Mấy người bạn ở xa cũng điện thoại hỏi thăm rối rít, khi thấy tôi trả lời với giọng tỉnh rụi, bạn ngạc nhiên vô cùng. Tôi bảo: “Họ chỉ đưa mọi thứ vào bên trong để làm chứ có cắt xẻ da thịt chi đâu!”. Nghe tôi “giảng giải" nhưng bạn vẫn chưa hiểu ra, một người bạn đề nghị: “Hay là ông viết luôn một bài báo thì may ra bọn tôi mới “vỡ vạc” được ít nhiều?”. Tôi gật.
Cũng chả phải ngoa đâu ạ: Đây là lần thứ ba tôi “thử” cái “trò” ERCP này đấy! Lần thứ nhất cách nay một năm lấy sỏi trong ống mật chủ. Lần thứ hai cách nay nửa năm đặt ống nhựa thông mật (stent) vì ống mật chủ bị hẹp. Còn đây là lần thứ ba có cùng mục đích như lần thứ hai.
Tiếp cận với ERCP
Cũng xin được nói trước rằng, từ chục năm nay, kể từ khi các bộ phận trong ổ bụng (như gan, mật, tụy…) có vấn đề thì tôi lên xuống, qua lại với BV Đa khoa Lâm Đồng và BV Chợ Rẫy giống như… đi chợ. Nhè nhẹ thì ở Lâm Đồng. Còn quá cỡ thợ mộc thì chuyển viện xuống Chợ Rẫy. Hơn một năm trước đây, tôi lại được chuyển viện từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng xuống Bệnh viện Chợ Rẫy vì trong ống mật chủ của tôi có chuyện khó xử lý. Xuống Chợ Rẫy, tôi gặp ngay bác sỹ Nguyễn Phước Hưng (người đã “xẻ bụng” tôi để lấy sỏi đầu tuỵ) để nhờ tư vấn.
Bác sỹ Hưng bảo: “Kết quả siêu âm cho thấy trong ống mật chủ của anh có sỏi. Hiện, kỹ thuật nội soi ngược dòng can thiệp là kỹ thuật tiên tiến nhất. Kỹ thuật này còn gọi là kỹ thuật ERCP. Tôi chuyển anh xuống bộ phận này nhé?”. Trong cơn đau, tôi gật, mặc dầu thú thật rằng đây là lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm ERCP. Vả lại, thực tình mà nói thì tôi cũng muốn biết nội soi ngược dòng can thiệp – ERCP – là kiểu nội soi như thế nào. Tôi được chuyển xuống lầu một, khoa Nội soi, bộ phận Nội soi can thiệp.
Tại đây, tôi được các bác sỹ giải thích, và hiểu đại khái rằng: Cũng là nội soi nhưng phương pháp ERCP không giống như mổ nội soi thông thường, nghĩa là không phải đục một cái lỗ từ bên ngoài vào chỗ bộ phận muốn mổ (thay cho mổ hở như trước đây). Làm ERCP chỉ cần đưa cái ống cùng những dụng cụ cần thiết vào bên trong theo đường tiêu hóa rồi lần sang các ống mật, tuỵ… để xử lý (đặt ống thông, cắt bỏ khối u, tán sỏi, lấy sỏi…). Vài hôm sau, tôi được đưa lên bàn X quang. Ca phẫu thuật chỉ thực hiện trong vòng trên dưới ba mươi phút. Ở lần ERCP đầu tiên này, thuốc tê đã làm cho tôi “mê” luôn nên chưa kịp hiểu rõ ERCP là gì. Nhưng đến lần hai và bây giờ đã qua lần ba rồi, chuyện đã khác hơn…
Kỹ thuật ERCP là...
