Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times tổ chức với sự tham gia của hơn 20 diễn giả và đông đảo đại biểu đến từ các Bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp.

Nhiều chia sẻ được các diễn giả đưa ra để giải "bài toán" hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững. Ảnh: Phạm Oanh.
“Xanh hóa” – điều kiện tiên quyết để ngành công nghiệp hội nhập
Sau hơn ba thập kỷ công nghiệp hóa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế với ngành công nghiệp đóng góp khoảng 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và trở thành động lực chính tạo việc làm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường và sử dụng tài nguyên.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển đổi theo hướng xanh - sạch - tuần hoàn, Việt Nam đứng trước yêu cầu bắt buộc phải tái định hình chiến lược phát triển công nghiệp. Nếu không kịp thời thích ứng, quốc gia có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển bền vững toàn cầu.
Đáng chú ý, trong khi các lĩnh vực như năng lượng và giao thông xanh đã bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ, thì công nghiệp xanh - vốn là trụ cột sản xuất quốc gia - vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết Net Zero đến năm 2050.
Các nghiên cứu cho thấy, khu công nghiệp xanh có thể giúp tăng năng suất lao động từ 15–25% nhờ áp dụng công nghệ cao, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân sự chất lượng. Đồng thời, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt tiếp tục tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Samsung, Nike… đều đặt Bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững (ESG) và Net Zero là tiêu chí bắt buộc khi lựa chọn đối tác.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, xu thế chuyển đổi xanh – bền vững cũng đang có những thay đổi khó lường. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Netzero vào 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.
Định nghĩa lại về khái niệm "phát triển bền vững"
Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 hướng tới 4 mục tiêu chính là: Tái định nghĩa khái niệm tăng trưởng xanh trong công nghiệp, làm rõ cách thức áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững vào thực tiễn sản xuất công nghiệp của Việt Nam; Phân tích sâu sắc về xung đột và tiềm năng hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng cao và yêu cầu phát triển bền vững, từ đó tìm ra con đường cân bằng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam;
Đồng thời, đề xuất các mô hình tăng trưởng bền vững cụ thể và khả thi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam trong giai đoạn mới – Trong đó, mô hình các khu công nghiệp thế hệ mới đang nổi lên như một hạ tầng tuần hoàn lý tưởng nhất. Và, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp xanh một cách thực chất và hiệu quả.
Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần một chiến lược phát triển công nghiệp vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, vừa tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững ngày càng khắt khe. Giải pháp không phải là đánh đổi mà là hài hòa - bằng cách áp dụng công nghệ xanh, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, đổi mới mô hình sản xuất và xây dựng hệ thống thu gom - tái chế chất thải công nghiệp hiệu quả.
Đặc biệt, các chuyên gia đã bàn thảo sôi nổi để định nghĩa lại về khái niệm "phát triển bền vững" theo một cách tiếp cận mới, đó là chấp nhận sử dụng tài nguyên với mức độ tối ưu, hiệu quả và có trách nhiệm, gắn liền với cơ chế thị trường và tạo dư địa phát triển dài hạn.