| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi: Xử phạt nhiều trường hợp vứt xác lợn nhiễm bệnh ra môi trường

Thứ Sáu 18/07/2025 , 10:31 (GMT+7)

Nhiều trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường tại Quảng Ngãi đã bị phát hiện, xử lý. Chính quyền địa phương và ngành thú y siết chặt kiểm tra, ngăn dịch lây lan.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Quảng Ngãi đang diễn biến rất phức tạp. Riêng tại xã Nghĩa Hành từ đầu tháng 7/2025 đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 48 hộ dân thuộc 13/15 thôn, tổ dân phố, buộc phải tiêu hủy 273 con lợn với tổng khối lượng gần 10 tấn.

Đáng lo ngại, trong khi cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh thì một số hộ gia đình vẫn mang lợn ốm, lợn chết vứt ra đường, kênh, mương, sông… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Một số vụ việc đã bị công an xã phát hiện, lập biên bản xử lý.

Một trường hợp vứt xác lợn ra môi trường bị phát hiện và xử lý. Ảnh: Công an Quảng Ngãi cung cấp.

Một trường hợp vứt xác lợn ra môi trường bị phát hiện và xử lý. Ảnh: Công an Quảng Ngãi cung cấp.

Điển hình là trường hợp bà T.T.L.T. (sinh năm 1983) điều khiển xe mô tô chở một con lợn chết (đang trong tình trạng phân hủy) từ nhà ở thôn Phúc Minh, xã Nghĩa Hành đến khu vực rẫy keo thuộc tổ dân phố Phú Bình Tây để vứt bỏ. Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Công an xã đã cử tổ công tác đến hiện trường lập biên bản sự việc, đồng thời đề nghị địa phương phối hợp với cán bộ thú y tiêu hủy lợn chết theo quy định.

Thượng tá Trần Văn Hảo, Trưởng Công an xã Nghĩa Hành cho hay, đơn vị đã củng cố hồ sơ để xử phạt bà T.T.L.T. vì vi phạm trong lĩnh vực thú y.

Việc vứt xác gia súc ra môi trường là vi phạm Luật Thú y. Ảnh: Võ Hà

Việc vứt xác gia súc ra môi trường là vi phạm Luật Thú y. Ảnh: Võ Hà

Theo quy định, việc vứt xác lợn chết không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn vi phạm quy định của Luật Thú y. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng.

Hay như một trường hợp khác thu gom, vận chuyển lợn trái quy định cũng được phát hiện và xử lý. Cụ thể vào ngày 14/7, cũng tại xã Nghĩa Hành, cơ quan chức năng phát hiện một công ty trên địa bàn thu gom, vận chuyển hơn 70 con lợn (gồm cả lợn chết và lợn sống) nhưng không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch.

Số lợn này dự định vận chuyển vào tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Nai để giết mổ và bán lại cho các cơ sở chế biến thực phẩm (lạp xưởng) để kiếm lời.

Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ngãi) đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thu ngẫu nhiên 22 mẫu máu, hạch, lách lợn để xét nghiệm. Kết quả Trung tâm Chẩn đoán và Xét nghiệm thú y Trung ương II – Trạm Chẩn đoán và Xét nghiệm I tại Đà Nẵng xác định có 21/22 mẫu dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi (ASFV).

Lợn nhiễm bệnh cần được tiêu hủy đúng kỹ thuật nhằm khống chế lây lan và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Võ Hà

Lợn nhiễm bệnh cần được tiêu hủy đúng kỹ thuật nhằm khống chế lây lan và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Võ Hà

Toàn bộ số lợn trên đã bị tiêu hủy theo quy định. Hồ sơ vụ việc cũng đã được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý vi phạm hành chính đối với người vận chuyển theo quy định pháp luật.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới tại Quảng Ngãi rất cao, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi lợn của tỉnh và nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Văn Chung, trước tình hình trên, Chi cục đã huy động và phân công cán bộ chuyên môn về các địa phương đang có dịch để phối hợp, hướng dẫn xử lý, tiêu hủy triệt để lợn mắc bệnh, lợn chết; tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các tuyến đường giao thông.

Quảng Ngãi đang nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Võ Hà

Quảng Ngãi đang nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Võ Hà

Đồng thời phối hợp với các địa phương cắm biển cảnh báo dịch tại khu vực có dịch bệnh và hố chôn; quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật tại khu vực có dịch.

“Chi cục cũng đã xuất vacxin, hóa chất để các xã tiêu độc khử trùng tại các điểm tiêu hủy, tránh trường hợp vứt xác gia súc bừa bãi, đồng thời tuyên truyền để người dân không bán chạy hay vứt xác lợn ra môi trường, gây lây lan dịch bệnh”, ông Chung cho hay.

Trong nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao UBND các các địa phương phối hợp với công an xã, phường, đặc khu tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp buôn bán, bán chạy, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường gây lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. Khi dịch bệnh phát sinh phải thực hiện nghiêm việc công bố dịch, không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Các địa phương phải kịp thời xử lý dứt điểm ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch; chấn chỉnh việc giao toàn bộ nhiệm vụ cho lực lượng thú y cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.

Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến lợn và các sản phẩm từ lợn; yêu cầu các chủ hộ, cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xem thêm
Trại lợn lớn gây mùi, rò rỉ nước thải ra môi trường

QUẢNG NINH UBND xã Đường Hoa yêu Công ty Cổ phần Chăn nuôi Greentech không tăng đàn và thực hiện giảm quy mô đàn khi chưa hoàn thiện hệ thống xử lý về môi trường.

Dừa Việt Nam đứng trước cơ hội bứt phá xuất khẩu

Mặt hàng dừa tươi vươn lên top 3 trái cây xuất khẩu nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức về vùng trồng, giống, thương hiệu và logistics.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Chăm sóc chanh leo bằng điện thoại, quả sai trĩu

SƠN LA Áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tự động hiện đại, vườn chanh lep của anh Hưởng phát triển rất tốt, quả sai trĩu, việc chăm sóc cũng rất nhàn nhã.

Kiểm ngư Vùng 5: Không có vùng xám trong chống khai thác IUU

Lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 quyết liệt tuần tra, xử lý vi phạm trên biển, khẳng định không có ngoại lệ, không có vùng xám trong chống khai thác IUU.

Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi

ĐÀ NẴNG Mùa ươi không chỉ giúp bà con cải thiện sinh kế mà còn là thử thách cho công tác bảo vệ rừng, đòi hỏi trách nhiệm của cả người dân và lực lượng chức năng.

Bình luận mới nhất