| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lúa hiện đại, thông minh bậc nhất ĐBSCL

Thứ Năm 17/11/2022 , 10:20 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP 'Cánh đồng thông minh' Mỹ Đông 2 ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã trở thành thương hiệu của Đồng Tháp bởi sự hiện đại, thông minh bậc nhất ĐBSCL trong canh tác lúa.

Trong vụ lúa thu đông vừa qua, ông Võ Hoàng Thân, nông dân ở ấp Đông Giang A, xã Đông Bình, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) có 5ha lúa đều thuê máy bay không người lái (Drone) phục vụ cho đồng ruộng ở 3 khâu: Phun giống gieo sạ, phun phân và phun thuốc BVTV… Cuối vụ, sau khi trừ hết các chi phí, gia đình ông lãi từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/công (1.000m2).

Empty

Nông dân HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông sử dụng Drone gieo giống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Thân phấn khởi chia sẻ: Làm ruộng hơn 27 năm nay, đây là năm đầu tiên được ngành nông nghiệp huyện giới thiệu các dịch vụ Drone phun giống, phun phân và phun thuốc BVTV, giúp nông dân hạn chế tiếp xúc với chất hóa học, không dẫm đạp lên cây lúa và máy bay có độ chính xác cao trong phun phân và phun thuốc BVTV. Đặc biệt, rải phân bằng Drone tạo sự đồng đều lượng phân được bón trên đồng ruộng, đây là công nghệ mới giúp nông dân tiết giảm chi phí, thời gian và công lao động khá lớn so với bón phân bằng tay.

Riêng phun thuốc BVTV, mỗi lần máy có thể mang 40 lít dung dịch. Thông qua hoạt động trình diễn tại mô hình, đã giúp nông dân tiếp cận các thiết bị, máy móc và công nghệ mới, cũng như tận mắt chứng kiến khả năng hoạt động của chúng trên đồng ruộng, từ đó mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến này vào sản xuất.

Theo ông Thân, đối với bón phân và sạ lúa bằng Drone, mỗi lần máy có thể mang một lượng phân bón và lúa giống từ 40 - 45kg. Với lượng phân bón sử dụng khoảng 150kg/ha/đợt cho lúa, máy chỉ mất thời gian khoảng 15 phút, giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với bón phân thủ công bằng tay.

Nhiều năm qua, mô hình “Cánh đồng thông minh Mỹ Đông 2” ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã trở thành thương hiệu của Đồng Tháp bởi sự hiện đại, thông minh trong canh tác lúa, gắn với ứng dụng công nghệ số trên đồng ruộng.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông cho biết: Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 có gần 600ha, được xem là mô hình sản xuất lúa hiện đại nhất khu vực ĐBSCL với những tính năng vượt trội như: Điều khiển sản xuất bằng điện thoại thông minh để theo dõi sâu bệnh, phun thuốc, bón phân bằng Drone, điều khiển bơm tưới từ xa, cơ giới hóa toàn bộ các khâu thu hoạch lúa trên đồng...

Nhờ áp dụng công nghệ số, năng suất lúa ngày càng được nâng lên, trong đó hơn 2/3 diện tích lúa đều sản xuất giống và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường bên ngoài 900 đồng/kg.

Hiện nay, vụ lúa đông xuân sớm 2022 - 2023 ở huyện Tháp Mười đang triển khai xuống giống. Đang ngồi trên bờ kênh chờ “biệt đội máy cấy” đến cấy lúa cho ruộng nhà mình, ông Lê Văn Hậu, thành viên HTX Mỹ Đông 2 vui vẻ chia sẻ: “Giờ làm ruộng khỏe re, quần áo đâu có lấm lem như xưa. Hiện nay cấy giống gì, cấy vào thời điểm nào, rồi bán cho doanh nghiệp nào đều có HTX lo hết. Công việc của tôi bây giờ là chuẩn bị đồng ruộng sạch sẽ, rồi chờ tới lượt để máy cấy cho ruộng của mình.

Empty

Cuộc cách mạng số không còn xa lạ khi ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Riêng nước bơm tưới thì đã có HTX đảm nhận, khi lúa bị sâu bệnh chỉ cần cú điện thoại là có “biệt đội Drone" đến tận ruộng để phun xịt thuốc. Lúa đến ngày thu hoạch sẽ có công ty bao tiêu, không còn lo chuyện mấy ông "cò lúa" bỏ của chạy lấy người khi lúa rớt giá. Thông thường, lúa thu hoạch xong từ 7 – 10 ngày là công ty đã chuyển tiền mua lúa vào số tài khoản của mình rồi”.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như: Sử dụng Drone để phun thuốc BVTV, sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy, hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh được triển khai dựa trên dữ liệu, nền tảng số và đang xây dựng những cánh đồng thông minh. Những hội quán, HTX thông minh, làng thông minh và tiến tới những đô thị thông minh sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Empty

Nông dân ở Đồng Tháp ứng dụng máy giám sát sâu rầy thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ số hóa với 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Ở giai đoạn 2, Đồng Tháp xây dựng các cơ sở dữ liệu để thông qua các số liệu này có thể biết được năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và có thể ứng phó biến đổi khí hậu.

Giai đoạn 3, sẽ kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo AI, dự báo sản lượng, thị trường, xúc tiến thương mại; đồng bộ dữ liệu từ trung ương đến địa phương để đồng bộ nền tảng nông nghiệp số quốc gia.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.