
Cây chè mang lại việc làm, thu nhập cho hàng triệu hộ dân. Ảnh: Hoàng Anh.
Những thành tựu đặc biệt
Việt Nam hiện là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu với diện tích khoảng 123.000ha, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 230 triệu USD… Ngoài giá trị kinh tế, ngành chè đã mang lại việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, ngày càng đóng góp lớn vào ổn định kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
“Đóng góp vào thành tựu đó của ngành chè có vai trò của khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là tại khu vực miền núi phía Bắc”, TS Lưu Ngọc Quyến khẳng định.
Những năm qua, xác định KHCN là chìa khóa mở cánh cửa đột phá cho ngành chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã tổ chức nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn nguồn gen, chọn tạo giống chè mới, kỹ thuật canh tác – bảo vệ thực vật và chế biến sản phẩm chè...
Các kết quả nghiên cứu của NOMAFSI đóng vai trò quan trọng trong ổn định diện tích hơn 120.000ha chè của cả nước và giúp năng suất chè tăng lên nhanh chóng, giúp các sản phẩm chè Việt ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau, nhờ đó thu nhập người làm chè nâng lên, hiệu quả sản xuất chè ngày càng cao...

Thu hái chè ở Suối Giàng, Yên Bái. Ảnh: Hoàng Anh.
Về KHCN, thành tựu thứ nhất của ngành chè có thể kể đến là công tác bảo tồn và phát triển cây chè shan bản địa. Các nhà khoa học của NOMAFSI đã dày công nghiên cứu, bảo tồn cây chè shan ở các địa phương như Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái...
Điển hình tại Hà Giang, các nhà khoa học đã tuyển chọn được 105 cây chè shan cổ thụ đầu dòng trên địa bàn 6 huyện gồm Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình và huyện Đồng Văn. Từ những cây chè shan cổ thụ đầu dòng, đến nay Hà Giang đã có 1.324 cây chè shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, trở thành nguồn lực rất lớn để bà con địa phương gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Viện và địa phương phối hợp xây dựng được mô hình 35ha sản xuất chè shan theo hướng hữu cơ và xây dựng thương hiệu "Chè xanh Lũng Phìn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ.
Các kết quả nghiên cứu KHCN của Viện đã và đang giúp các địa phương bảo tồn được nguồn gen quý hiếm và từng bước khai thác hiệu quả cây chè shan, tạo thu nhập ổn định, sản xuất bền vững, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường khu vực miền núi.

Giống mới giúp năng suất chè tăng gấp đôi, từ 5 tấn/ha năm 2005 lên xấp xỉ 10 tấn/ha năm 2024. Ảnh: Hoàng Anh.
Về chọn tạo giống chè mới, hiện NOMAFSI là đơn vị duy nhất trong Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tiến hành bảo tồn, lưu giữ 406 nguồn gen chè, đã xây dựng được 31,3ha vườn cây đầu dòng cho 17 giống chè mới. Ngoài ra, Viện còn tiến hành lưu giữ, bảo tồn tại chỗ 142 cây chè shan tại xã Yên Cư (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), 5 cây đầu dòng giống chè Trung du tím tại xã Hanh Cù (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), 8 cây đầu dòng giống chè Trung du xanh cũng tại huyện Thanh Ba.
Từ công tác nghiên cứu KHCN, NOMAFSI đã chọn tạo được bộ giống chè mới gồm 16 giống chè có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt, đáp ứng đa dạng sản phẩm như giống: Hương Bắc Sơn, LCT1, PH8, PH12, PH14, PH21, PH276, VN15, Kim Tuyên, CNS.831, CNS141…
Các giống chè mới đã được nhiều doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân đánh giá cao và đưa vào sử dụng. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ sử dụng giống mới trên diện tích chè của cả nước từ 15% năm 2000 lên xấp xỉ 70% năm 2024. Năng suất chè tăng gấp đôi từ 5 tấn/ha năm 2005 lên xấp xỉ 10 tấn/ha năm 2024, góp phần đa dạng sản phẩm chè và nâng cao giá trị cho ngành chè Việt Nam.
Các nhà khoa học của Viện đã phân loại các giống chè mới phù hợp với định hướng sản phẩm chè như: Nhóm giống cho chế biến sản phẩm chè cao cấp, chè Ô long gồm Hương Bắc Sơn, VN15, Kim Tuyên và Bát Tiên; nhóm giống cho chế biến chè xanh chất lượng cao gồm LCT1, LP18, TRI5.0, PH21, CNS141, CNS183, LDP1; nhóm giống cho chế biến chè Hồng trà, Bạch trà, chè đen, chè Phổ Nhĩ gồm PH12, PH14, TC4, PH276, PH22, PH1…

