Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí Tây Nam bộ (PVFCCo-PSW) vừa tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình trình diễn sử dụng phân bón Phú Mỹ trong canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ hè thu 2025 tại xã Định Mỹ và Bình Hòa, tỉnh An Giang.

Nông dân và cán bộ Trung tâm Khuyến nông An Giang tham quan, đánh giá thực tế hiệu quả mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ trên đồng ruộng trong vụ hè thu 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, vụ hè thu 2025, 2 mô hình trình diễn sử dụng giống lúa OM5451 và bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ gồm đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S+TE và NPK Phú Mỹ 20-20-15+TE. Qua đánh giá, lúa trong mô hình cho năng suất và lợi nhuận vượt trội so với quy trình thông thường của nông dân. Nhờ canh tác đúng theo quy trình của ngành nông nghiệp địa phương cùng Trung tâm Khuyến nông An Giang, ruộng trình diễn sâu bệnh ít hơn ruộng đối chứng, lúa cứng cây nên không bị đổ ngã, lá thẳng, dày bông, bông to, dài, tỷ lệ hạt chắc đạt 90%... Năng suất lúa trong mô hình đạt trung bình 7,1 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Anh Cao Văn Khửu, nông dân tham gia mô hình tại xã Thoại Sơn cho biết: Thương hiệu Phú Mỹ rất uy tín, lúa sử dụng các loại phân bón do Phú Mỹ sản xuất đều cho năng suất cao, bà con rất yên tâm sử dụng, không lo hàng giả, hàng kém chất lượng.
Vụ hè thu năm nay gia đình ông Khửu canh tác 2,5 ha lúa, trong đó 1 ha thực hiện mô hình trình diễn, diện tích còn lại 1,5 ha làm mô hình đối chứng.

Mô hình trình diễn sử dụng phân bón Phú Mỹ trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại An Giang ở vụ hè thu 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Khửu cho biết, ruộng trình diễn và ruộng đối chứng đều áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng". Vì vậy sâu bệnh gây hại trên mô hình chỉ ở mức nhẹ như sâu cuốn lá, lem lép hạt và bệnh đạo ôn nhiễm cục bộ.
Vào giai đoạn đòng (43 ngày sau sạ) bệnh đạo ôn lá phát triển, có vết bệnh điển hình cấp 1 - 3, tỷ lệ bệnh 5 - 10% ở ruộng đối chứng và cả ruộng trình diễn. Bệnh lem lép hạt xuất hiện thời điểm lúa 75 ngày sau sạ trên cả 2 mô hình thí nghiệm, tuy nhiên ở ruộng đối chứng xuất hiện bệnh từ 10 - 15%, cao hơn so với ruộng mô hình trình diễn.
Cuối vụ, ruộng mô hình của ông Khửu thu hoạch đạt năng suất 8,9 tấn/ha, sau khi trừ hết chi phí cho lợi nhuận 16,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng khoảng 4 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Quý Ninh, Phó phòng Kinh doanh của PVFCCo-PSW cho biết: Trong vụ lúa hè thu 2025 tại các tỉnh ĐBSCL, Công ty triển khai các mô hình trình diễn nhằm tham gia vào Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Các mô hình trình diễn sử dụng phân bón Phú Mỹ trong canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp được PVFCCo-PSW triển khai tại các địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long với diện tích 14 ha và đều cho kết quả tốt, sẽ tiếp tục được mở rộng diện tích áp dụng ở các vụ lúa tiếp theo.
Việc thực hiện mô hình trình diễn trên cây lúa đã khẳng định được chất lượng các sản phẩm phân bón Phú Mỹ, đồng thời giúp nông dân có những giải pháp canh tác tiết kiệm, hiệu quả và được chính quyền địa phương đánh giá cao.