| Hotline: 0983.970.780

Lúa xuân dự kiến trổ đúng thời tiết bất thuận, lo đạo ôn cổ bông

Thứ Hai 14/04/2025 , 16:41 (GMT+7)

HÀ TĨNH Lúa xuân năm 2025 dự báo trổ đúng lúc nồm ẩm, sương mù dày đặc cùng với nguồn bệnh có sẵn trên đồng ruộng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông.

Nhiều chủng nòi nấm đạo ôn tồn lưu trên đồng ruộng

Vụ xuân năm 2025 toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy hơn 59.000ha. Hiện lúa đang giai đoạn làm đòng, một số diện tích gieo cấy sớm giai đoạn đòng già. Dự kiến diện tích lúa trổ trước 24/4 khoảng 3.000ha, tập trung tại một số vùng không chủ động thủy lợi ở các xã như Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Giang (huyện Nghi Xuân); Hương Giang, Hương Thủy, Phú Gia (Hương Khê); Mai Phụ, Thạch Mỹ, Thạch Sơn (Thạch Hà) và vùng chạy lụt tại các xã ngoài đê huyện Đức Thọ, xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc). Diện tích trổ bông từ 25/4 - 5/5 hơn 56.000ha, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh.

Những diện tích từng nhiễm đạo ôn lá cần chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: Thanh Nga.

Những diện tích từng nhiễm đạo ôn lá cần chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: Thanh Nga.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết từ nay đến đầu tháng 5/2025 khả năng chịu ảnh hưởng của 3 đợt không khí lạnh, duy trì trời nhiều mây, có mưa, sáng sớm và chiều tối có sương mù, ẩm độ không khí cao, nhiệt độ trung bình 21 - 24 độ C, không thuận lợi cho quá trình trổ bông của lúa, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại trên lúa, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông.

“Thời tiết thiếu ánh sáng cộng với nhiều chủng nòi nấm bệnh đạo ôn có độc tính cao tích lũy trên đồng ruộng nên nguy cơ cao lúa sẽ bị đạo ôn cô bông gây hại”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh cảnh báo.

Theo ông Hùng, cán bộ BVTV cơ sở, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân theo dõi sát các diện tích gieo cấy các giống mẫm cảm với bệnh đạo ôn như: P6, ADI168, Thái Xuyên 111, VNR20, HN6… và các diện tích tích vừa qua nhiễm bệnh đạo ôn lá, các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh để phun phòng từ sớm.

Ghi nhận tại huyện Nghi Xuân, hơn 300ha lúa ở các xã Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Phổ, Xuân Giang... dự kiến trổ trước ngày 25/4 đang trong “tầm ngắm” của bệnh đạo ôn cổ bông.

Ông Phan Trọng Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Đan Trường cho biết, vụ xuân 2025, toàn xã gieo cấy hơn 250ha lúa, chủ yếu là các giống N24, XT28… đang ở giai đoạn đòng già, dự kiến thời điểm lúa trổ bông trước 24/4. Thời tiết giai đoạn này còn thiếu ánh sáng, mưa ẩm nên rất dễ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên các vết bệnh đạo ôn lá, cổ lá trước đó. Đây là thời điểm xung yếu quyết định đến năng suất cuối vụ nên xã đang thông tin liên tục diễn tiến của bệnh để bà con chủ động phun phòng trừ.

Không chủ quan

Cuối tuần qua, lãnh đạo Trung tâm BVTV vùng khu IV (Cục Trồng trọt và BVTV), Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh) đã đi kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn trên lúa xuân ở huyện Cẩm Xuyên nhằm đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn phòng trừ.

Lãnh đạo Trung tâm BVTV vùng khu IV cùng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn giải pháp phòng bệnh đạo ôn cổ bông tại huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Thanh Nga.

Lãnh đạo Trung tâm BVTV vùng khu IV cùng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn giải pháp phòng bệnh đạo ôn cổ bông tại huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Thanh Nga.

