
Cá song bị nhiễm virus gây bệnh hoại tử thần kinh tại huyện Hải Hà. Ảnh: Đặng Vy
Giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời điểm giao mùa, nhiệt độ tăng nhẹ, độ ẩm cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh trên thủy sản, trong đó có cá biển nuôi lồng, phát triển nhanh chóng. Nhiều cơ sở nuôi tại tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tình trạng cá chết rải rác, bơi yếu, tróc vảy, lở loét.
Thực hiện Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 12/12/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phòng, chống dịch bệnh trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2025, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã tiến hành giám sát thực địa, lấy mẫu và đánh giá dịch bệnh tại các khu vực nuôi cá biển trọng điểm.
Đáng chú ý, tại thôn Cửa Hẹp (xã Cái Chiên, huyện Hải Hà), hiện tượng cá biển chết rải rác đã xuất hiện ở nhiều hộ nuôi. Cụ thể, hộ ông Đỗ Phúc Minh hiện đang nuôi 70 ô cá biển (gồm cá song, cá giò, cá chim biển, hồng mỹ, cá sủ), đã ghi nhận tình trạng cá song chết rải rác với tổng khối lượng khoảng 1 tấn. Đáng lo ngại, số cá này chưa qua kiểm dịch, nguồn giống mua từ Móng Cái.
Ngoài bè nuôi của ông Minh, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại hộ ông Cao Văn Chua, đang nuôi 70 ô cá biển. Mặc dù cá giống được mua từ Nha Trang, đã qua kiểm dịch, nhưng vẫn ghi nhận 25 ô cá song có dấu hiệu bệnh và chết rải rác, thiệt hại ước tính khoảng 1,2 tấn.
Qua giám sát, cán bộ Chi cục đã tiến hành thu mẫu, gửi Trạm Chẩn đoán bệnh động thực vật Quảng Ninh. Kết quả xét nghiệm (Phiếu số 31/CĐXN-CV ngày 12/4/2025) cho thấy 1/2 mẫu dương tính với virus gây bệnh hoại tử thần kinh (Viral Nervous Necrosis - VNN). Đây là loại virus nguy hiểm từng khiến nhiều vùng nuôi cá biển thiệt hại nặng nề trong các năm trước.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh kiểm tra bè nuôi cá tại TP. Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Thành.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu thiệt hại, ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng. Theo đó, người dân cần mua cá giống tại cơ sở được cấp phép, giống có kiểm dịch rõ ràng, cách ly cá mới thả để theo dõi trước khi nuôi chung.
Bên cạnh đó, theo dõi sức khỏe cá hằng ngày, hạn chế tác động gây xây xước, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn tấn công. Đối với môi trường nuôi, người dân cần khơi thông dòng chảy, tránh ô nhiễm cục bộ. Thức ăn cá tạp cần được thay thế bằng thức ăn công nghiệp, kết hợp bổ sung vitamin, tăng đề kháng.
Khi phát hiện cá có biểu hiện nhiễm bệnh, phải cách ly cá bệnh, điều trị kịp thời bằng cách dùng thuốc sát khuẩn, tắm cá, treo túi thuốc đầu nguồn… Cần bố trí khu nuôi cá khỏe và cá bệnh riêng biệt để tránh lây chéo.
Đặc biệt, tuyệt đối không dùng thuốc của người cho thủy sản. Tuân thủ danh mục thuốc được phép lưu hành, không dùng thuốc hết hạn, không rõ nhãn. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở hoặc cơ quan chuyên môn gần nhất để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Cũng theo ông Oanh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hoạt động nuôi trồng thiếu kiểm soát như hiện nay, dịch bệnh thủy sản không còn là chuyện may rủi mà là thách thức thường trực. Muốn nghề nuôi cá biển phát triển bền vững, người nuôi cần thay đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng bệnh, tăng cường giám sát và đặt yếu tố an toàn sinh học lên hàng đầu.