| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn ha cao su bị rụng lá, khô cành

Chủ Nhật 20/04/2025 , 18:43 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Gần tháng nay, hàng ngàn ha cao su đang vào kỳ khai thác tại Quảng Bình bị héo khô lá, gây thiệt hại nặng.

Chị Phạm Thị Thanh Tình, công nhân đội 3 (Công ty cổ phần Lệ Ninh) đội nắng đi dọc hàng cây cao su nhặt mấy cái bát để cất vào nhà trú mưa. Nhìn từng hàng cao su đang mùa khai thác mủ héo quắt cành lá, trong nắng gắt, chị Tình nói buồn: “Gần 30 năm nay, tôi luôn đạt lao động giỏi, chiến sỹ thi đua về thành tích cạo mủ cao su của đơn vị. Nhưng năm nay thì chắc chắn là khó rồi. Dự báo thời tiết nắng nóng kéo dài nên vườn cao su khó mà hồi phục được”.

Hàng ngàn ha cao su của hai doanh nghiệp tại Quảng Bình bị hiện tượng rụng lá, khô lá, khô cành, phải tạm dừng khai thác. Ảnh: T. Đức.

Hàng ngàn ha cao su của hai doanh nghiệp tại Quảng Bình bị hiện tượng rụng lá, khô lá, khô cành, phải tạm dừng khai thác. Ảnh: T. Đức.

Héo rụng lá rồi đến khô cành

Từ giữa tháng 3 đến nay, rừng cao su đang trong độ tuổi sung sức và đưa vào khai thác chính của Công ty cổ phần Lệ Ninh (trụ sở tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bị hiện tượng đổ lá, khô lá lan nhanh trên diện rộng.

Anh Lê Thanh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Lệ Ninh cho hay, hằng năm, cây cao su rụng lá vào khoảng tháng 2 đến tháng 3. Sau đó cây lên chồi non, phát triển lá chuyển từ màu xanh non sang xanh sẫm trong vòng một tháng thì bắt đầu vào vụ khai thác mủ.

“Bất thường của năm nay là khi cây lên lá non đến giai đoạn sẫm màu thì xảy ra hiện tượng lá xanh rụng trơ cành. Những cây không rụng lá thì lá cứ héo quắt và khô trên cành. Qua kiểm tra thực tế ở những cây bị khô lá, các cành nhỏ cũng bị khô dần”, anh Hùng lo lắng.

Giữa trưa nắng, chúng tôi lên rừng cao su của đội sản xuất số 3 (Công ty cổ phần Lệ Ninh). Đây là vùng đồi cao, những rừng cao su trơ trọi lá, chỉ còn những cành khẳng khiu đan xen nhau dưới nắng gắt. Chị Phạm Thị Thanh Tình xách xô nhựa đi dọc hàng cây rồi dừng một lát để lấy những bát sành dùng để hứng dòng nhựa chảy ra từ thân cây.

"Hàng năm, khi cây cao su sẫm lá thì chúng tôi rải bát, sau đó làm máng và cạo thân cây cho dòng nhựa chảy ra. Nhưng năm nay thì khó rồi. Chưa biết đến lúc nào mới trở lại khai thác nhựa vì cây đã hai lần rụng lá, lại thêm bị khô cành. Khi cây cao su trơ lá, lại gặp mùa hè nhiệt độ cao sẽ làm cho cây yếu sức, khô ngọn, dẫn đến việc phải dừng khai thác dài lâu. Công nhân chúng tôi lo lắm”, chị Tình nói.

Hiện tượng lá cao su bị rụng khi lá vẫn còn màu xanh xảy ra tại Công ty cổ phần Lệ Ninh. Ảnh: T. Đức.

Hiện tượng lá cao su bị rụng khi lá vẫn còn màu xanh xảy ra tại Công ty cổ phần Lệ Ninh. Ảnh: T. Đức.

Cũng theo chị Tình, gia đình chị nhận khoán chăm sóc, khai thác cho công ty khoảng 2.500 cây cao su trưởng thành (diện tích khoảng 4ha). Hàng năm, gia đình chị nộp sản lượng cho công ty hơn 8 tấn mủ khô và được trả lương cùng các khoản thu nhập khác được hơn 150 triệu đồng.

Theo anh Lê Thanh Hùng, hiện tượng rụng lá, khô lá, khô cành cây cao su của công ty xảy ra từ những ngày cuối tháng 3/2025 và bắt đầu bùng phát, lây lan mạnh từ ngày 6/4. Khi cao su rụng lá đúng chu kỳ và ra bộ lá mới thì lá mới bị rụng. Qua kiểm tra, những lá mới bị rụng không bị tác động đổi màu lá hay bị sâu cắn làm thay đổi lá, cuống lá.

“Hiện diện tích vườn cây cao su của công ty bị hiện tượng rụng lá, khô lá, khô cành khoảng 1.000ha, trong đó khoảng 80% (khoảng 800ha) bị nặng với tỷ lệ từ 70% số cây trở lên, có nhiều lô 100% cây cao su bị hiện tượng trên. Theo kinh nghiệm và nghiên cứu tài liệu, chúng tôi chẩn đoán đây là bệnh mới trên cây cao su mà hàng chục năm qua chưa ghi nhận xảy ra lần nào tại đơn vị”, anh Hùng cho hay.

