| Hotline: 0983.970.780

Lượng rác thải sinh hoạt tại Hải Phòng ngày một tăng

Thứ Ba 06/05/2025 , 18:02 (GMT+7)

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 2.010 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh

Những năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Hải Phòng tăng nhanh do sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa. Trung bình hàng ngày, thành phố phát sinh khoảng 2.010 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 1.030 tấn/ngày, được thu gom, vận chuyển và xử lý tại 2 khu xử lý hợp vệ sinh là Tràng Cát và Đình Vũ; khu vực nông thôn khoảng 980 tấn/ngày, được thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 970 tấn/ngày.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đã tham mưu, chủ trì tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Cụ thể, trong năm 2022, đã tổ chức 16 cuộc tuyên truyền cấp thành phố tại 11 quận, huyện trên địa bàn cho khoảng 3.000 cán bộ chủ chốt tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các đoàn thể chính trị - xã hội; 30 cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

Năm 2023, trên cơ sở kết quả triển khai năm 2022, Sở đã triển khai thực hiện mô hình điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại 57 xã, phường, thị trấn tại các quận, huyện; tổ chức 45 cuộc tuyên truyền và 44 cuộc kiểm tra tại các quận, huyện. Năm 2024, tổ chức 750 hội nghị tuyên truyền với khoảng 90.000 lượt người tham dự. Quý I/2025, chủ trì, phối hợp tuyên truyền cho 30 đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt 1.000 lượt người tham dự.

Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn TP. Hải Phòng phát sinh 2.010 tấn rác sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Phong.

Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn TP. Hải Phòng phát sinh 2.010 tấn rác sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Phong.

Bên cạnh đó, chủ trì thiết kế mẫu, in 2.500 sổ tay và 25.000 tờ rơi/năm để hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chế tài xử phạt vi phạm hành chính để cung cấp cho các Sở, ngành, địa phương làm tài liệu tuyên truyền. Từ hướng dẫn của Sở, các địa phương cũng triển khai thí điểm nhiều mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với đặc thù của địa phương.

Hàng năm, Sở cũng chủ trì, phối hợp cùng Công an thành phố, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, UBND quận, huyện cũng chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng tái đổ trộm và đốt chất thải trên địa bàn, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh, khu vực ít dân cư sinh sống. Năm 2024 và quý I/2025, cơ quan chức năng tại Hải Phòng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 160 trường hợp với số tiền 423 triệu đồng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố vẫn còn một số bất cập. Trong đó, hiệu quả phân loại rác tại nguồn chưa triệt để; tình trạng xả thải không đúng nơi quy định, đốt trộm chất thải vẫn tái diễn tại các khu vực công cộng, đặc biệt là khu vực địa bàn giáp ranh, ít người qua lại, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Dụng cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển tại khu vực nông thôn phần lớn là phương tiện hoán cải, tự chế, chưa phù hợp với quy trình thu gom bằng công nghệ hiện đại.

Không những vậy, phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn đang là chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý cấp thành phố (Tràng Cát, Đình Vũ, Gia Minh). Tại 67 bãi rác tạm khu vực nông thôn chủ yếu chôn lấp đơn giản, chưa đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường, thường xuyên đối mặt với sự quá tải, làm tiêu tốn nhiều diện tích đất. Thậm chí, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các bãi rác tạm thành bãi chôn lấp hợp vệ sinh gặp nhiều khó khăn do vị trí các bãi rác trước đây đều nằm ngoài đê; một số xã đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch trước khi triển khai kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 21/11/2022 của UBND thành phố, chưa cập nhật quy hoạch bãi rác dẫn tới phải thực hiện điều chỉnh lại các quy hoạch trong trường hợp đầu tư mở rộng bãi rác để đảm bảo công suất xử lý liên xã.

Rác thải được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Phong.

Rác thải được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Phong.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đề nghị hoàn thành việc xây dựng định mức, đơn giá và định giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác quản lý, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng trên địa bàn thành phố bằng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực xử lý.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp tục kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế hợp tác, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng dân cư đối với hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường.

Xem thêm
BYD Việt Nam ra mắt mẫu xe SUV hybrid vượt trội Sealion 6

Với mẫu xe mới Sealion 6, BYD Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu công nghệ DM-i Super Hybrid tiên tiến đến người tiêu dùng trong nước.

Tái sinh túi ni lông thành không gian triển lãm đô thị

Hơn 50.000 túi ni lông đã qua sử dụng được 'hô biến' thành mái che nghệ thuật, trưng bày tại Triển lãm Top 10 Awards Pavilion.

Thêm một nhà máy điện rác vận hành tại Hà Nội

Sáng ngày 1/5, dự án Nhà máy điện rác Seraphin với công suất 2.250 tấn/ngày đêm được vận hành thử nghiệm, bắt đầu tiếp nhận xử lý rác.

Quỹ phòng tránh thiên tai hỗ trợ gần 50% trạm đo mưa trên cả nước

Với gần 37,5 tỷ đồng được tài trợ, từ năm 2016 đến nay, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã lắp đặt gần 1.000 thiết bị cảnh báo mưa lũ.

30 nhà khoa học Việt - Nga nghiên cứu ô nhiễm biển Việt Nam

Tàu nghiên cứu khoa học Viện sĩ Oparin chuẩn bị đưa 30 nhà khoa học của Nga và Việt Nam khảo sát đa dạng sinh học, nghiên cứu ô nhiễm tại biển Đông.

Điện Biên dự kiến còn 45 đơn vị hành chính cấp xã

Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Điện Biên sẽ giảm từ 129 xã, phường, thị trấn xuống còn 45 đơn vị hành chính cấp xã.