Lúa J02 là loại lúa thuần, có khả năng chịu rét tốt nên phù hợp với vụ chiêm xuân ở các tỉnh phía Bắc. Cây thấp hơn các loại lúa khác nên hạn chế việc đổ gãy do gió, bão; bông lúa khi chín rất dai, nên có thể để độ chín đạt từ 95 tới 98% mới thu hoạch.
Việc Công ty CP Mía đường Lam Sơn ký hợp đồng sản xuất liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm lúa tươi J02 với các hộ nông dân ở huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân đã đảm bảo ổn định đầu ra cho bà con. Ngoài ra, công ty còn có 5 kỹ sư nông nghiệp, sẵn sàng hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật cấy, chăm sóc lúa J02 đúng quy trình để đảm bảo năng suất.
Biến 20 ha đất hoang hóa thành "bờ xôi ruộng mật"
20 ha đất nông nghiệp ở thôn Duyên Thượng, xã Định Liên, huyện Yên Định nhiều năm bỏ hoang với lý do đây là vùng đất trũng, lầy rất khó đưa máy móc vào để cơ giới hóa đồng bộ. Lý do khác là khu công nghiệp mọc lên trên địa bàn, người có sức khỏe thì đã đi công ty với mức lương ổn định hàng tháng; còn lại người già thì chẳng đủ sức để vỡ hoang những thửa đất khó canh tác. Nhiều năm 20 ha đất trũng, cỏ mọc um tùm, hoang hóa.
Xuất thân từ nông dân chính gốc, anh Lưu Tài Sáng, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp xã Định Liên cứ tiếc công, tiếc của vì đất bỏ hoang. Vì diện tích 20 ha của nhiều hộ dân manh mún nhỏ lẻ, việc thuyết phục người dân cho nhận thầu lại cũng tốn nhiều công sức. Để nhận được sự đồng thuận của 30 hộ dân anh đã phải đi gõ cửa từng nhà hơn một năm trời.
Năm 2020, khi được các hộ đồng thuận cho canh tác, anh Sáng nhận định, nếu để gieo cấy như thường lệ, diện tích 20ha nói trên không thể có năng suất cao, vì đất rất trũng, lầy lội, máy móc cũng không thể vào cày bừa, gieo cấy được; nếu dùng sức người thì rất tốn công.
Nghĩ là làm, anh Sáng cùng 6 thành viên thường trực của HTX dịch vụ sản xuất xuất nông nghiệp xã Định Liên (HTX Định Liên) thuê máy xúc về đào ao bao quanh tổng diện tích 20 ha, đắp bờ cao để trồng cây ăn quả, ao xung quanh thả cá, ở giữa cấy lúa. Vụ đầu tiên HTX Định Liên đã ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Lam Sơn để bao tiêu đầu ra, sản lượng đạt 80 tấn/20ha, với giá 8.100 đồng/kg lúa tươi, cao hơn các loại lúa thường được thu mua trên địa bàn 1.100 đồng/kg.

Anh Lưu Tài Sáng cùng các thành viên thường trực HTX nông nghiệp Định Liên cải tạo, đào ao thả cá xung quanh để biến 20ha đất hoang hóa thành "bờ xôi ruộng mật". Ảnh: Thanh Tâm
Việc ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn giúp HTX xã Định Liên không còn lo lắng đầu ra cho lúa. Khi thu hoạch, xe của nhà máy sẽ tới tận ruộng, máy gặt phun trực tiếp lên xe, rồi chở về nhà máy xay xát đặt tại thị trấn Thiệu Hóa để cân. Người nông dân đỡ được 2 công lao động đi theo máy gặt, không tốn tiền mua bao tải, đặc biệt là không tốn công phơi trong những ngày hè nóng nực, giá thành lại cao hơn các loại lúa thường.
Đứng trước ruộng lúa đang kì trổ bông, anh Lưu Tài Sáng say mê nói về đặc điểm của đất nông nghiệp ở thôn Duyên Thượng cũng như của xã Định Liên, về vùng đất 5 năm trước hoang hóa, cỏ dại um tùm, nay đã có những bông lúa trĩu bông.
Nâng niu bông lúa trên tay, anh nói về kĩ thuật gieo cấy, chăm sóc, các đặc tính ưu việt cũng như hạn chế của giống lúa J02 như một kĩ sư nông nghiệp thành thục.