Sau khi héo khô lá, cành cao su cũng bị khô dần. Ảnh: T. Đức.

Sau khi héo khô lá, cành cao su cũng bị khô dần. Ảnh: T. Đức.

Như bị bão lớn quét qua

Tại Công ty cổ phần Việt Trung (trụ sở tại huyện Bố Trạch) cũng đang lâm vào tình trạng thất thu, đình trệ sản xuất vì vườn cao su bị bệnh rụng lá, khô héo lá.

Anh Dương Chí Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Trung và anh Dương Hồng Sinh, Phó Trưởng phòng Kinh doanh - Kỹ thuật của công ty dẫn chúng tôi đến những rừng cao su thuộc đội Quyết Thắng, nơi có nhiều diện tích cao su bị rụng lá, khô héo lá gần như hoàn toàn. Những con đường được đổ nhựa chạy xuyên qua những rừng cao su chỉ còn trơ cành hay lá đã khô quắt còn treo chưa rụng xuống. “Đây là diện tích cao su trồng năm 2012 và bị trận bão lớn vào năm 2013 tàn phá. Sau đó chúng tôi phục hồi và cao su đã được đưa vào khai thác từ năm 2020”, anh Bình cho hay.

Cũng theo anh Bình, hàng năm, hiện tượng cây cao su vừa mới ra lá non thì đột ngột héo quắt cũng đã có xảy ra nhưng chỉ dừng lại ở mức từ 1 - 5%, năm cao nhất cũng chưa tới 10%. Vì vậy đơn vị đã ưu tiên chăm sóc nên cây đã phục hồi, đưa vào khai thác. “Năm 2025 này là năm đầu tiên công ty gặp phải hiện tượng lá non bị rụng, héo bất thường trên cây cao su với tỷ lệ trên 70% (trong đó 50% diện tích bị thiệt hại nặng), cao gấp nhiều lần so với các năm trước đây. Vì vậy công ty phải tạm dừng sản xuất để triển khai việc phục hồi cho cây”, anh Bình nói thêm.

Chị Phạm Thị Thanh Tình: 'Không biết đến khi nào cây cao su phục hồi để đưa vào sản xuất'. Ảnh: T. Đức.

Chị Phạm Thị Thanh Tình: “Không biết đến khi nào cây cao su phục hồi để đưa vào sản xuất”. Ảnh: T. Đức.

Anh Bình dùng tay kéo một cành cao su khô để kiểm tra. Cành cao su này lá đã khô quắt nhưng chưa rụng. Anh Bình thử bẻ cành thì phát hiện nó đã bị khô. Nhìn rừng cao su trơ hết lá và nhiều cây đã bị khô cành, anh Bình đánh giá việc cây hồi phục, đâm chồi sẽ gặp bất lợi.

Trước đây khi cây bị rụng lá với tỷ lệ thấp thì vào những thời gian nắng nóng, cây trụi lá cũng được che bóng mát của những cây cành lá sum suê bên cạnh. Nhưng nay cả rừng cao su như phơi dưới nắng dẫn đến bị khô hạn nhanh, thân, vỏ cây bị nắng đốt dẫn đến cây suy kiệt nhanh hơn. Bài toán cho cây phục hồi trong mùa nắng nóng đang đến cũng khó tìm được lời giải.

Theo kế hoạch, bước vào đầu tháng 4/2025, toàn bộ hơn 1.100ha cao su của Công ty cổ phần Việt Trung sẽ đưa vào khai thác mủ. Tuy nhiên, hơn 70% diện tích cao su nói trên vừa mới ra lá non thì đột ngột héo quắt, khiến việc khai thác mủ của hơn 300 công nhân công ty bị ngưng trệ.

“Việc sản xuất kinh doanh của chúng tôi bây giờ sẽ tùy thuộc vào sức phục hồi của rừng cao su. Trong khi việc cây phục hồi ra sao cũng đang là bài toán khó và chưa thể biết kết quả, nhất là trong điều kiện mùa nắng nóng đang tới”, anh Bình lo lắng.

Theo tính toán của 2 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng dừng khai thác mủ cao su sẽ dẫn đến thất thu sản lượng khoảng 350 tấn mủ, tương đương 17 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng 550 lao động lâm vào tình cảnh không có việc làm, mất thu nhập chính.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 3] Nuôi gà Đông Tảo thuần chủng

Tây Ninh Gà Đông Tảo từng được xem là gà 'tiến vua', tại xã biên giới Tân Hà, anh Nguyễn Thế Thao đang trở thành tâm điểm chú ý khi nhân nuôi thành công giống gà này.

Hợp tác nhiều bên phòng chống hiệu quả bệnh dại

5 năm qua, sự hợp tác giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, chủ nuôi, cộng đồng… đã tạo nên thành công trong phòng chống bệnh dại ở Đức Huệ, Long An.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.