Cây chè ở vùng Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.
Cùng với đó, các nhà khoa học của NOMAFSI đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác chè bền vững. Nhờ đó đã thay đổi tập quán canh tác chè của người dân và các doanh nghiệp sang hướng sản xuất bền vững, tạo ra nguyên liệu chè búp tươi đạt tiêu chuẩn, an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Năm 2023, Cục Trồng trọt (nay là Cục Trồng trọt và BVTV) đã công nhận 3 tiến bộ kỹ thuật của NOMAFSI gồm: Quy trình sản xuất nguyên liệu để chế biến chè Matcha từ hai giống chè PH8 và LCT1; quy trình sản xuất nguyên liệu để chế biến chè Ô long từ giống chè mới Hương Bắc Sơn; quy trình sản xuất nguyên liệu để chế biến chè xanh đặc sản từ giống chè mới VN15 và PH14 (đã được áp dụng quy mô trên 50ha tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Lai Châu, hình thành liên kết chuỗi sản xuất nguyên liệu búp tươi chất lượng cao).
Về công nghệ chế biến, NOMAFSI đã tập trung nghiên cứu, hoàn thiện nhiều công nghệ chế biến cho một số giống chè mới. Một số quy trình chế biến sản phẩm đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật như: Quy trình chế biến chè Ô long từ giống chè Hương Bắc Sơn; quy trình chế biến chè xanh đặc sản từ giống chè VN15, PH14; quy trình chế biến chè Matcha từ giống chè LCT1 và PH8…

Các nghiên cứu về giống và nhiều quy trình canh tác, chế biến của NOMAFSI đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển vượt bậc cho ngành chè Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.
Các quy trình này đã được chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân và đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Nổi bật như Công ty TNHH MTV Thế hệ mới cho hiệu quả kinh tế tăng 35 – 40%; Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng giá bán sản phẩm tăng trên 20% so với sản phẩm cùng loại. Ngoài ra ở các đơn vị như Công ty TNHH chè Á Châu, HTX chè sạch Đông Trường Sơn, HTX Sản xuất và Chế biến chè Phú Thịnh cũng cho kết quả tương tự.
NOMAFSI cũng phối hợp xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vùng chè Đoỏng Pán gắn với chế biến một số sản phẩm chè xanh chất lượng cao tạo sản phẩm OCOP tại xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Bên cạnh đó, các công nghệ chế biến mới của Viện như công nghệ chế biến chè xanh chất lượng cao, chè xanh hương Ô long, chè Ô long, chè xanh dạng Bích Loa Xuân, chè thảo dược, chè hương hoa, chè ép bánh, matcha... được áp dụng hiệu quả vào sản xuất tại các tỉnh Phú Thọ, Bắc Kạn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Giang, Sơn La, Kon Tum...
Kiến nghị
Theo TS Lưu Ngọc Quyến, để KHCN ngày càng đóng góp lớn hơn cho ngành nông nghiệp và môi trường, NOMAFSI kiến nghị:

Cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu tổng thể về chè. Ảnh: Hoàng Anh.
Thứ nhất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào bảo tồn, khai thác, phát triển cây chè Việt Nam, đặc biệt là chè shan nhằm xây dựng vùng chè hữu cơ và phát triển các điểm du lịch sinh thái văn hóa trà gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, nông nghiệp…
Thứ hai, khai thác theo hướng đa giá trị ngành chè, sản xuất theo chuỗi, theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn để xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chè an toàn, chất lượng cao bền vững, gắn kết các doanh nghiệp chế biến với từng vùng nguyên liệu, xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng sản phẩm đặc sản theo vùng sinh thái.
Thứ ba là chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm chè xanh chất lượng cao, chè Ô long, matcha, nước uống đóng chai từ chè... nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất chè.
Thứ tư là thực hiện đề án sản phẩm quốc gia "Chè Việt Nam chất lượng cao", xây dựng thương hiệu chè Việt và đẩy mạnh quảng bá, từng bước khẳng định thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế. Khẳng định uy tín và chất lượng của chè Việt Nam với đa dạng dòng sản phẩm như chè xanh, chè đen, các sản phẩm từ chè shan rừng…
"Cần tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu tổng thể về chè, đặc biệt là một số công tác chọn tạo giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến và các thiết bị hiện đại để đa dạng hơn nữa sản phẩm chè, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, tăng thị phần chè xanh (lên trên 50%) và chè đặc sản, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu ngành chè".
(TS Lưu Ngọc Quyến).