| Hotline: 0983.970.780

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Thứ Tư 06/11/2024 , 07:00 (GMT+7)

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hệ thống cho ăn tự động giúp việc nuôi vịt của anh Đồng Quang Cường trở nên đơn giản, nhanh chóng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hệ thống cho ăn tự động giúp việc nuôi vịt của anh Đồng Quang Cường trở nên đơn giản, nhanh chóng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sau nhiều năm nuôi vịt theo phương pháp truyền thống, đến năm 2022, ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) mạnh dạn đầu tư gần 5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại với tổng diện tích khoảng 3,5ha. Theo đó, chuồng trại được thiết kế thoáng khí và được lắp đặt hệ thống cho ăn, uống tự động, hệ thống quạt làm mát…

“Thả nuôi vịt số lượng lớn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên khi đầu tư công nghệ, việc chăn nuôi rất dễ dàng, tôi có thể kiểm soát được các chỉ số phát triển của đàn vịt để từ đó điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống và thuốc phòng trị bệnh kịp thời”, ông Cường chia sẻ.

Với chiếc điện thoại thông minh, ông Cường có thể giám sát đàn vịt ở mọi lúc, mọi nơi và chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm… cho đàn vịt. Trước kia, ông Cường phải thuê 8 nhân công để chăm sóc 10.000 con vịt, nhưng giờ đây chỉ cần 1 nhân công để thực hiện mọi việc.

Với việc ứng dụng công nghệ, đàn vịt của ông Cường phát triển khỏe mạnh, sau khoảng 1 tháng rưỡi nuôi, mỗi con vịt có trọng lượng trung bình từ 3,6kg. Mỗi tháng trang trại xuất bán khoảng 15 tấn vịt và hàng vạn quả trứng vịt.

Ông Cường giám sát đàn vịt ở mọi nơi, mọi lúc và dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi...  Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Cường giám sát đàn vịt ở mọi nơi, mọi lúc và dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi...  Ảnh: Nguyễn Thành.

“Việc vận hành trang trại giờ đây rất nhanh chóng, tôi đã dành ra được nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, kết nối bạn hàng và xây dựng thêm nhiều kế hoạch kinh doanh trong tương lai”, ông Cường chia sẻ.

Nhận thấy những hiệu quả vượt trội của việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, anh Vũ Tiến Dương ở xã Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cũng mạnh dạn đầu tư. Gia đình anh hiện đang đầu tư trang trại nuôi lợn với khoảng 250 con. Trước đây mỗi ngày ngoài thời gian chăm sóc lợn, anh phải bù đầu để ghi chép, thống kê.

“Khi sử dụng ứng dụng công nghệ để quản lý chuồng trại, tôi có thể dễ dàng thống kê, kiểm soát tình hình đàn lợn. Chỉ với vài thao tác đơn giản, tôi có thể đưa ra được kế hoạch chăm sóc đàn lợn và dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, nguồn thức ăn, thuốc men…”, anh Dương bày tỏ.

Không chỉ riêng gia đình ông Cường nuôi vịt hay anh Dương nuôi lợn, hàng nghìn nông dân Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Với sự trợ giúp từ công nghệ, làm nông nghiệp giờ đây đã trở nên dễ dàng, nhanh chóng, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, mang lại lợi nhuận vượt trội.

Anh Vũ Tiến Dương kiểm tra tình trạng đàn lợn thông qua ứng dụng công nghệ được kết nối trên điện thoại. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Vũ Tiến Dương kiểm tra tình trạng đàn lợn thông qua ứng dụng công nghệ được kết nối trên điện thoại. Ảnh: Nguyễn Thành.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp mà còn giúp quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản. Thời gian qua, tận dụng lợi thế công nghệ và thương mại điện tử, nhiều nông dân Quảng Ninh đã tự mày mò, học hỏi để quảng bá, giới thiệu nông sản của gia đình, địa phương.

Thông qua việc livestream, vào thời điểm chính vụ na, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Thực (xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) có thể bán được vài tạ, thậm chí cả tấn na. Chị Thực cho biết, ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên sau khi bán quen, mọi người tin tưởng về chất lượng của sản phẩm nên ủng hộ khá nhiều, nhờ đó việc tiêu thụ na được nhanh chóng, dễ dàng, giá bán lại cao hơn so với thương lái do giảm bớt được khâu trung gian.

Không chỉ những người trẻ như chị Thực, nhiều người cao tuổi cũng đã từng bước biết cách sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các sản phẩm. 

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về công nghệ số, công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình sản phẩm để đăng lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản…

Hiện Quảng Ninh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Từ đây, nông dân đã có thêm nhiều kiến thức về công nghệ và từng bước ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 2] Trang trại gà Lượng Huệ lớn nhất Tây Ninh

Trang trại gà Lượng Huệ 'khủng' của gia đình anh Nguyễn Năng Cường ở thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) là niềm mơ ước của nhiều nông hộ…

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

Canh tác lúa giảm phát thải, lợi nhuận tăng hơn 6 triệu đồng/ha

TRÀ VINH Năng suất lúa trong mô hình đạt 6,4 - 6,6 tấn/ha, tăng khoảng 5 - 6% so với ngoài mô hình. Lợi nhuận tăng từ 20 - 25% so với ngoài mô hình.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Thả hơn 40.000 con cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

BẮC NINH Hoạt động thả hơn 40.000 con cá giống của tỉnh Bắc Ninh góp phần phục hồi hệ sinh thái nước ngọt và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái chỉ đạo hỏa tốc phòng cháy chữa cháy rừng

YÊN BÁI Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành địa phương về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.