| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải

Thứ Năm 24/04/2025 , 18:23 (GMT+7)

Hải Phòng TP Hải Phòng sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải nhằm bảo vệ nguồn nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chất lượng môi trường nước được cải thiện

Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đưa ra kế hoạch cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, đưa ra phương án chống hạn, xâm nhập mặn... là các hoạt động mà cơ quan, đơn vị ở Hải Phòng thực hiện để cải thiện chất lượng môi trường nước. 

Đến nay, 224,5 km kênh mương đã được cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi trên trục chính. Trong đó,  đã cắm 5.404 mốc hành lang bảo vệ cho các sông: Rế, Đa Độ, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng. Đối với các nguồn nước còn lại, UBND TP đã phê duyệt nhiệm vụ lập phương án thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước (không thuộc hệ thống các công trình thủy lợi) trên địa bàn.

Tiếp đó, UBND TP Hải Phòng ban hành kế hoạch cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP giai đoạn 2023-2028.

Hiện TP Hải Phòng có 101 nhà máy nước, trong đó, 10 nhà máy nước không thuộc đối tượng lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước do lưu lượng khai thác dưới 100 m3/ngày đêm; 22 nhà máy nước đã đóng cửa, dừng hoạt động do chất lượng nguồn nước kém, vùng cấp nước nhỏ, không có khách hàng hoặc chuyển đổi thành trạm trung chuyển nước của các nhà máy nước khác; 29 nhà máy nước đã được cấp giấy phép khai thác; 40 nhà máy nước chưa được cấp giấy phép. Việc cấp giấy phép nhằm đặt ra ưu  tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước cho sinh hoạt; đồng thời không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Sông Rế phục vụ nước sinh hoạt cho gần 2 triệu người dân trên địa bàn TP Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Phong.

Sông Rế phục vụ nước sinh hoạt cho gần 2 triệu người dân trên địa bàn TP Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Phong.

Tiếp đó, UBND TP Hải Phòng ban hành phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và phương án về bảo vệ nguồn nước sông Giá, sông Đa Độ. TP Hải Phòng sẽ chuyển hướng tiêu thoát nước tại các khu vực có nguồn nước cần tiêu có chứa hàm lượng thông số ô nhiễm cao ra vùng hạ lưu các tuyến sông tự nhiên, bảo vệ nguồn nước ngọt tại các hệ thống kênh trục chính.

UBND TP Hải Phòng yêu cầu chủ động tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ khi có mưa lớn trùng vào thời điểm chân triều cao; chấm dứt tình trạng tiêu thoát nước mưa có thông số ô nhiễm cao từ các khu dân cư, làng nghề, khu công nghiệp chảy vào nguồn nước. Nâng cấp công trình đầu mối khai thác nước và trữ nước, đảm bảo cung cấp nước ngọt chủ động cho các nhu cầu về sản xuất và dân sinh, cải thiện môi trường nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, công tác kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường nước trên địa bàn TP ngày càng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, chất lượng nước ở các sông cấp nước sinh hoạt như: Sông Giá, sông Rế, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng có sự cải thiện đáng kể qua các năm.

Ưu tiên đầu tư hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải

Theo cáo cáo của cơ quan chức năng tại TP Hải Phòng, hiện nay, hầu hết hai bên bờ các nguồn nước ngọt chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung phát sinh từ các khu dân cư, các trang trại chăn nuôi dẫn đến việc kiểm soát chất lượng nước ngọt gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi được thực hiện theo quy định, nhưng phần lớn các mốc không còn hiệu lực do quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của Luật Thủy lợi có sự thay đổi so với Pháp lệnh thủy lợi trước đây...

Công tác cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn gặp nhiều vướng mắc khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ tài nguyên nước và công tác bảo vệ tài nguyên nước. Tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước và lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt, tại các hệ thống thủy lợi ở gần các khu vực nội thành, qua khu dân cư như: Hệ thống thủy lợi An Hải, hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên và hệ thống thủy lợi Đa Độ làm ảnh hưởng trực tiếp việc vận hành công trình điều tiết nước trên hệ thống cũng như việc cấp nước theo nhu cầu hiện nay.

Xử lý nước thải khu dân cư đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ảnh: Hoàng Phong.

Xử lý nước thải khu dân cư đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ảnh: Hoàng Phong.

Ngoài ra, tại những tuyến kênh đã được cắm mốc giới nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, hoặc tại một số địa phương, mốc giới công trình bị mất hoặc bị phá hỏng. Thậm chí, vẫn còn tình trạng một số hộ dân do thói quen vứt bỏ bừa bãi bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, rác thải xuống kênh, sông, ruộng… mà không hiểu hết được hiệu quả nguy hại của nó gây ra đối với môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước mặt.

Trong thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, các nhà máy xử lý nước thải TP theo quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tranh thủ tối đa thời gian vận hành các công trình đầu mối khai thác nước bổ sung vào hệ thống khi nguồn nước đảm bảo, thau đảo nguồn nước.

Các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra, rà soát các nguồn phát thải, các trường hợp vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời. Cùng với đó, kịp thời chỉ đạo, tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng chống xâm nhập mặn, đảm bảo chất lượng nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy sản xuất, cung cấp nước sạch nông thôn.

Xem thêm
Thanh Hóa đề nghị tạm dừng khai thác đối với 18 mỏ

Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đề nghị tạm dừng khai thác 18 mỏ, xác định lại mốc giới 66 mỏ.

Chở nước sinh hoạt cấp cho dân khi nhà máy nước ngưng hoạt động

Bình Thuận Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đang tập trung giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân, nhất là giai đoạn mùa khô.

Phân cấp triệt để cho địa phương

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên tinh thần phân cấp triệt để cho địa phương, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.