
Dự án hướng tới phát triển bền vững vùng trồng ớt ở Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nam.
Khởi động từ năm 2014, Dự án mở rộng vùng nguyên liệu ớt tại tỉnh Ninh Thuận, do Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp thực hiện, đã góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân tại thôn Tầm Ngân (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) thông qua hợp đồng trồng ớt với nông dân địa phương. Năm 2017, CJ chính thức khánh thành nhà máy chế biến nông sản Tầm Ngân, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt tại khu vực.
Sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, CJ tiếp tục đồng hành cùng nông dân trồng ớt bằng nguồn vốn khẩn cấp hơn 400 triệu đồng để sửa chữa nhà máy và hỗ trợ nông dân tái canh tác. Từ năm 2023, dự án đã bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, với sản phẩm ớt bột đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được đưa trở lại thị trường, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng nông sản địa phương.
Tính đến tháng 5/2025, nhiều hộ nông dân ở thôn Tầm Ngân đã quay trở lại trồng ớt sau giai đoạn gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Để nông dân yên tâm trồng ớt, CJ đã hỗ trợ miễn phí giống ớt, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho bà con tham gia trồng ớt. Phía KOICA đã cử tình nguyện viên và chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp đến khu vực Tầm Ngân để hỗ trợ dự án.
Nếu như trước đây, nông dân trồng ớt chỉ xuống giống 1 vụ/năm thì hiện nay, dự án đã thúc đẩy việc xuống giống 2 vụ/năm. Dự án ban đầu dự kiến trồng 3 ha ớt trong năm nay, nhưng sẽ tăng lên 5 ha do số lượng bà con đăng ký trồng lại tăng. Sản lượng ớt bột ước đạt 3,6-4 tấn.
Đặc biệt, sản phẩm ớt bột Ninh Thuận - sản phẩm “Vì cộng đồng”, đã chính thức quay lại các kệ hàng tại chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh và Co.op Mart, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khôi phục chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Trong giai đoạn 2024-2026, dự án đặt mục tiêu tái thiết và phát triển bền vững vùng trồng ớt. Bắt đầu từ tháng 7/2024, CJ và KOICA đã cam kết đồng hành với tổng mức hỗ trợ lên tới 4,2 tỷ đồng. Khoản đầu tư này sẽ tập trung vào việc mở rộng vùng trồng và tăng cường sự tham gia của nông dân thông qua hỗ trợ giống, phân bón và máy móc; đồng thời củng cố năng lực hoạt động cho hợp tác xã và nhà máy chế biến.
Đặc biệt, dự án cũng sẽ triển khai chương trình cử chuyên gia Hàn Quốc đến hỗ trợ kỹ thuật trong trồng trọt và sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của toàn chuỗi giá trị nông nghiệp địa phương.