Đất đai "hồi sinh", năng suất vượt xa kỳ vọng
Huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương nằm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, có đặc điểm đất nhiễm phèn nặng, địa hình trũng. Nhiều năm qua, canh tác nông nghiệp, nhất là việc trồng lúa của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, nơi đặt Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp tại xã Kiến Bình (thuộc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An) được xem như “mỏ phèn” của tỉnh.
Những cán bộ gắn bó lâu năm tại đây cho hay, Trại từng được gọi là “trạm chua phèn” – cái tên phản ánh đúng thực trạng khắc nghiệt của thổ nhưỡng. Trong đó, có một khu vực khoảng 0,8ha là nơi triển khai thực nghiệm và trình diễn các mô hình canh tác lúa nhưng nhiều năm qua, năng suất lúa chỉ lẹt đẹt 1 - 2 tấn/ha.

Nhiều năm qua, canh tác lúa tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Kim Anh.
Ông Dương Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An bộc bạch: “Trồng lúa ở đây ngày trước chủ yếu để giữ niềm tin, bởi mức độ nhiễm phèn cao. Trại được bao quanh bởi hệ thống đê bao khiến việc xả phèn gặp khó khăn. Cây lúa nếu vượt qua được giai đoạn mạ, đến lúc trổ bông và vào hạt tỷ lệ lép cũng rất cao, năng suất vị thế rất thấp”.
Trước thực trạng trên, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần hữu cơ sinh học Phương Đông triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM nhằm cải tạo đất, phục hồi môi trường sinh thái và hỗ trợ sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải.
Vụ đông xuân 2024 - 2025, lần đầu tiên chế phẩm vi sinh được đưa vào cánh đồng 11,8ha tại Trại nghiên cứu, trong đó có 2,5ha làm đối chứng. Giống lúa được sử dụng là nếp IR4625, canh tác bằng phương pháp sạ hàng, quản lý nước bằng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ kết hợp phun chế phẩm vi sinh định kỳ.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chỉ phun khi sâu, rầy vượt ngưỡng kinh tế.

Vùng đất được xem là "rốn phèn" ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh (Long An) nay đã đổi khác, trồng lúa rất được mùa. Ảnh: Kim Anh.
Ông Trần Minh Tâm – Trưởng trại nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi triển khai 3 mô hình, mô hình 1 sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý cả hạt giống và phun vi sinh định kỳ 6 lần/vụ; mô hình 2 chỉ phun vi sinh mà không xử lý giống; mô hình 3 là ruộng đối chứng không sử dụng chế phẩm. Mục đích là đánh giá hiệu quả riêng lẻ của chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM theo từng điều kiện canh tác cụ thể”.
Kết quả thu được rất khả quan. Nước trong ruộng sử dụng chế phẩm vi sinh trở nên trong hơn, không còn rong nhớt, rong meo, cỏ dại cũng hạn chế phát sinh. Đặc biệt, bộ rễ lúa phát triển mạnh, dài và nhiều rễ con. Cây lúa sinh trưởng khỏe, lá đứng, dày bản, nhờ đó hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, bông lúa phát triển đều, hạt chắc, ít lép.
Về năng suất, ruộng được xử lý bằng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM đạt gần 7,3 tấn/ha, vượt trội so với ruộng đối chứng (sản xuất theo phương pháp truyền thống, chỉ đạt 6,6 tấn/ha). Đặc biệt, giá thành sản xuất cũng giảm gần 1.000 đồng/kg, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 6,1 – 6,7 triệu đồng/ha.

