Báo Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng

Nhân sự kiện Báo Nông nghiệp và Môi trường phát hành số đầu tiên sau khi hợp nhất, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chia sẻ: Tôi tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp được kế thừa và phát huy, với đội ngũ nhân lực nhiều khát vọng và nhiệt huyết, Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ phát huy sứ mệnh lịch sử, phát huy sức mạnh để bước vào kỷ nguyên mới, trở thành cơ quan truyền thông vững mạnh, là động lực phát triển của ngành Nông nghiệp và Môi trường.

 

 

Thưa Thứ trưởng, việc hợp nhất Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Tài nguyên và Môi trường thành Báo Nông nghiệp và Môi trường mang ý nghĩa như thế nào đối với công tác truyền thông của Bộ? Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của Báo trong việc truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường?

Như chúng ta biết, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng để quyết định hợp nhất Bộ NN-PTNT với Bộ TN-MT.

Việc sáp nhập này sẽ giúp 2 Bộ có thể bổ trợ cho nhau ở nhiều lĩnh vực. Những thủ tục sẽ được cắt giảm, những sự chồng chéo trước đây sẽ được gỡ bỏ, và như vậy sẽ có thêm nguồn động lực để giải quyết, khơi thông những tiềm năng, phát huy lợi thế của cả 2 ngành.

Song song với chủ trương hợp nhất 2 Bộ, việc Báo Nông nghiệp Việt Nam hợp nhất với Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ giúp chức năng truyền thông của Báo đi theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng nghĩa với không gian hoạt động của Báo cũng sẽ sâu rộng hơn, sức lan tỏa mãnh liệt hơn.

Lẽ tất nhiên, nhiệm vụ của Báo Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Nhưng tôi tin tưởng, với bề dày lịch sử 80 năm của Báo Nông nghiệp Việt Nam, từ khi Bác Hồ đặt tên là Tấc Đất (năm 1945) và 20 năm của Báo Tài nguyên và Môi trường, chắc chắn rằng chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ về công tác thông tin tuyên truyền, công tác truyền thông và nhiều nhiệm vụ khác mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao phó.

Trước hết, nhiệm vụ hàng đầu của tờ báo là phản ánh hơi thở của cuộc sống, các hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường. Tập trung tuyên truyền những mô hình tốt, cách làm hay cũng như có những phản biện và góp ý một cách thẳng thắn, nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế. Từ đó tạo động lực để phát triển ngành, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong vấn đề xuất khẩu.

Năm nay, ngành Nông nghiệp và Môi trường có nhiệm vụ phải tăng trưởng 4%. Chúng tôi xác định rằng đây là nhiệm vụ khó, bởi nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan. Thứ nhất là việc hợp nhất 2 Bộ dù được triển khai rất nhanh chóng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương nhưng vẫn còn lắm bộn bề. Thứ hai, ở những nhiệm kỳ trước, dù liên tiếp tạo ra những kỳ tích, lập nhiều kỷ lục, tuy nhiên, số lần ngành NN-PTNT chạm mức tăng trưởng 4% rất ít. Ví dụ như năm 2024 cũng chỉ được 3,27%.

 

 

Chính vì vậy, tôi cho rằng, công tác tuyên truyền cần phải được tập trung cao độ ngay từ bây giờ. Cụ thể, ngay sau khi sáp nhập, Báo phải vào cuộc một cách nghiêm túc, quyết liệt, nhằm góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng 4% cho toàn ngành. Công tác thông tin, tuyên truyền phải được thực hiện đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các lĩnh vực của ngành như: Trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường... và các vấn đề xã hội khác.

Về xuất khẩu, năm nay, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu phải đạt từ 64-65 tỷ USD, phấn đấu 70 tỷ USD. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong 2 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu được 9,38 tỷ USD, tăng 8,3%, có nhiều mặt hàng tăng giá trị... Đó là những con số rất tích cực trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”. Mặc dù vậy, giai đoạn đầu năm cũng chứng kiến nhiều khó khăn, như giá của lúa gạo giảm, các vấn đề của sầu riêng…

Hai thái cực đó của ngành cho thấy, vai trò, sứ mệnh đặc biệt của truyền thông. Nếu chúng ta không có các hoạt động truyền thông về những mặt hàng đang gặp phải bất thuận như lúa gạo, sầu riêng... sẽ dẫn đến câu chuyện các ngành hàng chủ lực dễ bị hẫng về giá trị xuất khẩu và rất có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung của toàn ngành.

