Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Hai, 12/5/2025 0:29 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Nơi thượng nguồn sông Đà: Thị xã đợi ngày chìm

Thứ Sáu 22/05/2009 , 08:51 (GMT+7)

Hơn chục năm thị xã Mường Lay lay lắt, tiêu điều đợi ngày chìm xuống thuỷ cung…

Nhà văn hoá, chứng tích thời hoàng kim thị xã Lai Châu cũ

Thị xã Mường Lay được thành lập trên nền của thị xã Lai Châu cũ, nằm cạnh nơi hợp lưu giữa sông Đà với hai dòng suối Nậm Lay và Nậm Na. Sau trận lũ lịch sử năm 1990, thủ phủ tỉnh Lai Châu chuyển về Điện Biên. Thị xã Mường Lay nằm trong khu vực ngập nước hồ thuỷ điện Sơn La. Hơn chục năm thị xã Mường Lay lay lắt, tiêu điều đợi ngày chìm xuống thuỷ cung…

>> Nơi thượng nguồn sông Đà: Bí ẩn sông Đà

Bà Bùi Thị Rứa, ở tổ 10 phường Sông Đà, hiện đang là chủ quán cơm nơi ngã ba đường qua cầu Bản Xá. Khi nhắc lại trận lũ quét năm 1990 xảy ra trên dòng suối Nậm Lay đổ xuống thị xã Lai Châu khiến bà chưa hết nỗi kinh hoàng: Lũ xảy ra khoảng mười rưỡi sáng, ngày 5/5 âm lịch, năm ấy nhuận hai tháng 5.

Ông nhà tôi làm bảo vệ ở bến xe khách, bây giờ là khách sạn Lan Anh, hôm ấy chị gái cháu Hiếu đây là Phạm Thị Hồng cõng em xuống chỗ bố chơi. Lũ quét bất ngờ ập xuống, hai chị em bị dòng nước cuốn đi cách bố độ hai ba mét nhưng bố cũng không làm gì được, mọi người đưa cây sào ra cho hai cháu bám vào, còn bố cháu trôi một quãng xa mới bám được vào gốc cây, sau đó thì được mọi người cứu.

Trận lũ ấy nhà tôi mất một người, đó là cháu Nguyễn Thị Hương quê Nam Định lên bán hàng cho gia đình tôi. Quán hàng nằm giữa dòng thác lũ, nước lại đổ về đột ngột, mặc dù là ban ngày nhưng cháu và nhiều người khác không chạy kịp… Bà Rứa ngừng kể, cay đắng nhìn ra ngoài con đường nắng bỏng rát: Trận lũ ấy đã cuốn trôi hàng trăm người, may sao cháu tôi còn tìm thấy xác. Năm rồi gia đình tôi đưa mộ cháu về quê, nơi cháu nằm cũng bị ngập nước hồ chú ạ. Chỗ ta đang ngồi đây và cả thị xã Mường Lay hiện giờ đều bị chìm xuống lòng hồ. Một số nơi bà con đang di chuyển, còn chỗ này có lẽ ngày một ngày hai thôi. Ở được ngày nào thì biết ngày nấy…

Theo thống kê, trận lũ quét ngày 27/6/1990 tại thị xã Lai Châu đã quét đi toàn bộ nhà cửa, cơ quan, xí nghiệp nằm bên bờ thấp của suối Nậm Lay. Đây là trận lũ quét chưa từng thấy, gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử các trận lũ quét ở nước ta tính đến năm 2005. Lũ cuốn trôi 300 người, 104 người chết, 200 người bị thương, hư hỏng 14.300m2 nhà, 300ha ruộng lúa bị bồi lấp…

Thị xã Lai Châu ngày ấy một thời sầm uất, tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, với rất nhiều công trình kiến trúc rực rỡ: Công viên, hồ nước, bến xe, cửa hàng bách hoá, khách sạn, nhà văn hoá…điện sáng lung linh. Trận lũ quét đã xoá sạch, dấu tích còn lại thời huy hoàng của thị xã Lai Châu trong quá khứ là những bức tường và những cây cột bê tông trơ sắt của Nhà văn hoá bên cây cầu Bản Xá nằm cạnh suối Nậm Lay.

Sau trận lũ quét lịch sử kinh hoàng ấy cùng với dự án xây dựng thuỷ điện Sơn La, năm 1995 tỉnh Lai Châu “rời đô” về Điện Biên. Tháng 8/1996 thị xã Lai Châu lại hứng một trận lũ quét nữa, khiến 89 người chết và mất tích. Một thị xã sau hai trận lũ quét, nhất là khi các cơ quan tỉnh chuyển đi thì càng trở nên tiêu điều, hoang vắng. Thị xã Lai Châu bên dòng suối Nậm Lay chỉ được đổi tên khi tỉnh Lai Châu tách ra thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu với tên gọi mới thị xã Mường Lay tháng 3/2005.