Bà con nông dân và cán bộ khuyến nông đánh giá cao khả năng cải tạo đất, hạ phèn của chế phẩm vi sinh. Ảnh: Kim Anh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An phấn khởi cho biết, trong diện tích thử nghiệm, có khoảng 0,8ha nằm ngay “rốn phèn”, trước đây năng suất lúa chưa từng vượt mức 3,5 tấn/ha. Tuy nhiên, trong vụ thử nghiệm này, lần đầu tiên năng suất đạt 6,8 tấn/ha – kết quả vượt xa kỳ vọng của cả ngành khuyến nông lẫn bà con nông dân.
Niềm tin vào đất
Trồng lúa trên vùng đất phèn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với nông dân Tân Thạnh. Nhưng bà con vẫn quyết tâm duy trì và bám trụ với cây lúa. Bởi hơn ai hết, họ có niềm tin rằng mảnh đất này có thể “hồi sinh” nếu được cải tạo đúng cách. Chính niềm tin đó đã thôi thúc bà con không ngại thử nghiệm nhiều giải pháp để cải tạo đất, hạ phèn.
Nông dân có thâm niên trồng lúa trong vùng cho biết, đo là vùng trũng phèn, trước kia muốn trồng lúa phải bón nhiều lân, rải vôi, làm đất rất cực mà vẫn không ăn thua. Bây giờ sử dụng chế phẩm vi sinh, đất dễ chịu hơn nhiều. Nước phèn đưa vào ruộng chỉ 3 ngày sau khi xử lý chế phẩm là tan hết. Lúa lên đều, ít bệnh, đỡ phân, thuốc.

Sử dụng chế phẩm vi sinh giúp môi trường đất – nước trong ruộng được cải thiện, lượng chất hữu cơ trong đất tăng lên, vi sinh vật có lợi phát triển, hạn chế nấm bệnh trong đất, nhờ đó cây lúa phát triển tốt. Ảnh: Kim Anh.
Với nông dân, cái được lớn nhất không chỉ là có thêm vài triệu đồng lợi nhuận, mà là cảm giác an tâm khi bước xuống đồng ruộng. Sự hồi sinh ấy, dù bắt đầu từ một mô hình nhỏ nhưng đã mở ra hướng đi lớn cho vùng Đồng Tháp Mười. Đó không chỉ là chuyện cải tạo đất hay tăng năng suất mà còn là sự thay đổi trong tư duy canh tác, không phụ thuộc vào hóa học, đồng hành cùng nhau để sản xuất nông nghiệp bền vững.
Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, lúa ở Tân Thạnh có thể phát triển tốt ngay cả trên nền đất từng được xem là khó canh tác nhất. Nhiều nông dân trực tiếp tham gia mô hình chia sẻ: Trước đây làm vụ nào cũng thấp thỏm vì cây lúa dễ đổ ngã, phèn ăn rễ khiến lúa tím lá, năng suất kém. Nhưng vụ này lá xanh, bông đều, ít sâu rầy, ít phải phun thuốc, đỡ tốn chi phí.
Sau khi đánh giá hiệu quả bước đầu, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An đã tổ chức hội thảo chuyên đề về ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác lúa.
Nhiều nông dân, HTX từ các huyện lân cận cũng tham gia và bày tỏ sự quan tâm đến khả năng ứng dụng rộng rãi mô hình trong thời gian tới. Điều này cho thấy khi được nghe, hiểu và ứng dụng thực tế, chính bà con nông dân sẽ trở thành “vệ tinh” quan trọng đưa những kiến thức và kỹ thuật của ngành khuyến nông vào thực tiễn.

Việc sử dụng chế phẩm vi sinh sẽ giúp sản xuất lúa gạo đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp phát thải thấp. Ảnh: Kim Anh.
Ông Dương Văn Tuấn cho biết thêm, mô hình sẽ tiếp tục được triển khai ở vụ hè thu 2025. Trong đó tập trung vào giai đoạn sau thu hoạch để xử lý rơm rạ, cỏ dại và lúa lộn tồn dư. Việc này không chỉ giúp cải thiện đất trước khi vào vụ mới mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm từ việc đốt rơm rạ ngoài đồng.
“Chúng tôi kiến nghị Công ty Phương Đông – đơn vị cung cấp chế phẩm nghiên cứu thêm các dòng chế phẩm vi sinh phù hợp để phối hợp xử lý bệnh hại, giúp nông dân dễ dàng sử dụng hơn. Việc phân chia rõ ràng từng loại chế phẩm vi sinh sẽ thuận tiện cho nông dân hơn khi chọn lựa và ứng dụng theo nhu cầu” ông Tuấn nhấn mạnh.
Từ những thành công bước đầu, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An đặt mục tiêu từng bước mở rộng phạm vi ứng dụng chế phẩm vi sinh sang các khu vực khác trong tỉnh và những nơi có điều kiện tương tự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp phát thải thấp.