Theo báo cáo của huyện Cẩm Xuyên, bệnh đạo ôn cổ lá đã xuất hiện rải rác ở các xã Cẩm Quan, Cẩm Dương, Cẩm Hưng với tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 3 - 5%, cục bộ từ 5 - 7%, chủ yếu trên các giống Khang Dân 18, Bắc Thịnh, BT09… Mầm bệnh đã có sẵn trên đồng ruộng cộng với hình thái thời tiết bất lợi, nồm ẩm, mưa phùn, sương mù kéo dài nên nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh đạo ôn cổ bông thời kỳ lúa trổ tại địa phương là rất cao.

Bà Nguyễn Thị Thảo, trú xã Cẩm Hưng thông tin, một số giống lúa gieo cấy trong vùng như Thái Xuyên 111, Khang Dân 18… đã có vết bệnh đạo ôn cổ lá. Theo kinh nghiệm, thời tiết đợt này có sương mù dày đặc về đêm và sáng sớm càng khiến bào tử nấm bệnh phát triển, lây lan nhanh.

“Mấy hôm nay tôi thăm đồng thường xuyên, khả năng khi lúa trổ sẽ chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông sớm”, bà Thảo nói.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh khuyến cáo, bà con tuyệt đối không chủ quan với bệnh đạo ôn cổ bông, bởi lịch sử đã từng xảy ra mất mùa diện rộng trên địa bàn tỉnh do bệnh này.

Thời gian tới, địa phương, cán bộ chuyên môn cơ sở cần theo dõi sát tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái để tổ chức phun phòng hiệu quả. Theo đó, thời điểm phun thuốc lần 1 khi lúa trổ vè (trổ 3 - 5%) và tiến hành phun lại lần 2 sau 5 - 7 ngày bằng một trong các loại thuốc có nhóm hoạt chất: Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil. Các loại thuốc thương phẩm phổ biến trên địa bàn tỉnh với nồng độ, liều lượng khuyến cáo phun cho 1 sào (500m2) như sau: Filia® 525 SE, Kasoto 200SC: Pha 30ml thuốc vào 20 - 25 lít nước; Beam® 75WP, Flash 75WP: Pha 15 gam thuốc vào 20 - 25 lít nước; Kabim 30WP: Pha 20gam thuốc vào 20 - 25 lít nước; Ninja 35EC, Funhat 40EC: Pha 50ml thuốc vào 20 - 25 lít nước…

Cán bộ BVTV điều tra đồng ruộng, cảnh báo, khuyến cáo giải pháp phòng trừ sâu bệnh gây lại lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Cán bộ BVTV điều tra đồng ruộng, cảnh báo, khuyến cáo giải pháp phòng trừ sâu bệnh gây lại lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu IV cho hay, hiện lúa xuân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế xuất hiện hiện tượng lá lúa chuyển màu vàng cam đến vàng sẫm, mép lá và chóp lá có thể bị cháy khô, chóp lá có thể quăn lại. Các lá bị vàng thường từ những lá dưới sau đó lan dần lên các lá trên và không có triệu chứng bị bệnh bạc lá hay đốm sọc vi khuẩn.

Qua nhận định, đây là hiện tượng vàng lá sinh lý do cây lúa đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh gặp nhiệt độ thấp kéo dài xen kẽ với một số ngày có nhiệt độ cao, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn gây rối loạn sinh lý bình thường của cây lúa (đặc biệt là rối loạn hấp thu và chuyển hóa đạm).

Hiện tượng này sẽ tự phục hồi và phát triển khi thời tiết nắng ấm và ổn định trong thời gian tới, do đó bà con nông dân không sử dụng các loại thuốc BVTV để phun, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường mà cần tiến hành bón thúc cân đối, kịp thời.

Qua rà soát, đến ngày 11/4, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên giống TBR225, P6, Thái Xuyên 111, VNR20, Khang dân 18, Bắc Thịnh… Diện tích phòng trừ 240ha phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh.

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Tuyên truyền rộng rãi ‘5 không’ phòng bệnh dại trên chó mèo

VĨNH LONG Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người nuôi, đồng thời hướng đến xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên chó, mèo.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn

KIÊN GIANG Chuyển đổi luân canh lúa – thủy sản, rau màu, biến phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, than sinh học bón lại cho đất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.