Hơn mười năm không một công trình xây dựng, những người dân ở lại, đều sống trong những ngôi nhà tạm bợ, hỏng chỗ nào sửa chỗ nấy. Tất cả đều chờ đợi ngày thị xã chìm xuống thuỷ cung, ngay cả chiếc cầu treo Nậm Cản bắc qua suối Nậm Lay nối khu tái định cư Nậm Cản với khu Cơ Khí, đã xuống cấp từ lâu nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng sửa chữa, chỉ đến khi dây cáp bị đứt làm hơn 50 học sinh đang trên đường đi học trở về nhà rơi xuống nước bị thương ngày 7/11/2008, thì người ta mới giật mình nhìn lại. Tuy nhiên, cây cầu cũng chỉ sửa sang lại đi tạm, bởi tất cả Thị xã Mường Lay hiện giờ đều phải di chuyển.

Có thể nói thị xã Mường Lay là một thị xã nhỏ nhất nước. Theo ông Từ Bá Minh - Phó Bí thư Thị uỷ: Thị xã chỉ có hai phường: Sông Đà, Na Lay và xã Lay Nưa, với gần 4.300 hộ, khoảng trên 2 vạn dân. Trong đó, có trên 3.900 hộ thuộc diện phải di chuyển. Những điểm tái định cư tại chỗ tại thị xã Mường Lay có 5 điêm, được xây dựng thành 5 khu chức năng: Khu Nậm Cản, bao gồm trường học, bệnh viện, các đơn vị công an, quân đội…; khu Chi Luông, gồm các đơn vị hành chính nhà nước; khu Đồi Cao, khu thương mại dịch vụ, du lịch; khu Cơ Khí, xây dựng chợ; khu Lay Nưa, nơi các hộ sản xuất nông nghiệp. Xen kẽ các khu chức năng đó là các điểm dân cư.

Người dân thị xã Mường Lay có thể đăng ký tới các điểm tái định cư: Long Pua (Điện Biên), Tắc Tình, Bình Lư, Ba Soi hoặc phường Đoàn Kết thị xã Lai Châu mới. Như vậy, số dân của Mường Lay còn nhiều biến động. Nhiều hộ đã nhận đất ở các khu tái định cư, nhà cửa đã dỡ đang chờ nhận đủ tiền đền bù là ra đi đến nơi ở mới.

Bưu điện TX, khu nhà đẹp nhất hiện nay cũng sẽ chìm xuống hồ

Bà Nguyễn Thị Châu quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) lên Mường Lay công tác trên 30 năm trong ngành lương thực, bà bảo tôi: Hơn mười năm nay chúng tôi biết không thể sống ở đây lâu dài được, vì cả thị xã này đều ngập khi nước hồ dâng. Nhưng gia đình tôi chẳng biết đi đâu, gần đây khi được giới thiệu các địa điểm tái định cư, vợ chồng tôi quyết định lên thị xã Lai Châu mới. Nhà cửa, đất đai, cây cối hoa màu được đền bù được chẳng đáng là bao, nhà tôi dỡ cách đây được mấy hôm rồi. May lắm làm được ngôi nhà cấp bốn, nhưng cũng phải đi thôi. Hai đứa cháu, tôi đã gửi về quê để học, chồng tôi lên Lai Châu nhận đất, còn tôi đang ở nhờ nhà bác Loan chờ cắt xong khẩu là lên Lai Châu …

Theo lịch, khu vực nguy hiểm ở các xã, phường hết tháng 4/2009 các hộ phải di dời, trả mặt bằng cho công trường xây dựng cầu, đường tránh ngập đang được gấp rút xây dựng. Tỉnh đội Điện Biên đã cử một số đơn vị bộ đội giúp dân tháo dỡ di chuyển nhà cửa. Tuy nhiên, nhiều hộ chưa đồng ý với phương án đền bù và cách hành xử của cơ quan chức năng, nên quyết tâm “bám trụ” cho đến khi đáp ứng nhu cầu chính đáng mới chịu di dời.

Khi trao đổi về cuộc sống của thị dân sản xuất nông nghiệp sau tái định cư, ông Từ Bá Minh tỏ ra lo ngại: Thị xã Mường Lay có hơn 300 ha ruộng nước, trong đó có đến một phần ba diện tích bị ngập và bán ngập. Điều lo ngại nhất là cuộc sống của người dân sẽ khó khăn khi thiếu đất sản xuất, trong khi đó núi thì cao không thuận tiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Chuyển hướng sản xuất, chuyển đổi nghề cho nông dân là điều phải làm, nhưng phải có thời gian không thể một sớm một chiều làm được…Tuy nhiên, đây là cơ hội để thị xã Mường Lay qui hoạch lại, xây dựng một cách khang trang hơn. Mặc dù là một thị xã nhỏ nơi thượng nguồn sông Đà, nhưng tôi tin rằng mai đây Mường Lay sẽ là thị xã trên bến dưới thuyền đẹp nhất khu vực vùng núi Tây Bắc…

Còn hôm nay, thị xã Mường Lay đang đợi ngày chìm xuống thuỷ cung. (Hết)

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đọc nhiều nhất