| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo chất lượng giống cây có múi

Thứ Sáu 30/11/2018 , 13:50 (GMT+7)

Trong số các loại cây ăn quả ở phía Bắc, cây có múi có lẽ đang là đối tượng cây trồng tiềm ẩn nhiều mối lo nhất. Bên cạnh việc phá vỡ quy hoạch, phát triển quá nóng, thì vấn đề quản lí chất lượng giống đối với nhóm cây trồng này đang vô cùng đáng lo ngại, đặc biệt là nguy cơ bùng phát các loại bệnh nguy hiểm.

Trao đổi với NNVN, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện KHNN Việt Nam) cảnh báo: Nếu không có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh chất lượng giống cây có múi, nhiều vùng SX lớn, tập trung sẽ có nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm và bị xóa sổ.

17-35-08_dsc_0339
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện KHNN Việt Nam)

Ông có thể cho biết cụ thể hơn những lo ngại nào về thực trạng SX và chất lượng cây có múi hiện nay?

Giống cây ăn quả nói chung, và đặc biệt là giống cây có múi thì vấn đề chất lượng giống càng quan trọng. Một trong những yêu cầu căn bản nhất trong SX cây ăn quả nói chung, đó là phải có vườn cây để cung cấp vật liệu làm mắt ghép nhân giống và phải có nguồn gốc ghép, sau đó mới tới vườn SX giống. Đối với cây có múi, theo quy định hiện hành về SX giống thì còn phải đạt các yêu cầu khắt khe hơn, vườn vật liệu nhân giống phải được bố trí trong khu vực có nhà lưới cách ly để đảm bảo sạch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như greening và một số bệnh virus khác.

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, ngoại trừ một số ít các đơn vị của các Viện nghiên cứu và đơn vị nhân giống của Nhà nước đáp ứng được các yêu cầu đó, các vườn SX giống cây có múi như cam, bưởi của các cơ sở SX giống tư nhân ở phía Bắc đa phần là không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, nhất là nguồn mắt ghép thậm chí được các cơ sở mua từ các vườn cây trôi nổi, nguồn gốc ghép cũng không ai có thể biết là gì và nguồn gốc từ đâu. Toàn bộ quá trình SX nhân giống đều diễn ra ở ngoài trời, không có lưới cách li nên nguy cơ nhiễm bệnh là vô cùng nguy hiểm. Đối với bệnh greening, đây lại là bệnh đặc biệt nguy hiểm trên cây có múi. Bệnh có khả năng tái nhiễm và truyền qua môi giới là rầy chổng cánh nên kể cả khi đưa cây giống sạch bệnh vào vùng SX đã bị nhiễm sẵn nguồn bệnh greening thì nguy cơ bị nhiễm bệnh là rất nhanh.

Qua khảo sát của chúng tôi, tất cả các vùng trồng cây có múi như cam, bưởi tập trung lớn ở phía Bắc đều đã bị nhiễm nguồn bệnh greening. Đặc biệt đối với cam, ngoài greening còn có bệnh do nấm Phytophthora gây vàng lá, thối rễ và nhiều loại bệnh khác...

Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số dự án hỗ trợ giống cây có múi cho người dân, nhưng do không nắm vững về chuyên môn, nên không kiểm soát được chất lượng giống, thậm chí hỗ trợ cả giống nhiễm bệnh.

Theo ông, giải pháp nào để quản lí được chất lượng giống cây có múi hiện nay?

Hiện nay, số lượng cơ sở SX giống đảm bảo chất lượng, có quy mô lớn đang rất ít và chưa đáp ứng được yêu cầu SX. Bên cạnh đó, việc tiếp cận của nông dân đối với các đơn vị này để có nguồn giống đảm bảo chất lượng cũng còn rất hạn chế. Vì thế, có tình trạng nguồn giống khi tới được tay nông dân thì đã trải qua rất nhiều tầng tầng lớp lớp trung gian, không thể nào kiểm soát hết được nguồn gốc. Chừng nào nông dân chưa trực tiếp tiếp cận được với các đơn vị SX giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, thì chất lượng giống và nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây có múi vẫn còn rất nguy hiểm.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác quản lí giống cây ăn quả nói chung, trong đó có cây có múi chúng ta đã ban hành đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi ở cơ sở ra sao lại đang là vấn đề cần phải bàn. Công tác thanh kiểm tra, xử lí nghiêm các cơ sở SX giống không đạt các yêu cầu theo quy định pháp luật là điều cần phải được các cơ quan có thẩm quyền ra tay quyết liệt, nghiêm minh. Đặc biệt, việc thanh kiểm tra cần phải chặt chẽ, xem từng cơ sở nhân giống có đáp ứng được các yêu cầu theo quy định về hạ tầng, có khu cách li, có nhà lưới, có đủ cây mẹ, có đủ nguồn cung gốc ghép đáp ứng được điều kiện hay không...?

Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo, hỗ trợ các đơn vị khoa học, thu hút đầu tư của DN lớn vào SX giống cây có múi chất lượng cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chỉ khi đó, nguồn giống trôi nổi mới được đẩy lùi.