Anh Sáng nâng niu bông lúa J02 vừa trổ bông và say sưa nói về kĩ thuật trồng và chăm sóc. Ảnh: Thanh Tâm
Anh chia sẻ “sáng kiến” đào ao đắp bờ bao xung quanh chính là giải pháp tối ưu cho diện tích đất trũng lầy 20 ha. Dù tốn tiền thuê máy, tốn công cải tạo nhưng sẽ cho hiệu quả lâu dài.
“Lúa J02 chịu rét rất tốt nên phù hợp với vụ chiêm xuân của địa phương, việc đào ao thả cá và trồng cây ăn quả quanh bờ bao, vừa cải tạo đất tốt vừa có thêm nguồn thu nhập. Trong quá trình chăm sóc, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, vì sẽ dẫn tới tình trạng cá chết và mục tiêu là hướng tới việc sản xuất lúa gạo hữu cơ” - Anh Sáng chia sẻ.
Tuy nhiên trăn trở của người nông dân như anh Lưu Tài Sáng là các chính sách hỗ trợ trong việc tích tụ đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được ưu tiên. Ngoài ra, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại địa phương cũng chưa được cấp mã vùng, vì vậy giá thành cũng chưa đi đôi với chất lượng của hạt lúa.
Chỉ khi được cấp mã số vùng trồng, giá thành cao lên người nông dân mới mặn mà đầu tư và chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ theo hướng bền vững.
Chỉ tay về cánh đồng bỏ hoang phía sau khu công nghiệp, anh Sáng tiếc nuối vì chưa thể thuyết phục người dân cho nhận thầu lại. Mong muốn của anh Sáng là tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, cơ giới đồng bộ trong sản xuất, chăm sóc theo hướng hữu cơ, nâng tầm hạt gạo xứ Thanh.
Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn cho biết: Hạt gạo J02 được khoa học đánh giá rất tốt cho sức khỏe, hàng năm công ty ký hợp đồng với Công ty cổ phần OneOne Việt Nam cung ứng 1.000 tấn gạo J02, làm nguyên liệu để sản xuất bánh gạo. Ngoài ra đây cũng là nguyên liệu để phục vụ sản xuất sữa gạo của công ty. Định hướng trong thời gian tới tiếp tục mở rộng thêm diện tích trong tỉnh tối thiểu 1.000 ha, sản lượng 5.000 - 7.000 tấn.
“Tuy nhiên bài toán mở rộng vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích liên kết với các HTX cũng như các hộ dân vẫn còn nhiều bất cập, trong đó chủ yếu là chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, người nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp mà chuyển dịch sang các ngành nghề khác” - Ông Chiều nói.
Năm 2023 diện tích Công ty CP Mía đường Lam Sơn ký hợp đồng với các HTX và hộ dân trên địa bản tỉnh là 350 ha. Năm 2024 giảm xuống còn 295ha. Lý do diện tích giảm là năm 2023 chất lượng giống chưa đảm bảo, dẫn tới năng suất giảm.
Trăn trở khi diện tích lúa J02 thu hẹp
Vụ chiêm xuân năm 2025 xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa có 10ha trồng lúa J02, trong đó diện tích ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Lam Sơn là 5 ha.
Theo đánh giá của chị Lê Thị Tú, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thiệu Công (HTX nông nghiệp Thiệu Công) lúa J02 cho hiệu quả kinh tế cao, vì giá thành cao hơn các loại lúa thường, đảm bảo đầu ra ổn định. HTX Thiệu Công chính là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật, những mô hình hiệu quả tới với bà con, điển hình là việc đưa giống lúa thuần J02 về gieo cấy tại địa phương.
Trong vụ chiêm xuân năm 2024, gia đình bác Lê Xuân Định, 60 tuổi, thôn Nhân Mỹ, xã Thiệu Công cấy 1ha lúa J02, năng suất đạt 8,1 tấn, giá bán 8.300 đồng/kg. Bước sang vụ gieo cấy 2025, bác Định tiếp tục cấy lúa J02 vì theo bác hiệu quả kinh tế cao, hai vợ chồng đã già đỡ được công phơi, đóng bao bì.
Bác Định chia sẻ: Hạt gạo J02 tròn như hạt gạo nếp, khi ăn rất đậm vị, ngọt cơm. Với người già có bệnh cao huyết áp, tiểu đường như vợ chồng tôi ăn lâu dài huyết áp và chỉ số đường huyết đều giảm. Theo tôi đánh giá đối với sức khỏe có thể thay thế cho gạo lứt, nhưng giá thành lại phù hợp với đa số người tiêu dùng hơn.

Gia đình có 01ha đất trồng lúa, bác Lê Xuân Định chuyển sang cấy lúa J02 từ năm 2021. Ảnh: Thanh Tâm
Điều chị Lê Thị Tú, Giám đốc HTX nông nghiệp Thiệu Công trăn trở khi năm 2021 toàn xã có tới 80 ha gieo cấy lúa J02, nhưng năm 2024 diện tích giảm xuống còn 10 ha, bởi lý do năm 2023 chất lượng giống không đảm bảo, tỉ lệ nảy mầm thấp, sâu bệnh nhiều đặc biệt là bệnh đạo ôn, khiến năng suất giảm đáng kể, người nông dân đã chuyển đổi sang trồng các giống lúa khác như Bắc Thơm, Khang Dân.
Trong cuộc họp giữa đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty giống cây trồng công nghệ cao Phú Thọ (đơn vị cung ứng giống lúa J02) vào năm 2024 tổ chức tại huyện Thiệu Hóa, đại diện cho người nông dân, chị Lê Thị Tú đã mạnh dạn phát biểu những hạn chế của lúa J02, đặc biệt là chất lượng giống chưa đảm bảo trong vụ sản xuất năm 2023. Cũng như kiến nghị, đề xuất Công ty Mía đường Lam Sơn cần có các chính sách hỗ trợ người nông dân như chi phí vận chuyển, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo chị Tú, chỉ khi nào có các chính sách hỗ trợ liên kết vùng, người nông dân mới mạnh dạn dồn điền đổi thửa, thực hiện những cánh đồng mẫu lớn thay cho sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Từ đó hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp được nâng cao, người dân mới hào hứng chuyển đổi phương thức canh tác.

Chị Lê Thị Tú trăn trở khi diện tích cấy lúa J02 bị thu hẹp trên địa bàn xã Thiệu Công. Ảnh: Thanh Tâm
Ông Trịnh Đức Hùng, Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thiệu Hóa cho biết: Diện tích ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn bao tiêu lúa tươi J02 trên địa bàn huyện trong năm 2024 là 125 ha. Năng suất, hiệu quả kinh tế của lúa J02 cao hơn 1,3-1,4 lần so với các giống lúa khác. Định hướng đến năm 2030 sẽ mở rộng lên 2.500 ha trên địa bàn toàn huyện và cần có chính sách hỗ trợ công tác quy hoạch vùng chuyên canh. Ngoài ra cũng cần cải thiện chất lượng giống để có thể gieo cấy cả trong vụ mùa.