100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp với diện tích 6.101,95 ha. Tỷ lệ khu công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định được duy trì đạt 100%.
Hai khu công nghiệp đang triển khai chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và Khu công nghiệp Đình Vũ. Cả 2 khu công nghiệp này đều đã được tham gia vào Dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” (giai đoạn 2) do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức theo Công văn số 1737/QĐ-BKHĐT ngày 13/8/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng, hiện các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố đều đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải. Hầu hết các doanh nghiệp thứ cấp đã thực hiện đấu nối nước thải của đơn vị mình vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp.

Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Phong.
Các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các đơn vị thứ cấp hoạt động trong các khu công nghiệp cơ bản có hồ sơ môi trường theo quy định. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh của các khu công nghiệp đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh.
Đối với các cụm công nghiệp, thành phố đã thành lập 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 678,4 ha, trong đó, có 6 cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút 108 dự án đầu tư với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 90%. 3/6 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Không để phát sinh điểm ‘nóng’ về môi trường
Theo thống kê của cơ quan chức năng tại TP Hải Phòng, các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Quán Trữ (quận Kiến An), cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (quận Lê Chân)... đã hoạt động từ rất lâu nhưng vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Thậm chí, có cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng không có kinh phí vận hành hoặc không có hệ thống xử lý nước thải tập trung của toàn cụm.
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện còn tồn tại các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nằm xen kẽ trong các khu dân cư và có chung hệ thống thoát nước mưa, nước thải… gây khó khăn cho công tác quản lý. Đồng thời, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp trong đô thị, đặc biệt tại các quận nội thành không còn phù hợp với quy hoạch đô thị, tuy nhiên tiến độ thực hiện việc di dời còn chậm.
Không những vậy, việc thống kê tổng hợp các nguồn thải trên địa bàn toàn thành phố cũng gặp nhiều khó khăn do còn một bộ phận doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo bảo vệ môi trường, dẫn đến việc tham mưu quản lý và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm còn hạn chế.

Cây xanh được trồng tại khu công nghiệp Đồ Sơn giúp ngăn ngừa bụi, bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Phong.
Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tại TP Hải Phòng sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông… nhằm không để phát sinh ‘điểm nóng’ về môi trường.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội các cấp cũng như cộng đồng dân cư đối với hoạt động bảo vệ môi trường.