Gần 30 năm chưa xây dựng lại bản đồ thổ nhưỡng
Tôi rất vui về điều đó. Kể ra nếu cuộc sáp nhập này sớm hơn thì sẽ còn tốt hơn. Trước đây, việc quản lý đất đai có sự chồng chéo giữa hai bộ. Ví dụ như Cục Quản lý đất nằm bên Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về mặt đất đai nhưng sử dụng đất nhiều nhất lại thuộc về Bộ NN-PTNT khi cả đất lâm nghiệp và nông nghiệp chiếm tới 27 - 28 triệu ha/33,1 triệu ha đất toàn quốc.

PGS.TS Vũ Năng Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.
Người quản lý nhà nước lại không sử dụng, còn người sử dụng lại không quản lý thành ra chồng chéo. Để xây dựng nguồn gốc, xuất xứ cho cà phê, cho lúa chẳng hạn, Bộ NN-PTNT rất cần đo đạc cho toàn bộ vùng chuyên canh nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa chắc coi đó là việc trọng tâm của mình trong giai đoạn đó nên sự phối hợp vẫn còn lỏng lẻo.
Giờ tất cả về một mối, người quản lý nhà nước và người sử dụng là một nên công việc sẽ suôn sẻ hơn nhiều. Việc nghiên cứu cơ bản về đất, khoảng hơn 20 năm nay chúng ta hầu như không có các đề tài lớn, dài hạn, đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp. Bản đồ thổ nhưỡng có vai trò quan trọng để đánh giá đất đai nhưng hầu hết đã được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, các số liệu quá cũ để sử dụng. Một số tỉnh có tự bỏ kinh phí để xây dựng bản đồ đất mới nhưng cũng không đồng bộ.
Sau khi đất nước thống nhất, năm 2000, Hội Khoa học đất Việt Nam kế thừa các tài liệu, bản đồ của Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa có tổng hợp số liệu từ những năm 80, 90 thành một bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/1 triệu, chuyển đổi từ hệ thống phân loại đất theo Liên Xô trước đây theo nguồn gốc phát sinh sang hệ thống phân loại đất của FAO-UNESSCO được nhiều nước áp dụng. Nhờ đó, chúng ta có thể trao đổi thông tin với các chuyên gia quốc tế thuận lợi hơn.

Bản đồ thổ nhưỡng từ lâu chưa được làm lại. Ảnh: Dương Đình Tường.
Tôi từng đề nghị cần có sự thống nhất hệ thống phân loại đất theo FAO-UNESSCO của Việt Nam ở tỷ lệ thấp hơn, từ 1/1 triệu xuống 1/100.000, thậm chí 1/50.000 cho cấp tỉnh và cấp huyện nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trên cơ sở bản đồ chi tiết ấy, chúng ta mới đánh giá được số lượng, chất lượng đất một cách chính xác. Để thực hiện chương trình sức khỏe đất, rất cần phải có bản đồ thổ nhưỡng như thế.
Tôi cũng đề nghị cứ định kỳ 10 - 15 năm nên làm lại bản đồ thổ nhưỡng một lần cho thống nhất trên phạm vi toàn quốc, từ đó làm nền tảng cho đánh giá đất của sản xuất nông nghiệp. Khi hai Bộ đã thống nhất thì khả năng này là hoàn toàn có thể. Nếu không có bản đồ thổ nhưỡng làm sao chúng ta có thể đánh giá đầy đủ về sức khỏe đất? Làm sao biết được các cây trồng trên đất ở đâu là an toàn, ở đâu là chưa an toàn hay đất ở đâu thoái hóa nhiều, thoái hóa ít để có các biện pháp cải tạo phù hợp?
Vừa rồi Bộ Tài nguyên và Môi trường có tổng hợp, đánh giá đất thoái hóa theo 3 mức nhẹ, trung bình, nặng. Tổng cộng đất thoái hóa đang chiếm khoảng 30% diện tích. Tỷ lệ đó cũng không biết là chính xác đến mức nào bởi chúng ta chưa có đợt khảo sát tổng thể nào cả. Thêm vào đó, hệ thống quan trắc môi trường đất đang bố trí chỉ để làm công tác quản lý nhà nước. Còn Bộ NN-PTNT lại cần phải biết chất lượng đất sâu hơn để phục vụ các chương trình ở các vùng thâm canh, các vùng có nông sản hàng hóa lớn như vùng trồng lúa, cà phê, tiêu, cây ăn quả...

