Đó là nhận định của Hội Bảo vệ động vật Việt Nam (VAWA) tại hội thảo “Hành trình phát triển ngành thú cưng tại Việt Nam năm 2025” vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Tiềm năng phát triển ngành thú cưng Việt Nam
Theo Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, trào lưu nuôi thú cưng (chó, mèo) đã xuất hiện từ lâu, đặc biệt trong giới trẻ, nhưng ngành công nghiệp thú cưng (dịch vụ chăm sóc, dinh dưỡng, spa, khách sạn thú cưng) chỉ thực sự hình thành vài năm trở lại đây, phản ánh tiềm năng tăng trưởng lớn của lĩnh vực này tại Việt Nam.

Trào lưu nuôi thú cưng (chó, mèo) đã xuất hiện từ lâu, đặc biệt trong giới trẻ, nhưng ngành công nghiệp thú cưng (dịch vụ chăm sóc, dinh dưỡng, spa, khách sạn thú cưng) mới chỉ thực sự hình thành vài năm trở lại đây. Ảnh: Minh Sáng.
Trước đây, chó mèo chủ yếu để giữ nhà, bắt chuột, xử lý thức ăn thừa, nay chúng được coi là người bạn, thành viên gia đình, hiện hữu bên cạnh con người, mang lại sự gắn kết tình cảm và giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống hiện đại.
Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, cho biết nhiều người sẵn sàng đầu tư thức ăn bổ dưỡng, đồ chơi, phụ kiện, tổ di động, khám chữa bệnh, spa grooming cho thú cưng. Nhiều khách sạn, bệnh viện PetCare, trường huấn luyện thú cưng và trạm cứu hộ đã ra đời, cho thấy vai trò của thú cưng ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội.
Quy mô ngành công nghiệp thú cưng tại Việt Nam đạt 94 triệu USD năm 2023, dự báo tăng lên 182 triệu USD vào năm 2028, trong đó thức ăn cho thú cưng chiếm khoảng 85% toàn ngành. Các dịch vụ thú y, phụ kiện, spa, khách sạn thú cưng cũng đang được ưa chuộng.
Số lượng thú cưng tại Việt Nam không ngừng tăng, từ hơn 12 triệu con năm 2023 (trong đó 6,48 triệu chó, 5,58 triệu mèo), dự kiến đạt khoảng 16 triệu con vào năm 2027. Giới trẻ là nhóm dẫn đầu xu hướng nuôi thú cưng, sẵn sàng chi tiêu cho dịch vụ chăm sóc, tiêm phòng, spa và các tiện ích đi kèm.
“Chó vẫn là vật nuôi phổ biến nhất nhờ sự trung thành, thông minh, dễ huấn luyện, trong đó Chihuahua, Poodle, Golden Retriever, Phú Quốc, Bull Pháp được ưa chuộng. Bên cạnh đó, mèo cũng đang dần khẳng định vị trí là thú cưng được yêu thích tại các gia đình Việt”, bà Hạnh chia sẻ.

Giới trẻ đang dẫn đầu xu hướng nuôi thú cưng, sẵn sàng chi tiêu cho dịch vụ chăm sóc, thức ăn, tiêm phòng, spa và các tiện ích đi kèm. Ảnh: Minh Sáng.
Theo các chuyên gia, xu hướng nuôi thú cưng đang lan ra vùng nông thôn, kết hợp nhận thức về phúc lợi động vật, tạo cơ hội phát triển ngành công nghiệp thú cưng xanh, bền vững và nhân văn trong tương lai.
Xu hướng nuôi thú cưng lan rộng về vùng nông thôn
Nuôi thú cưng không còn là “mốt” ở khu vực thành thị, mà đang lan nhanh về nông thôn, mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp thú cưng, đồng thời đặt ra yêu cầu cao về phúc lợi động vật, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Ngành công nghiệp thú cưng tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu phát triển vài năm trở lại đây, song xu hướng nuôi thú cưng đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ thành thị và dần lan rộng về vùng nông thôn. Nếu trước đây, chó mèo chỉ để trông nhà, bắt chuột, thì nay đã trở thành “thành viên gia đình” được chăm sóc, nuôi dưỡng với sự quan tâm đặc biệt.

Nuôi thú cưng không còn là “mốt” thành thị, mà đang lan nhanh về nông thôn, mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp thú cưng. Ảnh: Minh Sáng.
Ông Lê Quang Thông, Chủ tịch Chi hội Thú y - Thú nhỏ Việt Nam (VSAVA), nhận định Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp thú cưng. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành không chỉ mở cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ đa dạng mà còn thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất thức ăn, đồ chơi, phụ kiện và dịch vụ y tế thú cưng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người nuôi.
“Nuôi thú cưng đã trở thành xu hướng trong giới trẻ, đồng thời là lựa chọn của nhiều người cao tuổi xem thú cưng như bạn đồng hành khi không có con cháu bên cạnh. Với trẻ em trầm cảm hoặc tự kỷ, thú cưng cũng góp phần hỗ trợ tinh thần và thể chất,” ông Thông chia sẻ.
Cùng với sự phát triển dịch vụ, lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, phụ kiện cho thú cưng cũng đang mở ra tiềm năng lớn, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, việc tiêm phòng định kỳ, phòng chống bệnh dại, kiểm soát dịch bệnh từ thú cưng sang người cần được chú trọng để đảm bảo an toàn cộng đồng và sức khỏe vật nuôi.

Tại Việt Nam, các tổ chức như “Sân nhà nhiều chó” đang hoạt động hiệu quả, góp phần giảm số lượng chó mèo bị bỏ rơi và nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật trong cộng đồng. Ảnh: Hội Bảo vệ động vật Việt Nam.
Tại hội thảo “Hành trình phát triển ngành thú cưng tại Việt Nam năm 2025”, nhiều đại biểu quốc tế cũng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trạm cứu hộ chó mèo, nơi tiếp nhận, điều trị, triệt sản và tìm chủ mới cho động vật bị bỏ rơi. Tại Việt Nam, các tổ chức như “Sân nhà nhiều chó” đang hoạt động hiệu quả, góp phần giảm số lượng chó mèo bị bỏ rơi và nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật trong cộng đồng.
Sự lan tỏa xu hướng nuôi thú cưng về nông thôn là tín hiệu tích cực, nhưng đòi hỏi sự thay đổi nhận thức về phúc lợi động vật, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và nâng cao năng lực thú y tại cơ sở. Khi phúc lợi động vật được đảm bảo, thú cưng sẽ trở thành “bạn đồng hành” thực sự, đóng góp vào đời sống tinh thần lành mạnh và cộng đồng văn minh tại Việt Nam.
“Ngành công nghiệp thú cưng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, văn minh, yêu động vật và có trách nhiệm. Đây là lĩnh vực tiềm năng, phù hợp xu thế phát triển đô thị hiện đại, nhưng cần sự đồng hành của cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng để phát triển an toàn, bền vững, giàu tính nhân văn tại Việt Nam”, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam nhấn mạnh.