
Vui (hỷ) là 1 trong 7 loại tình chí có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và bệnh tật của con người theo y học cổ truyền. Ảnh: Phạm Hiếu.
Từ xa xưa, các y nhân đã áp dụng nụ cười trong “hỷ lạc liệu pháp” để trị trị bệnh cứu người. Người Việt đã có câu “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” hay “tiếu nhất tiếu, thập niên thiếu” tức một tiếng cười trẻ 10 tuổi. Tiếng cười cũng được y học cổ truyền coi trọng vì cười là biểu hiện của niềm vui. Vui (hỷ) là 1 trong 7 loại tình chí có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và bệnh tật của con người theo y học cổ truyền.
Các y nhân xưa gọi những biểu hiện này là “thất tình” gồm: Hỷ - Nộ - Ưu - Tư - Bi - Khủng - Kinh. “Hỷ” là vui vẻ, sung sướng. “Nộ” là tức giận. “Ưu” là u sầu, buồn bã. “Tư” là tư lự, lo nghĩ. “Bi” là đau buồn, bi thương. “Khủng” là sợ hãi. “Kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức.
Trong y học cổ truyền, “thất tình” có thể gây bệnh, cũng có thể trị bệnh. Đông y quan niệm, tình chí thông ứng với ngũ tạng, ngũ tạng thông ứng với ngũ hành nên trong tình chí cũng có quan hệ tương sinh - tương khắc giống như ngũ tạng, ngũ hành.
Giống như trong ngũ hành tương khắc: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, thì khi một loại tình chí tăng cao gây tổn hại cơ thể, có thể dùng một loại tình chí khác khống chế như “bi thắng nộ, hỷ thắng ưu, khủng thắng hỷ, nộ thắng ưu, tư thắng khủng”.
Tức là đau thương có thể lấn át, tiết chế tức giận. Vui vẻ thắng được buồn bã. Sợ hãi tiết chế được vui vẻ. Tức giận tiết chế được u sầu... Người xưa gọi phương pháp chữa bệnh như vậy là “Tình chí tương thắng” hay “Dĩ tình thắng tình”. Những hỷ, nộ, ai, lạc chính là một phương thuốc trị liệu hữu hiệu, thường được gọi là “khủng hoảng liệu pháp”, “hỷ lạc liệu pháp”…
Sau một năm cả xã hội chống chọi với đại dịch toàn cầu Covid-19, những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, cùng nói về phương pháp “hỷ lạc liệu pháp” vô cùng đơn giản mà lại rất hiệu quả. Trong “thất tình”, hỷ là một kích thích có lợi. Tinh thần vui vẻ lạc quan rất có ích đối với sức khỏe. Vui vẻ rất ít khi làm cho con người sinh bệnh. Theo quan niệm của cổ nhân, hỷ thông với tạng Tâm, có khả năng làm tăng hoạt động của tâm mạch, giúp cho khí huyết lưu thông dễ dàng và hoà hoãn.

Sau một năm chống chọi với đại dịch toàn cầu Covid-19, nụ cười sẽ mang lại vui vẻ, tinh thần lạc quan trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.
Hỷ còn có tác dụng chế ước các loại tình chí dễ gây ra bệnh tật như ưu, tư và bi. Bởi vậy, người xưa đã sử dụng “Hỷ lạc liệu pháp” một cách rất linh hoạt trong việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho con người. Người xưa cho rằng, muốn có sức khoẻ thì phải biết điều dưỡng tinh thần, nghĩa là tạo ra và giữ được đời sống tinh thần vui vẻ, phải bồi dưỡng tính hài hước để cuộc sống không bao giờ thiếu tiếng cười.
Tiếng cười có thể giúp cho lục phủ ngũ tạng và cơ bắp được thư giãn, tâm trạng được điều tiết và cân bằng, tuần hoàn và hô hấp được thúc đẩy, khí huyết trong kinh mạch được thông sướng... Khi cười, các bộ phận như cơ hoành lồng ngực, ổ bụng, tim, phổi... đều được rèn luyện, các nội tạng được xoa bóp.