Có thể nói, thực tiễn đang đòi hỏi Báo Nông nghiệp và Môi trường phải bám sát các hoạt động của ngành, phản ánh thông tin đa chiều, phản ánh được hơi thở cuộc sống từng ngày và từng giờ, bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn nhưng tôi tin tưởng, Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, phát triển ngày càng vững mạnh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

 

Thứ trưởng có gợi mở, chỉ đạo và định hướng như thế nào để Báo Nông nghiệp và Môi trường nâng cao hiệu quả truyền thông và phát huy vai trò, sứ mệnh nhằm đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của ngành?

Nhìn lại quá khứ, có thể thấy, những năm qua Báo Nông nghiệp Việt Nam hay Báo Tài nguyên và Môi trường đã có những bước đi chắc chắn, tạo được dấu ấn, thương hiệu và vị trí vững chãi ở trong hàng ngũ các cơ quan báo chí.

Ví dụ, với Báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi theo dõi và ấn tượng với nhiều tuyến bài, trong đó có những tuyến bài rất hiệu quả như chống buôn lậu qua biên giới. Thông qua các tuyến bài, Báo đã thể hiện thái độ rất quyết liệt, phối hợp rất tích cực với các cơ quan công an, qua đó truy tố 11 vụ án hình sự. Nhiều tuyến bài khác trên Báo Tài nguyên và Môi trường cũng gây hiệu ứng xã hội lớn, mang tính đặc thù phản ánh hơi thở của ngành.

Cả 2 báo đều đạt được nhiều giải thưởng báo chí cao quý, nhiều danh hiệu thi đua, bằng khen của Trung ương và địa phương. Chính vì vậy, khi 2 báo hợp nhất lại với nhau, tôi nghĩ rằng sức mạnh chắc chắn sẽ được nhân đôi.  

Thời gian tới, Báo Nông nghiệp và Môi trường phải thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là truyền thông thật tốt các chủ trương, cơ chế chính sách phát triển các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp và Môi trường. Ví dụ như các chiến lược, đề án về chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản, đất đai, khoáng sản, môi trường và các vấn đề an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai...

Đặc biệt là phản ánh toàn diện các vấn đề nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, tương quan giữa các lĩnh vực trong quá trình phát triển bền vững của ngành. Tôi lấy ví dụ, đối với vấn đề môi trường, nếu chúng ta không xử lý triệt để, cặn kẽ ngay từ đầu thì có thể sau này phần tăng trưởng sẽ không bù đắp được phần khắc phục hậu quả. Do đó, dù là vế nông nghiệp hay vế môi trường đều rất quan trọng.

Nhiệm vụ của Báo, ngoài những tin, bài, phóng sự thúc đẩy sản xuất, chúng ta cần truyền thông, phản ánh làm sao để quá trình phát triển đảm bảo được môi trường cũng như bảo vệ tài nguyên của đất nước.

Chúng ta đã và đang bước vào giai đoạn của đổi mới sáng tạo, giai đoạn công nghiệp 4.0, chiến lược phát triển đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và chuyển đổi số. Để thực hiện tốt những chiến lược, nhiệm vụ này, vai trò của Báo Nông nghiệp và Môi trường hết sức quan trọng.

Báo cần phải phản ánh, nhân rộng được những mô hình hay. Mặt khác, cùng với Bộ, thông tin và tham mưu cho Bộ đưa ra các chỉ đạo hợp lý đối với những vấn đề có thể còn những tồn tại hạn chế, những “điểm nghẽn” chưa được khắc phục, chưa cập nhật kịp thời để cùng tháo gỡ, tạo đà cho phát triển.

Nói cách khác, mỗi một lĩnh vực của ngành đều cần những tác phẩm báo chí sâu sắc, toàn diện, “vừa chống vừa xây” một cách minh bạch, khách quan và trách nhiệm của Báo Nông nghiệp và Môi trường.

Tôi khẳng định, kỷ nguyên mới Báo Nông nghiệp và Môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng để Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thể thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Trước mắt là cán đích, hoàn thành những mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành trong năm 2025.

 

 

Theo Thứ trưởng, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo cần phát huy những phẩm chất gì để thực hiện tốt nhiệm vụ? Kỳ vọng và cam kết của lãnh đạo Bộ ra sao để Báo Nông nghiệp và Môi trường phát triển bền vững?

Có thể thấy rõ một điều, là từ trước đến nay, cả 2 tờ Báo Nông nghiệp Việt NamTài nguyên và Môi trường đều nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ và các cấp ủy Đảng. Điều đó phần nào giúp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Tài nguyên và Môi trường trước đây có vị trí nhất định trong làng báo Việt Nam.

Đối với Báo Nông nghiệp và Môi trường hiện nay cũng vậy. Chúng tôi luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện tối đa để tờ báo, cơ quan ngôn luận của ngành có thể phát triển vững mạnh.

