| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân miền Trung đồng loạt vươn khơi sau giãn cách

[Bài 4]- Ngư dân Quảng Nam quyết tâm vươn khơi bám biển

Thứ Năm 04/11/2021 , 09:40 (GMT+7)

Sản lượng khai thác tăng lên, giá cả cao và ổn định là mong muốn của ngư dân trong những chuyến biển cuối năm khi các hoạt động sản xuất đang dần phục hồi. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động khai thác thủy sản của Quảng Nam cũng bị chi phối bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng không quá nặng nề. Ảnh: L.K.

Từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động khai thác thủy sản của Quảng Nam cũng bị chi phối bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng không quá nặng nề. Ảnh: L.K.

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch. Các địa bàn trọng điểm nghề cá của tỉnh như Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình… không bị phong tỏa nên hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá vẫn diễn ra bình thường. Mặc dù lưu thông hàng hóa có trở ngại nhưng nguyên vật liệu đầu vào cho tàu cá (nhiên liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm…) vẫn được cung ứng đầy đủ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, nhìn chung thời gian qua hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh cũng bị chi phối bởi dịch nhưng không quá nặng nề. Theo đó, một số tàu cá làm các nghề như: Câu vàng, lưới rê,… ở các địa phương phía Bắc như: Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn do yếu tố mùa vụ, sản lượng không cao nên tạm thời đậu bờ, chờ đợi tình hình thuận lợi về ngư trường, nguồn cá sẽ tiếp tục đi sản xuất để chuyến biển đạt hiệu quả kinh tế.

“Ngoài ra, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch nên hoạt động khai thác, tiêu thụ thủy hải sản cũng chịu một số tác động. Trong đó, khi kênh bán sản phẩm cho nhà hàng, khách du lịch không có nên các tàu chuyên đánh bắt các loại hải sản có giá trị như cá hố, ghẹ, mực ống… hiệu quả không cao. Giá thành các sản phẩm này giảm mạnh xuống chỉ bằng 50 – 70% so với cùng kỳ thời điểm trước”, ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng nghiệp vụ thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết.

Thời gian qua, sản lượng khai thác thủy sản trong đó có sản phẩm mực khơi ở Quảng Nam giảm đi đáng kể. Ảnh: K.S.

Thời gian qua, sản lượng khai thác thủy sản trong đó có sản phẩm mực khơi ở Quảng Nam giảm đi đáng kể. Ảnh: K.S.

Cũng theo ông Toàn, tỉnh Quảng Nam có khoảng vài chục tàu cá thường xuyên neo đậu, bán cá ở cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng). Thời điểm cảng cá này phải đóng của do dịch bệnh Covid-19 thì hoạt động khai thác của các tàu này cũng bị đình trệ. Cùng với các tàu đánh bắt hải sản có giá trị, thời gian qua toàn tỉnh Quảng Nam có gần 200 tàu cá phải nằm bờ.

Đối với các tàu cá ở các địa phương phía Nam của tỉnh, nhìn chung hoạt động khai thác, tiêu thụ sản phẩm vẫn diễn ra bình thường. Tại đây có các đầu nậu vẫn thường xuyên thu mua hải sản của ngư dân. Dù một số mặt hàng giá cả không được như kỳ vọng nhưng không có tình trạng sản phẩm khai thác bị ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đang chuẩn bị cho chuyến biển mới, ngư dân Huỳnh Văn Trương (trú xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 91144TS cho biết, chuyến đi trước tàu của ông khai thác không được như kỳ vọng khi giá cả cả thu mua cá ngừ chỉ được 1 nửa so với trước. Sau khi trừ chi phí và chia cho các bạn thuyền thì không lãi được bao nhiêu.

Trong thời gian tới, ngành thủy sản Quảng Nam đã đưa ra những biện pháp để vừa đảm bảo hoạt động khai thác vừa phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đ.T.

Trong thời gian tới, ngành thủy sản Quảng Nam đã đưa ra những biện pháp để vừa đảm bảo hoạt động khai thác vừa phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đ.T.

“Thế nhưng dù giá cả thế nào thì đây cũng là nghề gắn bó với chúng tôi bao lâu nay. Ra khơi đánh bắt không những để kiếm thu nhập, nuôi sống gia đình mà còn góp phần giữ chủ quyền biển đảo. Với ngư dân như chúng tôi thì biển đã là nhà. Chỉ mong sao tới đây ngư trường khai thác thuận lợi, sản lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế”, ông Trương chia sẻ.

Theo các ngư dân tại cảng cá An Hòa, hầu hết năm nay các loại hải sản sản lượng khai thác đều giảm. Mặc dù vậy, cũng có 1 điều đáng mừng là giá cả một số loại hải sản như mực khơi lại tăng lên so với cùng kỳ từ 10 – 20%. Từ trước tới nay, mực khơi là sản phẩm được khai thác với sản lượng lớn của tỉnh Quảng Nam, được thương lái thu mua để xuất qua Trung Quốc và Thái Lan. Toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng trên 60 tàu làm nghề khai thác loại hải sản này.

Tại cảng cá An Hòa, hàng chục tàu thuyền vẫn đang tất bật vận chuyển nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết cũng như nhiên liệu để vươn khơi. Với những tàu làm nghề câu mực khơi, mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 1 đến 2 tháng nên công tác chuẩn bị hết sức kỹ càng.

Ông Phạm Văn Dự (trú xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 90309TS chia sẻ, 2 chuyến biển kéo dài 20 ngày vừa qua tàu cá của ông thu được 35 tấn cá các loại. Tuy nhiên do khu vực tàu ông thường xuyên tiêu thụ sản phẩm là tỉnh Khánh Hòa bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên đưa về Quảng Nam bán giá thấp, tính ra chỉ đủ chi phí.

“Hiện nay mực khơi đang được giá, chuyến biển tới đây tôi dự định sẽ chuyển qua làm nghề khai thác loại hải sản này. Giờ tôi đang chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết để hành nghề cũng như kêu gọi bạn thuyền để vươn khơi. Chỉ còn vài tháng nữa là hết năm rồi nên cũng chỉ hy vọng những chuyến đi tới đây sẽ đạt được kết quả như mong muốn”, ông Dự tâm sự.

Ông Ngô Văn Định, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thười gian tới, địa phương này sẽ khuyến khích các cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần tổ chức thực hiện chuỗi liên kết, cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa, ngư cụ, trang thiết bị và thu mua, chuyển tải sản phẩm đảm bảo cho hoạt động sản xuất của phương tiện dài ngày.

“Đồng thời, sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT xem xét, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ngày càng sâu, rộng và có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế rủi ro, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản; quảng bá sản phẩm khai thác, tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Từ đó sẽ tăng hiệu quả của ngành thủy sản trong thời gian tới”, ông Định nói.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.