Từ đầu tháng 7 đến nay, khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Hồ Ngọc Thăng, thôn Trí Tiến, xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị trống huơ trống hoác. Lối vào khu chuồng trại rải đều vôi bột. Đàn lợn của gia đình ông, chỉ trong 5-7 ngày nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đã phải đem ra vườn cao su chôn lấp.
Vườn cao su cách khu chăn nuôi vài trăm bước chân, đá sỏi, đá cuội không thể tự tay đào hố, gia đình ông Thăng thuê máy múc về đào “huyệt mộ” cho đàn lợn gồm 6 con lợn nái và 19 con lợn con.

Ông Thăng (bên trái) thất thần khi hàng chục con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy. Ảnh: Võ Dũng.
Đây là lần đầu tiên sau hàng chục năm chăn nuôi, dịch tả lợn Châu Phi “ghé thăm” chuồng trại gia đình ông Thăng. Dịch đã cuốn đi toàn bộ tài sản được coi là sinh kế lớn nhất trong gia đình ông. Đã mất của còn phải mất thêm chi phí đào hố chôn lấp và cũng không biết có được Nhà nước hỗ trợ nhưng không vì thế mà ông Thăng đem lợn bệnh đi bán.
“Cũng có người đến hỏi, mua với giá 1,5 triệu đồng/con lợn nái nhưng gia đình tôi nhất quyết không bán và báo với chính quyền để xử lý số lợn bệnh theo quy định. Trước đây có tình trạng người dân vất xác lợn bệnh trên hồ thủy lợi, kênh dẫn nước nhưng nay không nữa rồi. Mình không thể vì lợi trước mắt mà khiến bao hộ chăn nuôi khác phải khổ lây”, ông Thăng chia sẻ.
Đây cũng là cách xử lý của ông Võ Trọng Bình, một hộ chăn nuôi tại thôn An Phú, xã Cồn Tiên. Toàn bộ số lợn gồm 72 con phát hiện nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vào ngày 9/7 đã được tiêu hủy theo đúng quy định.
Xã Cồn Tiên sau sáp nhập có tổng đàn lợn trên 7 nghìn con, đa phần là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Tính đến nay, tại địa phương này đã xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi và phải tiêu hủy toàn bộ số lợn gần 100 con.
Dù biết thiệt hại rất lớn nhưng khi lợn có dấu hiệu dịch bệnh, cả hai hộ chăn nuôi đều khai báo với chính quyền địa phương để triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh. Tại các lối vào khu chăn nuôi xuất hiện dịch bệnh, người dân đã chủ động rải vôi bột, tiêu độc khử trùng theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi và thú y.
Ông Hoàng Đoán, Trưởng phòng Kinh tế xã Cồn Tiên cho biết, dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Nếu người dân không tự giác, chính quyền không triển khai quyết liệt các phương án phòng chống dịch thì thiệt hại sẽ rất khó đo đếm. Vì vậy, khi nhận thông tin dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, mọi công việc đều được tạm gác lại để triển khai ngay các phương án theo khuyến cáo của ngành thú y.
“Ngay sau khi nhận tin báo, chúng tôi đã báo cáo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực số 6 để lấy mẫu xét nghiệm. Khi xác định lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đã tổ chức tiêu hủy. Người dân ở đây rất đồng thuận đối với việc tiêu hủy lợn dịch bệnh”, ông Đoán cho hay.

Toàn bộ số lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi được gia đình ông Thăng tự thuê máy múc đào hố chôn. Ảnh: Võ Dũng.
Cũng theo ông Đoán, nhờ người dân đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi, tổ chức phòng chống dịch tốt nên đến nay, tại xã Cồn Tiên, sau hơn 10 ngày dịch không phát sinh, lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan rất cao, người dân không thể chủ quan. Thời gian tới, UBND xã Cồn Tiên sẽ nỗ lực kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi.
Quảng Trị còn 13 ổ dịch chưa qua 21 ngày
Tính đến hết ngày 16/7/2025, toàn tỉnh Quảng Trị có 14 xã xảy ra dịch tả lợn Châu Phi với số lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy gần 2,9 nghìn con với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 170 tấn. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 13 ổ dịch chưa qua 21 ngày.