17-35-08_12-24-18_1
Chất lượng cây có múi đang là vấn đề rất đáng ngại

Có một thực tế là trong khi hiện nay, các DN đầu tư trong ngành giống cây lương thực như ngô, lúa... rất đông đảo hùng mạnh, nhưng các DN đầu tư vào mảng giống cây ăn quả nói chung, trong đó có cây có múi thì lại gần như vắng bóng. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này thưa ông?

Đặc thù SX giống cây ăn quả khó và phức tạp hơn rất nhiều so với cây lương thực. Làm giống cây lương thực như ngô, lúa, ngoài cán bộ kỹ thuật thì các khâu còn lại chỉ cần tập huấn hướng dẫn sơ là nông dân có thể làm được. Cây ăn quả thì đòi hỏi phức tạp hơn nhiều, từ khâu gieo hạt giống, ghép, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh..., chu kỳ để ra được giống cũng dài, tới hàng năm. Đầu tư hạ tầng lớn, quay vòng vốn chậm, trong khi chi phí SX giống cây có múi đảm bảo chất lượng, sạch bệnh vì vậy rất cao, nhưng giá bán lại khó cạnh tranh, nhất là với các cơ sở tư nhân trôi nổi nhỏ lẻ. Lợi nhuận vì vậy không hấp dẫn DN đầu tư vào mảng này.

Thời gian tới, chúng ta cần phải có cơ chế để hỗ trợ và thu hút đầu tư của các DN lớn vào mảng này, cả hỗ trợ cho các đơn vị khoa học, các trung tâm giống của các tỉnh lẫn có cơ chế hỗ trợ thu hút DN, tăng cường hợp tác công - tư mới có thể có nguồn lực đủ mạnh để SX giống cây có múi.

Hiện nay, Cty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An cũng đang xúc tiến hợp tác với Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ để đầu tư SX giống cây có múi cung cấp cho các vùng trồng tập trung ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây chính là hướng đi rất tốt để SX giống cây có múi ở phía Bắc. Theo đó, cách làm phù hợp nhất là cần xây dựng ở mỗi vùng SX cây có múi tập trung một cơ sở, DN sản xuất giống đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu cho chính vùng SX đó. Điều này sẽ giúp nông dân thuận lợi và dễ tiếp cận với nguồn giống đảm bảo chất lượng, giảm giá thành SX...

Xin cảm ơn ông!

"Hiện nay, gốc ghép cho giống cam chúng ta đang sử dụng phổ biến song song cả gốc ghép là bưởi và trấp. Gốc ghép là bưởi có ưu điểm sinh trưởng khỏe, nhưng nhược điểm dễ bị bệnh do nấm Phytophthora, trong khi đó trấp lại có nhược điểm giai đoạn sinh trưởng từ khi gieo tới khi đủ tiêu chuẩn để ghép lại quá dài. Vì vậy thời gian tới, Viện Nghiên cứu Rau quả sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để chọn được đối tượng làm gốc ghép tối ưu nhất, có thể chống chịu được với một số loại bệnh nguy hiểm...

Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu thêm về phương pháp SX giống cây có múi cỡ lớn. Trung Quốc hiện nay cũng đang có xu hướng SX cây giống kích cỡ lớn, dài trên 1m, bầu lớn, thay vì cây giống chỉ cao 70cm và có bầu bé như trước đây. Điều này sẽ giúp cây giống sau khi trồng phát triển nhanh và vượt lên, kháng được tốt hơn với bệnh greening". - PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng.

 

Xem thêm
Chưa đạt mục tiêu tăng trưởng, Cục Chăn nuôi và Thú y nêu loạt giải pháp

Theo đó, ngành chăn nuôi và thú y lên kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng quý còn lại của năm với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025.

Hơn 2 tấn cá biển chết do virus gây hoại tử thần kinh

QUẢNG NINH Giai đoạn chuyển mùa khiến dịch bệnh trên thủy sản nguy cơ bùng phát mạnh, Quảng Ninh vừa ghi nhận 2,2 tấn cá biển chết do virus gây hoại tử thần kinh.

Bí thư, chủ tịch xã cũng phải 'quảng cáo, bán hàng'

Để nông sản có chỗ đứng, giám đốc hợp tác xã phải chịu khó tìm kiếm thị trường, thậm chí bí thư, chủ tịch xã cũng phải 'quảng cáo, bán hàng' giúp nông dân.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

169 hạt sen bay lên vũ trụ: Khoa học và niềm tự hào dân tộc

Phi hành gia Amanda Nguyễn mang 169 hạt sen của Việt Nam bay vào không gian là khởi đầu mới trong nghiên cứu khoa học và thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Tổ đoàn kết nhân đôi sức mạnh ngư dân, làm 'tai mắt' trên biển

ĐÀ NẴNG Đà Nẵng có gần 100 tổ đoàn kết với 700 tàu cá cùng hỗ trợ nhau vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản bền vững và chấp hành quy định chống khai thác IUU.

Cháy rừng từ Hòa Bình lan sang Hà Nam

HÀ NAM Lực lượng chức năng đang khẩn trương ngăn chặn đám cháy từ tỉnh Hoà Bình lan sang khu rừng ở phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.