Mô hình trình diễn canh tác trên đất dốc cho đồng bào miền núi. Ảnh: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.
Cần quy hoạch nước theo lưu vực sông chính
Nghiên cứu về sức khỏe đất nếu thiếu nước thì không được vì nước là môi trường hòa tan các chất dinh dưỡng để cung cấp cho cây trồng. Đất với nước phải là một thì nông nghiệp mới phát triển bền vững được. Hệ thống thủy lợi của ta khá tốt so với các nước khác trong khu vực nên có đóng góp lớn vào việc tăng sản lượng lúa gạo, cà phê rồi các cây công nghiệp, cây ăn quả cho nội tiêu và xuất khẩu.
Tuy nhiên về chất lượng nước vẫn còn có vấn đề, bởi ngay dòng sông chính như sông Hồng vẫn có nhiều nhà máy xả thải vào, nhiều nguồn nước thải sinh hoạt xả thải, tuy nhiên do lượng nước lớn nên chưa đến mức báo động. Còn trong thành phố Hà Nội, các dòng sông nhỏ như Nhuệ, Kim Ngưu, Lừ, Sét… đang ô nhiễm trầm trọng. Thành phố đang có kế hoạch giảm ô nhiễm, phục hồi của các dòng sông nêu trên.
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên có quy hoạch tổng hợp phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch nguồn nước theo lưu vực các sông chính. Nước là tài nguyên được tái tạo hàng năm theo lượng mưa, theo lớp phủ thực vật, theo loại đất… Đối tượng dùng tài nguyên nước chủ yếu là nông nghiệp dưới hai hình thức nước mặt và nước ngầm.
Các nhà khoa học đang cảnh báo mực nước ngầm ở Tây Nguyên đang suy giảm do khai thác quá mức cho việc tưới cây công nghiệp, cây ăn quả... Làm sao để bổ sung lượng nước ngầm đó? Phải tính toán giữa lượng nước tái tạo hàng năm và lượng nước sử dụng có bị mất cân bằng không? Bằng cách nào chúng ta bổ sung lượng nước mặt và nước ngầm bị thiếu hụt. Suy giảm mực nước ngầm một phần dẫn đến hậu quả là sụt lún trên diện rộng ở một số vùng. Cần có những chương trình chiến lược đảm bảo sự cân bằng nước trong toàn lưu vực.

Nghiên cứu về ô nhiễm các thủy vực. Ảnh: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.
Trước đây, chúng ta chưa có nguồn lực để đầu tư cho sức khỏe đất, do tình trạng thiếu lương thực nên chủ yếu đi vào tăng năng suất, sản lượng, chưa chú trọng vào chất lượng. Không có tiền đã khó, lại còn không có người, đơn vị được giao nhiệm vụ, đứng ra chủ trì nên chuyện này lại khó hơn. Nay Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới nên đã có đủ nguồn lực để bảo vệ sức khỏe đất, an toàn nguồn nước và an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN-PTNT nhập lại, có người, có đơn vị được giao nhiệm vụ, đứng ra chủ trì việc này.
Tôi hi vọng chiến lược sức khỏe đất mà Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo tháng 11 năm 2024 sẽ được thực hiện tốt, một số vùng đất thoái hóa sẽ dần phục hồi về lý tính, hóa tính, hệ sinh vật trong đất, một số vùng phục hồi rồi sẽ tốt hơn. Khi sức khỏe đất được phục hồi thì nông sản sản xuất mới an toàn, mà nông sản an toàn thì sức khỏe con người mới khỏe mạnh.
Trước đây, công tác truyền thông về đất nói chung và về sức khỏe đất nói riêng chậm và yếu nên nhiều người dân chưa hiểu đã đành mà nhà quản lý cũng chưa hiểu nhiều về sức khỏe đất.
"Về Báo Nông nghiệp Việt Nam (nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường), khi thời mà internet chưa phổ cập thì được rất nhiều người quan tâm bởi có nhiều chủ đề hấp dẫn về nông nghiệp. Hiện nay mọi người đọc cả báo giấy và báo điện tử.
Tôi đến cơ quan việc đầu tiên là giở Báo xem có vấn đề gì hay không, từ đó thu thập được nhiều thông tin về ngành. Báo rất hữu ích với cán bộ trong ngành, với cơ quan khuyến nông và nông dân. Nay, Báo sáp nhập thành Báo Nông nghiệp và Môi trường tôi hi vọng sẽ phục vụ tốt và tốt hơn trước đây vì ngoài thông tin về mảng nông nghiệp sẽ còn thông tin về mảng nhiều người đang quan tâm là môi trường".
(PGS.TS Vũ Năng Dũng).