay, chúng cũng không có vẻ gì tủi thân. Cứ bơi như mũi tên trong lòng đại dương (tốc độ có thể lên 35km/h), bắt cá thì thần sầu. Sóng lớn cỡ nào, đẩy đưa ra sao, với chim cánh cụt là niềm vui, giống như nó là một phần của sóng gió, chứ không phải dập vùi gì cả. Sóng, giúp các ngôn ngữ cơ thể “vũ nữ đại dương” của nó được thăng hoa.
Hàng ngày, từ bãi cát chăm con, chim cánh cụt có thể tung tăng kiếm ăn trong bán kính lòng biển tới 80km! Có con cũng “sáng dắt xe ra, là một đi không bao giờ trở về nhà nữa”, do sự tấn công của hải cẩu và một số loài cá dữ.
Quá hiền lành, ngây thơ, thật thà, nên trên cạn thì bị cáo, chó sói, rái cá đánh chén, xuống nước thì hải cẩu, cá mập xơi tái – nhiều khi số lượng chim cánh cụt bị suy giảm nghiêm trọng do chính các thiên địch kể trên. Nhưng từ thượng cổ cuộc chiến sinh tồn trong chuỗi thức ăn của hành tinh này vẫn khốc liệt thế, cái đáng sợ hơn mà chim cánh cụt phải đối mặt chính là bi kịch của biến đổi khí hậu, băng tan, môi trường sống bị ô nhiễm hoặc xâm hại.
Ở “Penguin island” của Nam Phi, khách đến thăm, chúng cũng chẳng bỏ chạy, cũng chẳng ngơ ngác nhìn ngắm. Kệ, việc ai nấy làm. Chim cánh cụt châu Phi bé hơn so với tưởng tượng của tôi khá nhiều. Với người Việt Nam, gần đây con chim cánh cụt “nhập khẩu” nuôi ở Time City (Hà Nội) nó ấp đẻ được một chim non, báo chí lập tức đăng tải: lần đầu tiên có bé con chim cánh cụt “was born in Viet Nam” (sinh ra ở Việt Nam) hoặc “mang quốc tịch Việt Nam”.
Cũng đơn giản thôi, chúng ta là xứ nhiệt đới gió mùa, thượng đế không cho loài chim sống ở miền lạnh này đến “phân bố”. Các “lãnh địa” có thể ngắm chim cánh cụt trên thế giới này, bao giờ cũng xa xôi diệu vợi, với số lượng “điểm đến” chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Có tới 17 loài chim cánh cụt khác nhau, như ở Nam Cực, chim cánh cụt khổng lồ có thể cao đến 0,9m khi ở tư thế đứng. Nhiều loài, như chim cánh cụt hoàng đế ở Chi Lê, nó như khoác trên mình chiếc áo hai màu đen trắng, lông ở cổ màu cam sáng nổi bật. Có loài như chim cánh cụt Macaroni ở các hòn đảo xa xôi nhất của Nam Cực, nó có mỏ đỏ, lông trên đầu dài thượt với màu vàng sặc sỡ.
Nó có sức sống kỳ lạ, khả năng sinh tồn siêu hạng ở giữa một lục địa bí ẩn, hoang vắng và khắc nghiệt nhất hành tinh: Nam Cực, khi ấm nhất là âm 35 độ, lúc lạnh thì âm 70 độ. Nửa thời gian trong năm chìm trong bóng tối. Nơi này, lạnh giá, nguy hiểm, với các tảng băng trôi vĩnh cửu to bằng cả một quốc gia. Diện tích Nam Cực thì rộng gấp đôi châu Úc.
“Thế giới băng buốt giá” này mà tan hết, thì toàn bộ các đại dương của loài người sẽ đồng loạt bị nước dâng lên cao thêm 6m so với hiện nay!