Lần thứ ba này, cầm giấy chuyển viện của BV Đa khoa Lâm Đồng xuống Chợ Rẫy, tôi được BS Trí ghi vào giấy: “Đề nghị nhập viện thứ hai ngày 28.4.2008. Kháng sinh phòng ngừa trước khi thủ thuật”. Y hẹn tôi đến. Lần này, tôi được các BS ở Khoa Nội soi của BV Chợ Rẫy giảng giải khá kỹ: ERCP là viết tắt của cụm từ “Endoscopic Retrograde Cholanghio Pancreatography”, có nghĩa là “chụp mật tuỵ ngược dòng qua nội soi”. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách bơm chất cản quang vào đường mật và đường tuỵ để BS nhìn một cách chi tiết hình ảnh X quang đường mật và đường tuỵ để chẩn đoán chính xác bệnh và đưa ra quyết định đúng trong điều trị các bệnh như sỏi mật, ống mật bị tắc, giun chui ống mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tuỵ cấp…
Giống như hai lần trước, ở lần thứ ba này, tôi lại được chuyển lên bàn X quang và BS Dũng làm tê họng của tôi bằng thuốc tê. Tiếp đến, ông đưa máy nội soi (hình chiếc ống dài ngoằng) vào đường miệng đi xuống. Đến lúc đầu ống chạm tới chiếc dạ dày đang rỗng (phải nhịn ăn từ đêm hôm trước) thì tôi… mê (mê man). Lúc tỉnh dậy, mọi việc đã xong. Có nghĩa là ống thông (stent) đường mật cũ đã được lấy ra và ống mới vừa được thay vào. BS Dũng nói: “Lần này tôi thay cho anh cái stent có kích thước lớn hơn cái stent cũ. Còn về tuổi thọ của nó thì cũng thế, nghĩa là từ ba đến sáu tháng phải thay lại”.
Tôi ngầm hiểu như thế có nghĩa là mình còn phải “đi lại” với chốn này rất nhiều lần nữa. Và như thế thì dĩ nhiên là sự tốn kém ắt phải không nhỏ. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chính ta cần phải hiểu bệnh của bản thân để còn tìm cách “sống chung” với nó. Rồi nữa, qua chuyến “nghỉ lễ” ở Chợ Rẫy lần này, tôi còn được biết thêm là thủ thuật ERCP còn được áp dụng cả với những trường hợp cấp cứu. Bởi lẽ, hôm được bác sỹ Trí hẹn ngày nhập viện, tôi đề nghị: “Thưa BS, tôi muốn thực hiện đặt stent trong ống mật chủ sớm hơn vài ngày được không ạ?”, thì BS nói ngay: “Lịch của chúng tôi đã kím cả rồi. Trừ trường hợp anh là bệnh nhân cấp cứu!”. “Ồ, hóa ra đặt stent cũng được áp dụng trong trường hợp cấp cứu?”. “Vâng, đúng thế!”. Cứ theo lời BS Trí thì đó là các trường hợp cần phải xử lý ngay bởi bị giun chui trong ống mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tuỵ cấp do sỏi kẹt ở nhu water, chảy máu đường mật gây tắc mật…
Hiện tại ở Việt Nam, các BV tuyến tỉnh hầu hết chưa được trang bị phương tiện kỹ thuật để tiến hành thủ thuật ERCP như máy nội soi OLYMPUS TJF cho hình ảnh rõ nét được truyền hình lên hệ thống monitor, máy X quang tăng sáng truyền hình hiệu TOSHIBA mode FLUOREX cho hình ảnh rõ nét được truyền lên hệ thống monitor… Đó là chưa kể đội ngũ con người… Bởi vậy, qua nhiều lần nằm điều trị ở Khoa Gan – mật – tuỵ của BV Chợ Rẫy, tôi từng chứng kiến cảnh BS khám xong cái bụng trương phình và bủng beo của nạn nhân đưa từ tận rừng sâu về, đã phải “lạnh lùng” nói với người nhà rằng: “Thế được rồi nhé! Đưa bệnh nhân về và cố gắng “bồi dưỡng” cho ông ấy (hoặc bà ấy)!”.
Nghe những câu nói đại loại như thế, tôi chạnh nghĩ đến những con người đang ở vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên vừa hiểu biết hạn chế về bệnh tật, vừa nghèo và cũng vừa phải đi lại khó khăn như người ở Đầm Ròn hoặc Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng chẳng hạn. Chắc chắn ở những vùng sâu vùng xa như thế, đã từng có người phải chết một cách oan uổng vì không biết đến một kỹ thuật hiện đại – ERCP – mà nếu được can thiệp kịp thời khi cấp cứu, thì những người xấu số ấy sẽ được xoay chuyển “số phận” của họ theo hướng tích cực. Và cũng vì vậy, với bài viết nhỏ này, tôi muốn cung cấp một chút hiểu biết nào đó về kỹ thuật ERCP cho những ai thực sự chưa hiểu về nó để có thể đưa ra quyết định kịp thời khi bản thân hoặc người nhà “vướng” vào hệ luỵ của những căn bệnh về mật, về tuỵ.