
Lễ khánh thành dây chuyền sản xuất hộp giấy dành cho rau quả dầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.
Sáng 2/7, tại xã Mai Sơn (tỉnh Sơn La), Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tổ chức lễ khánh thành dây chuyền đóng hộp giấy công nghệ Thụy Điển đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình nâng tầm nông sản chế biến và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự lễ khánh thành có nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh.
Về phía tỉnh Sơn La có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lò Minh Hùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Dẫn đầu bằng công nghệ
Dây chuyền mới được Doveco đầu tư hợp tác cùng Tetra Pak Việt Nam, ứng dụng công nghệ Tetra Recart trị giá 4 triệu USD. Đây là hệ thống hiện đại nhất hiện nay dành cho rau quả chế biến, sử dụng bao bì giấy có thể kéo dài hạn dùng mà không cần chất bảo quản hoặc bảo quản lạnh. Sản phẩm đầu ra giữ nguyên hương vị, màu sắc và giá trị dinh dưỡng, điều mà các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU luôn đòi hỏi khắt khe.

Các đại biểu tham quan dây chuyền bên trong nhà máy. Ảnh: Tùng Đinh.
Với công suất lên tới 6.000 hộp/giờ, công nghệ này giúp giảm thiểu chi phí bao bì, năng lượng, nhân công và đặc biệt giảm lượng rác thải ra môi trường. “Chúng tôi không đầu tư cho hiện tại, mà cho tương lai nông sản Việt”, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Doveco khẳng định.
Doveco từng hợp tác cùng Tetra Pak Thụy Điển từ năm 2002 để xây dựng dây chuyền dứa cô đặc tại Ninh Bình. Sau hơn 20 năm, dây chuyền này vẫn vận hành ổn định và đóng góp lớn cho việc chinh phục thị trường quốc tế. Thành công đó là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục đặt niềm tin vào bước tiến lớn hơn tại Sơn La nơi đang chuyển mình mạnh mẽ về nông nghiệp.
Sau khi lắp đặt, lô hàng ngô ngọt đóng gói bằng công nghệ Tetra Recart đã được xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, thị trường được đánh giá là khó tính bậc nhất, mở ra cánh cửa rộng lớn cho nông sản Tây Bắc.
Thúc đẩy chính sách - Củng cố mô hình mẫu
Không chỉ là một doanh nghiệp chế biến nông sản, Doveco còn được nhìn nhận là hạt nhân thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp. Từ những cánh đồng ngô, đậu tương từng “mặc kệ” vì không bán được, giờ đây hàng nghìn nông dân trong tỉnh đã có đầu ra ổn định, không còn nỗi lo “được mùa mất giá”.

Anh Hoàng Quốc Việt đặt trọn niềm tin vào liên kết với Doveco. Ảnh: Tùng Đinh.
Anh Hoàng Quốc Việt, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hữu cơ Trung Hiếu, một trong những đơn vị liên kết với doanh nghiệp từ năm 2017, chia sẻ: “Chúng tôi hiện có hơn 800 ha liên kết trồng ngô ngọt và đậu tương, sản lượng mỗi năm cung cấp cho Doveco khoảng 6.000 tấn ngô và 3.000 - 5.000 tấn đậu tương rau. Nhờ giá thu mua ổn định, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng/ha/năm".
Người nông dân giờ không còn lo sản phẩm sẽ bán cho ai, giá bao nhiêu, cụm từ “giải cứu” dần bị quên lãng. Đó chính là giá trị của liên kết chuỗi mà nhà máy Doveco đóng vai trò trung tâm, nơi tập hợp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đưa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ niềm vui trước những bước tiến mới của các doanh nghiệp chế biến sâu, phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.
Tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đánh giá cao bước đi chiến lược của Doveco, khẳng định doanh nghiệp đang đi đúng định hướng của Bộ trong phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025, 2030, gắn với chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao.
“Doanh nghiệp nào nắm được vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư công nghệ hiện đại thì sẽ làm chủ thị trường", Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng kêu gọi các địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng, tập trung phát triển các loại cây có thế mạnh, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.

Các sản phẩm nông nghiệp cần phải tổ chức theo hướng hàng hóa mới thu lại được hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tùng Đinh.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho rằng thành công của Doveco chính là minh chứng rõ nét cho chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ, tổ chức lại sản xuất của tỉnh.
“Trước đây, vùng đất này chủ yếu trồng ngô, sắn, giá trị thấp, tiêu thụ khó khăn. Nhờ có doanh nghiệp như Doveco vào đầu tư chế biến và bao tiêu sản phẩm, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn quả, rau củ có giá trị, sản xuất an toàn, từng bước thoát nghèo và làm giàu", ông Công nói.
Doveco hiện sở hữu ba trung tâm chế biến lớn tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La. Tất cả đều được đầu tư hiện đại, đạt chứng nhận quốc tế và sản phẩm được ưa chuộng tại hơn 50 quốc gia. Ông Đinh Cao Khuê cho biết, hiện nay nhu cầu thị trường đang vượt quá khả năng cung ứng, doanh nghiệp buộc phải mở rộng quy mô và vùng nguyên liệu để đáp ứng đơn hàng.