Tại xã Thăng Trường (TP Đà Nẵng) hiện có 8 hộ chăn nuôi ở 3 thôn xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy là 38 con. Bà Nguyễn Thị Danh (tổ 5, thôn Phương Tân) cho biết: “Tôi nuôi 1 lợn nái và 4 lợn thịt, chỉ sau một đêm chết sạch. Lợn nái còn khoảng 1 tháng nữa là đẻ, thiệt hại rất lớn. Hi vọng dịch sớm kết thúc để có thể tái đàn”.

Tiêu hủy lợn bị bệnh tại xã Thăng Trường, TP Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Thăng Trường cho hay, địa phương đang khẩn trương dập dịch với những biện pháp như tuyên truyền sâu rộng, tổng vệ sinh, phun tiêu độc 1 lần/ngày trong 1 tuần đầu, sau đó 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Đồng thời rà soát, thống kê đàn lợn để đánh giá nguy cơ, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, ngăn hộ dân bán chạy lợn bệnh.
Tại phường Quảng Phú, dịch tả lợn Châu Phi cũng xuất hiện ở một số hộ dân. Anh Hoàng Văn Nga, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Quảng Phú cho biết, lực lượng dân quân phối hợp với chính quyền giúp dân tiêu hủy lợn chết, rải vôi, vệ sinh chuồng trại. Địa phương còn phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động, yêu cầu người dân không giấu dịch, bán chạy lợn, tăng cường giám sát nhằm kiểm soát chặt dịch bệnh.

Đến ngày 16/7, Đà Nẵng đã tiêu hủy 125 con lợn bị bệnh với khối lượng hơn 7.000 kg. Ảnh: Lan Anh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Đà Nẵng, từ ngày 1/7 đến 16/7, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên đàn lợn ở 4 xã, phường gồm Sông Kôn, Xuân Phú, Thăng Trường, Quảng Phú. Cụ thể, có 19 thôn với 44 hộ có dịch, tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 125 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 7.000 kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Đà Nẵng, nguyên nhân xẩy ra các ổ dịch chủ yếu do lợn chưa được tiêm phòng, người chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, thời tiết bất lợi và nhiều ổ dịch cũ còn tồn tại. Dự báo nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Trước tình hình này, Sở đã đề nghị các địa phương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường giám sát tại các khu vực có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch mới. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lực lượng chức năng tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại phường Quảng Phú để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Lan Anh.
Khi xảy ra dịch, yêu cầu khoanh vùng, tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, nghi mắc hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi, không để dịch lan rộng. Chi cục Nông nghiệp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
“Khi dịch xảy ra, đơn vị đã trao đổi và đề nghị địa phương thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đặc biệt, khuyến nghị bà con không giấu dịch, không tự ý điều trị và không bán chạy lợn bệnh, không vứt lợn chết, lợn bệnh, chất thải của lợn ra môi trường mà phải xử lý đúng cách tránh lây lan dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường”, ông Phan Hữu Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng IV cho biết.