| Hotline: 0983.970.780

Mập mờ nguồn gốc dâu tây

Thứ Tư 24/01/2024 , 08:50 (GMT+7)

Cận Tết, trên thị trường ngập tràn dâu tây, nhưng xác định nguồn gốc của dâu lại là bài toán khó, bởi mỗi tiểu thương lại 'khai sinh' cho dâu một nguồn gốc khác nhau.

Những ngày cận Tết, dâu tây Sơn La bắt đầu vào vụ. Không khó để có thể tìm được dâu tây được bán ngập tràn tại các chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ Đền Lừ (Hà Nội). Tìm dâu thì dễ nhưng xác định nguồn gốc của dâu lại là bài toán khó, bởi mỗi tiểu thương lại "khai sinh" cho dâu tây một nguồn gốc khác nhau, người nói dâu Sơn La, người nói dâu Đà Lạt, chỗ lại nói dâu nhập khẩu từ Trung Quốc..., mẫu mã, hình thức ná ná nhau khiến người tiêu dùng chả biết đâu mà lần.

Lấy mác là dâu tây Mộc Châu (Sơn La) nhưng loại dâu này được bán với giá chỉ rẻ bằng nửa so với dâu Mộc Châu thật sự. Ảnh: Minh Toàn.

Lấy mác là dâu tây Mộc Châu (Sơn La) nhưng loại dâu này được bán với giá chỉ rẻ bằng nửa so với dâu Mộc Châu thật sự. Ảnh: Minh Toàn.

Một tiểu thương tại chợ Long Biên cho biết: “Dâu Đà Lạt đấy, của mình còn đang xuất đi chẳng hết, nhiều lắm… Dâu Trung Quốc dài hơn, quá bé bé, dài dài, cái này trồng trong nhà kính, phủ nilon đấy…”.

Thế nhưng vẫn hình dạng, màu sắc đó, quả dâu tây lại được một tiểu thương khác "khai sinh" cho ở một nơi cách Đà Lạt gần 1.700km khi khẳng định: “Dâu Mộc Châu đấy, đợt này Mộc Châu sẵn, người ta mua hàng Mộc Châu thôi…”.

Những loại dâu tây được lấy danh rất đa dạng về nguồn gốc thường có giá rẻ hơn nhiều so với dâu Sơn La. Chúng được bán với giá chỉ 40.000 đồng/hộp nhỏ, 70.000 đồng/hộp to 500gram. Trong khi đó, dâu Sơn La có giá dao động từ 100 – 200 nghìn đồng/hộp 500gram.

Chính sự nhập nhằng, thiếu kiểm chứng được về nguồn gốc đã tạo sự e dè đối với người tiêu dùng khi lựa chọn dâu tây. Thậm chí điều này có thể làm sụt giảm uy tín, chất lượng của nông sản Việt trong mắt người tiêu dùng.

Dâu tây Sơn La (trái) có sự khác nhau cơ bản với loại dâu tây giá rẻ được bán trên thị trường (phải). Ảnh: Minh Toàn.

Dâu tây Sơn La (trái) có sự khác nhau cơ bản với loại dâu tây giá rẻ được bán trên thị trường (phải). Ảnh: Minh Toàn.

Không chỉ người tiêu dùng mà chính nông dân trồng dâu tây chịu ảnh hượng nặng nề nhất do việc nhập nhằng nguồn gốc sản phẩm trên thị trường. 

Thông tin dâu Sơn La bị mạo danh đã xuất hiện từ những năm trước. Trên thực tế, nhiều hộ dân khi vào chính vụ đã rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đành phải nhổ bỏ cây sinh kế chính của gia đình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chờ vụ sau.

Ông Nguyễn Văn Thu (Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La), một hộ trồng dâu cho biết: “Năm ngoái, còn hơn 1 tháng nữa mới hết vụ dâu nhưng gia đình tôi đành phải phá đi để trồng các cây trồng khác thay thế như ngô, rau… vì giá dâu thấp và khó tiêu thụ, trong khi đó trồng dâu chi phí cao, sản phẩm khó bảo quản, vận chuyển phức tạp…”.

Theo các nhà vườn trồng dâu tây ở Mộc Châu (Sơn La), vụ thu hoạch dâu năm nay lượng tiêu thụ giảm, kéo theo giá bán giảm. Đầu vụ năm 2022, dâu tây loại to có giá từ 200 nghìn đồng/kg trở lên thì năm nay giá chỉ còn xung quanh 100 nghìn đồng/kg. Theo các nhà vườn, sản lượng dâu tây năm nay có thể tăng gấp đôi năm ngoái do diện tích tăng mạnh và được mùa. Dù rẻ cũng khó có thể bán được hết sản phẩm là nỗi lo chung của người trồng dâu tây ở Sơn La trong vụ thu hoạch năm nay.

Người trồng dâu tây tại Sơn La đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Minh Toàn.

Người trồng dâu tây tại Sơn La đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Minh Toàn.

Đầu ra không phải là nỗi lo duy nhất của người trồng dâu tây mà còn phải đánh cược với thời tiết. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (đại diện Hợp tác xã dâu tây Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La) cho biết: “Trồng dâu rất kỳ công, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, chăm như chăm con mọn, nhất là giai đoạn cây dâu chưa ra quả. Bên cạnh đó, cây dâu tây yêu cầu khắt khe về điều kiện thời tiết nên rất hay gặp rủi ro, có khi gặp mưa, cả vườn dâu của HTX hái được 5 tạ quả thì tỷ lệ bị hỏng phải loại đi phần lớn, chỉ còn lại được 1 tạ…”. 

Để giải bài toán đầu ra, Phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) cho biết đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh này xây dựng chỉ dân địa lý cho quả dâu tây. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn cho biết, việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc cho dâu tây Sơn La nói chung và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn nói riêng đang là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết trong thời gian tới.

 

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.