Mỗi lần cười, cơ hoành vận động khoảng 18 lần, các cơ liên sườn, cơ mặt cũng hoạt động liên tục. Do vậy cười có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện công năng hô hấp, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa, làm tăng cảm giác thèm ăn, nâng cao năng lực hoạt động của dạ dày, trợ giúp cho quá trình phục hồi của dạ dày bị sa do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nhiều công trình nghiên cứu hiện đại đã cho thấy khi người bị bệnh tăng huyết áp bật cười thì chỉ số huyết áp có thể giảm được 20mmHg và làm nhịp tim chậm đi 8 nhịp. Cười còn còn có thể điều tiết hoạt động của não bộ, lập lại sự cân bằng của các trạng thái rối loạn tâm lý.
Khi cười, lượng hormone cortisol và epinephrine tiết ra trong cơ thể có khuynh hướng giảm đi, giúp bạn giảm stress, tăng miễn dịch. Cười giúp vỏ đại não được nghỉ ngơi gấp 3 lần so với khi ngủ. Khi nghiên cứu về tiếng cười, các nhà khoa học Pháp nhận thấy, trong lúc cười, bộ não sẽ sản sinh ra các catecholamin (adrenalin và noradrenalin) và nhiều hormon khác, các chất này có khả năng kích thích quá trình hình thành morphin nội sinh - một chất có tác dụng trấn tĩnh và giảm đau rất tốt, đưa lại sự yên bình cho hệ thống thần kinh trung ương và cơ thể.

Nụ cười có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện công năng hô hấp, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa,... Ảnh: Phạm Hiếu.
Tiếng cười còn mang lại nhiều lợi ích khác như: Thí nghiệm trên một nhóm bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, các nhà nghiên cứu nhận thấy, lượng đường trong máu của họ ổn định hơn khi xem một chương trình tấu hài so với khi nghe một giờ giảng buồn tẻ. Tiếng cười có thể làm người đang giận dữ, căng thẳng, cảm giác tội lỗi chuyển sang vui vẻ và có suy nghĩ tích cực hơn, thay đổi theo chiều hướng tốt về bản thân và xung quanh.
Với những ai muốn giảm cân, cười cũng là một phương pháp có thể áp dụng. Cười đem lại nhiều tác động cho cơ thể, gia tăng quá trình đốt cháy năng lượng. Đồng thời, khi cười cũng giúp cho cơ bụng được săn chắc hơn. Cười giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch cười ngang hàng với việc dùng vitamin tổng hợp và xà phòng diệt khuẩn. Hành động này sẽ kích thích hoạt động của hệ miễn dịch và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Trước hiệu quả mà tiếng cười mang lại, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng tiếng cười trong trị liệu như bệnh viện chẩn trị và điều dưỡng bằng nụ cười ở Mỹ, câu lạc bộ cười thư giãn ở Anh, công ty tư vấn nụ cười ở Đức, trường học cười ở Nhật, công ty xuất khẩu tiếng cười ở Brazil, thậm chí còn có cả hình thức cung cấp hoặc tạo ra nụ cười bằng điện thoại, khi bạn cần thì có thể gọi đến số điện thoại chuyên dùng là nghe thấy tiếng cười ở đầu dây kia. Nhờ đó, bạn có thể giải trừ được những ưu phiền, mệt mỏi và sức khỏe được phục hồi thực sự.
Niềm vui và tiếng cười rất tốt nhưng cũng không nên lạm dụng thái quá. Vui đột ngột, vui quá mức như điên như dại thì “lạc cực sinh bi”, có thể làm cho tạng Tâm bị tổn thương, thần chí mất cân bằng, khí huyết bị rối loạn, thậm chí có thể làm chết người. Để chữa trị, Đông y thường áp dụng “kinh khủng liệu pháp” theo nguyên lý “khủng thắng hỷ”, lấy sự sợ hãi để tiết chế trạng thái phấn khích quá vui. Do vậy, những người già, người mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh nặng thì không nên để tâm trạng bị phấn khích quá.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại, guồng quay công việc bận rộn khiến nhiều người rất dễ bị stress. Áp dụng “hỷ lạc liệu pháp” có thể giải tỏa căng thẳng nhanh chóng. Ngoài ra, tiếng cười còn giúp không khí trong nhà luôn vui vẻ, từ đó gắn kết thêm tình thân trong gia đình vào những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022 này.