Nhưng, mặc xác mọi sự kinh hoàng của môi trường sống đó, chim cánh cụt vẫn bơi lội với tốc độ 35km/h, giống như chúng là một phần của các con sóng dữ đang gào thét; chúng vẫn mở lòng ngơ ngác chào đón các nhà thám hiểm dựng lều ở Nam Cực, cạnh “căn cứ địa” xa xôi và hoang vắng hết chỗ nói của mình (xin nhấn mạnh, bí ẩn và hoang vắng đến mức, mãi đến năm 1820, loài người mới biết đến châu Nam Cực!).
Có tới sáu loài cánh cụt khác sống ở Nam Cực. Trong đó, chim cánh cụt quai mũ, đúng như tên gọi, nó có lớp lông màu đen chạy viền từ hai mang tai đi quanh cằm như cô/cậu bé… đang đội mũ có quai. Chim cánh cụt xanh ở châu Úc còn bé xíu, cao có 33cm, nó có nguy cơ tuyệt chủng vì quá nhỏ bé yếu ớt trước sức tấn công của các loài ăn thịt như cáo và chó sói!
Nhưng ở Nam Phi đây, tại “vương quốc” này, chim cánh cụt mang phong cách hơi khác biệt. Nó chỉ phân bố ở vùng nước phía nam châu Phi, không có ở nơi nào khác. Tên khoa học là Spheniscus demersus. Với dáng thuôn, cánh ngắn có dạng bơi chèo giúp các chàng, nàng có thể lướt nhanh trong môi trường nước biển với sóng cao như… tòa nhà hai tầng.
Và, dù “nhỏ con” (khi trưởng thành chỉ nặng khoảng 3-3,5kg, cao khoảng 70cm), chim cánh cụt châu Phi vẫn nổi tiếng là những kẻ săn cá dũng mãnh, thiện xạ nhất. Mùa đến, nó có thể “thiên di” theo các dòng hải lưu với chặng đường dài đến mức loài người khó tưởng tượng ra.
Đặc biệt, khi tán tỉnh nhau, nó phát ra những âm thành đinh tai nhức óc, mà bất kỳ con người nào cũng phải thở dài nói hoặc nghĩ: là tán thì cứ tán, yêu thì cứ yêu, chứ đâu có nhất thiết phải inh ỏi ầm ĩ thế.
Hơn một nửa trong số 17 loài chim cánh cụt trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, do biến đổi khí hậu, do nhạy cảm với ô nhiễm và sự xâm hại sinh cảnh. Chim cánh cụt lừa châu Phi cũng đã suy giảm số lượng đến 80%. Từ năm 1983, Nam Phi và nhiều tổ chức quốc tế đã hốt hoảng thiết lập “đế chế” chim cánh cụt ngoài “quốc đảo”, với lãnh địa mênh mông kia. Chim được chăm sóc chu đáo, được tôn vinh đến tận cùng, được phục vụ du khách để lấy tiền làm bảo tồn.
Tranh ảnh, quà lưu niệm, các tác phẩm nghệ thuật với các ý tưởng độc đáo sững sờ liên quan đến chim cánh cụt đã làm thỏa lòng du khách. Tuy nhiên, các cố gắng tử tế kể trên cũng chỉ là biện pháp cực chẳng đã trước các thảm họa quá lớn mà loài chim có sức lôi cuốn đặc biệt này đang phải đối mặt. Đó là lý do mà người ta đang đặc biệt lưu ý bảo tồn nguồn gene chim cánh cụt châu Phi trong các khu bảo tồn, trong các phòng thí nghiệm, để tránh trường hợp “chim lừa” bị tuyệt diệt ngoài tự nhiên.
Penguin yêu dấu đã gột rửa, đã làm tốt tươi tâm hồn nhiều người, bằng sự thơ ngộ lạch bạch và ngôn ngữ cơ thể diệu kỳ của nó. Vậy thì, quay trở lại, số phận loài động vật có sức hấp dẫn đặc biệt (đã đi vào đời sống nhân loại như là một biểu tượng của sự đáng yêu) này, liệu sẽ có được một tương lai sán lạn hơn không? Có lẽ, đó là một món nợ của tôi và tất cả chúng ta với “thế giới cổ tích” gồm 17 loài chim biển “cụt cánh” và không biết bay kia.