Sau khi hợp nhất, hiện Báo Nông nghiệp và Môi trường có đội ngũ hơn 200 con người, rải khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với đó là những nền tảng quan trọng về cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị hiện đại. Nền tảng các loại hình báo chí từ báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh, các chuyên trang tiếng Anh, các nền tảng mạng xã hội tạo thành hệ sinh thái truyền thông mang tên Nông nghiệp và Môi trường đang từng bước phát huy sức mạnh.

Trong thời gian tới, Báo Nông nghiệp và Môi trường cần xây dựng đội ngũ nhân lực vững mạnh, có thể làm chủ được công nghệ hiện đại, đội ngũ phóng viên không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, kỹ năng làm nghề để có thể phản ánh sâu rộng, toàn diện các vấn đề của ngành và các lĩnh vực liên quan. Báo Nông nghiệp và Môi trường phải trở thành tờ báo giải pháp của ngành Nông nghiệp và Môi trường.

Bên cạnh đó, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên của báo cũng phải được đầu tư quan tâm. Phải làm sao để người làm báo Nông nghiệp và Môi trường có thể yên tâm cống hiến và có được những tác phẩm báo chí xuất sắc, triển khai các đề tài sát với thực tiễn phản ánh được hơi thở cuộc sống hiện đại. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, Báo Nông nghiệp và Môi trường cần giữ được cốt cách, trí tuệ, bản lĩnh, sự dấn thân và trách nhiệm của người làm báo đối với đời sống, thân phận người dân và trách nhiệm xã hội.

Thay mặt cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tôi khẳng định: Sự quan tâm của Bộ đối với Báo là trách nhiệm, tình cảm mang tính thường xuyên, liên tục. Thực tế, Bộ cũng đã thống nhất vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Báo là động lực quan trọng đối với sự tăng trưởng của ngành.

Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng, tài sản lớn nhất của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường ngày trước và Báo Nông nghiệp và Môi trường hôm nay vẫn là yếu tố truyền thống và con người.

Với truyền thống của 2 tờ báo, với bộ máy quản lý và đội ngũ con người, cơ sở vật chất đang có, cùng với sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện tối đa của Bộ, lãnh đạo Bộ, niềm tin của bạn đọc, tôi tin tưởng rằng Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục vun đắp truyền thống, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng được sự mong mỏi của Đảng, Nhà nước, ngành Nông nghiệp và Môi trường, cũng như nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong và ngoài nước.

Giá trị sẽ được phát huy bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự đoàn kết vốn có của đội ngũ hơn 200 con người.

Điều quan trọng nhất tôi muốn nhấn mạnh, đó là sự đoàn kết nhất trí, trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt thì chúng ta sẽ có được sức mạnh vượt trên tất cả.

Bởi suy cho cùng, chỉ có đoàn kết, nhất trí trên nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ đem lại sức mạnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phê bình, tự phê bình một cách thường xuyên, liên tục để có thể tiếp cận được cái mới, khắc phục được tồn tại, từ đó phấn đấu vươn lên.

Với tư cách Thứ trưởng được Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ phân công phụ trách báo, cá nhân tôi vừa tự hào vừa xác định trách nhiệm là phải tạo không gian, tạo điều kiện tối đa để tờ báo của chúng ta có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và môi trường bền vững.

 

 

Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của báo chí nói chung đối với công tác thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường? Thứ trưởng kỳ vọng các cơ quan báo chí sẽ đồng hành cùng Bộ trong thời gian tới như thế nào?

Thời gian qua, chúng ta đã có 4 Quy hoạch ngành của Quốc gia, cũng đã có Chiến lược phát triển ngành NN-PTNT và Chiến lược phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường bền vững. Trước đây đã có đủ căn cứ pháp lý và bây giờ sáp nhập 2 Bộ với nhau để cùng khắc phục những tồn tại, yếu kém, phát huy tiềm lực, tạo động lực phát triển mới.

Trong bối cảnh đó vai trò, sự đồng hành của các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo nói chung với ngành Nông nghiệp và Môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có thể coi vai trò truyền thông nói chung là động lực phát triển của Bộ, của ngành.

Tôi mong muốn các cơ quan báo chí bám sát những chủ trương, định hướng, chiến lược nói trên của ngành để thông tin phản ánh. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẵn sàng tiếp nhận thông tin, cung cấp thông tin và phản hồi thông tin đến các cơ quan báo chí.

 

 

Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí nói chung không chỉ dừng lại ở thông tin phản ánh mà phải tìm hiểu sâu để có thể nhận diện những Chương trình, Chiến lược, Đề án phát triển của ngành đã bước đến nhịp nào, nhanh hay chậm, tồn tại cái gì, cái gì cần khắc phục để có thể phản ánh đúng hơi thở cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hoàng Anh - Tùng Đinh
Trương Khánh Thiện
Phạm Huy