Khoảng 17h30 ngày 22/7, đoạn đê bối khu vực cống Cù Là, xã Hồng Vũ, tỉnh Hưng Yên (Thái Bình cũ) có hiện tượng tràn 300 m trên mặt đê do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực này có 42 hộ dân sinh sống.

Người dân tham gia khắc phục sự cố tràn bờ bao Cống Cù Là. Ảnh: Cổng thông tin điện tử xã Hồng Vũ.
Ngay lập tức, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên đã huy động 120 cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục, trong đó có 60 chiến sĩ thường trực, 60 dân quân tự vệ. UBND xã Hồng Vũ cũng khẩn trương huy động lực lượng, máy móc, vật tư, phối hợp đồng bộ, tổ chức ứng cứu và khắc phục sự cố ngay trong chiều cùng ngày.
Sáng 23/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã có báo cáo gửi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, khẳng định không xảy ra sự cố vỡ đê như một số thông tin đã đưa, mà là hiện tượng tràn bờ bao kênh dẫn tại xã Hồng Vũ.
Theo báo cáo, từ trưa 22/7, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến Hưng Yên với sức gió cấp 7-8, giật cấp 8-9, kèm theo mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được từ 19h ngày 20/7 đến 13h ngày 22/7 tại khu vực phía Bắc tỉnh phổ biến từ 40–80 mm, còn phía Nam từ 100–200 mm.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa; đến thời điểm 17h ngày 22/7/2025 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiệt hại về người, tuy nhiên, do mưa, gió mạnh, bão số 3 đã gây ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên tham gia khắc phục sự cố tràn bờ bao cống Cù Là. Ảnh: Cổng thông tin điện tử xã Hồng Vũ.
Do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, một số vị trí bờ bao ở các khu vực cửa sông, ven biển, khu vực thấp trũng cửa sông Hồng, sông Trà Lý và các bãi bồi ven sông bị tràn; trong đó có sự cố tràn bờ bao kênh Cù Là (nằm phía ngoài đê Tả Hồng Hà II), xã Hồng Vũ với tổng chiều dài các vị trí tràn 80m. Sự cố trên xảy ra tại bờ kênh dẫn, không phải tuyến đê bối và đê Hồng Hà II.
Báo cáo của Sở NN-MT tỉnh Hưng Yên cho biết, tính đến ngày 19/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được 94.640 ha/97.500 ha, đạt 97,1% kế hoạch; trồng được 8.457 ha rau màu Hè - Thu các loại. Diện tích trồng nhãn toàn tỉnh khoảng 5.800ha đang trong giai đoạn phát triển quả chuẩn bị cho thu hoạch.
Toàn tỉnh có 63 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê; các trọng điểm đã có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “Bốn tại chỗ”, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.
Từ 15h chiều ngày 22/7, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở các cống dưới đê, vận hành công trình thủy lợi hạ thấp mực nước trong hệ thống đề phòng mưa lớn gây ngập lụt, úng cho lúa và hoa màu, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị.
Khu vực phía Nam sông Luộc vận hành 23 trạm bơm với 116 máy bơm phục vụ công tác bơm tiêu úng gồm: Hệ thống Bắc Thái Bình vận hành 09 trạm bơm với 55 máy bơm; Hệ thống Nam Thái Bình vận hành 14 trạm bơm với 61 máy bơm.
Khu vực phía Bắc sông Luộc vận hành 77 trạm bơm với 207 tổ máy phục vụ công tác bơm tiêu úng gồm (Văn Giang 2TB 4 máy; Khoái Châu 1TB 3 máy; Văn Lâm 7TB 16 máy; Mỹ Hào 17 TB 33 máy; Yên Mỹ 2TB 5 máy; Ân thi 14TB 53 máy; Kim Động 11TB 37 máy; Thành phố 5TB 14 máy; Phù Cừ 12TB 21 máy; Tiên Lữ 6TB 21 máy).
Để chủ động, Sở NN-MT tỉnh Hưng Yên cho biết, khi mực nước sông xuống thấp (theo lịch thuỷ triều) sẽ tiến hành mở tối đa các cống để tiêu nước.