| Hotline: 0983.970.780

An toàn sinh học để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chuẩn thế giới

Thứ Hai 25/11/2024 , 15:11 (GMT+7)

An toàn sinh học là giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới.

Thực hiện an toàn sinh học tại một trang trại chăn nuôi nhỏ. Ảnh: Sơn Trang.

Thực hiện an toàn sinh học tại một trang trại chăn nuôi nhỏ. Ảnh: Sơn Trang.

An toàn sinh học là số 1

Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Pháp (CIRAD), Cục Thú y và Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo “Tổng kết Dự án An toàn sinh học trong ngành chăn nuôi heo (lợn) - Dự án BIG”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phạm Thành Long, đại diện Cục Thú y cho biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 2/2019 và đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến ngày 10/11, đã có 1.486 ổ dịch tại 48 tỉnh với hơn 83 nghìn con lợn bị tiêu hủy. Số ổ dịch và số lợn bị tiêu hủy đều cao hơn nhiều so với năm 2023. ASF vẫn đang là dịch bệnh gây thiệt hại lớn nhất cho chăn nuôi lợn.

Trên thế giới, ASF đã lan rộng tới hầu hết các châu lục. Theo ông Karma Rinzin, Đại diện Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) khu vực Đông Nam Á, ASF đã xuất hiện tại 19 quốc gia châu Phi, 24 quốc gia châu Âu, 22 quốc gia châu Á và 2 quốc gia châu Mỹ.

Trong bối cảnh ASF vẫn đang diễn biến phức tạp, từ năm 2019 đến 2023, đàn lợn ở Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định với mức tăng bình quân 6,3%. Đến năm 2023, tổng đàn lợn Việt Nam đạt khoảng 30 triệu con, đứng thứ 5 trên thế giới.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn là mối lo thường trực với người chăn nuôi. Ảnh: Lê Bền.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn là mối lo thường trực với người chăn nuôi. Ảnh: Lê Bền.

Để có được sự tăng trưởng ổn định ấy, TS Phạm Thành Long khẳng định, an toàn sinh học (ATSH) là số 1. Tiếp đến là các biện pháp phòng ngừa khi tái đàn, giám sát dịch bệnh, tiêu hủy lợn bị nhiễm hoặc nghi nhiễm ASF…

Cũng theo TS Phạm Thành Long, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp, các kết quả nghiên cứu đã cho thấy chăn nuôi dù ở bất kỳ quy mô nào cũng đều có thể thực hiện được ATSH. Khi thực hiện được ATSH thì không chỉ phòng chống được ASF mà còn cả các bệnh truyền nhiễm khác.

"Việc áp dụng các biện pháp ATSH là cần thiết để kiểm soát sự lan truyền và giảm thiểu hoạt động của virus ASF. Các chiến lược chính bao gồm nâng cao nhận thức về ATSH của người chăn nuôi, tăng cường nguồn lực thú y và thiết lập các khu vực và cơ sở không có bệnh. Các bước này cần được thực hiện ở cấp độ địa phương lẫn quốc gia và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các ổ dịch, đảm bảo sự ổn định lâu dài", PGS.TS Trần Thị Bích Ngọc (Viện Chăn nuôi) nhấn mạnh.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới

Nhằm cải tiến ATSH trong chăn nuôi heo để kiểm soát ASF và thúc đẩy xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB), Dự án BIG đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 2022.

“Sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, từ thông tin, tài chính đến nhân lực… trong kiểm soát dịch bệnh động vật ở Việt Nam thời gian qua, đã góp phần cho việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khẳng định

Dự án có các hoạt động chính gồm: Tổng quan đánh giá tác động ASF đến kinh tế - xã hội và những thay đổi trong chuỗi giá trị lợn; lập sơ đồ và phân tích các bên liên quan (nhận thức và thực hành của các bên liên quan các quy định về kiểm soát ASF); phân tích SWOT (làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối thách thức của các thành phần chính và biện pháp trong Kế hoạch quốc gia); khảo sát thực hiện ATDB tại địa phương (tìm hiểu thực hành, thuận lợi và thách thức của việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB ở cấp địa phương).

Trong báo cáo “Tìm hiểu thực hành xây dựng cơ sở và vùng ATDB theo quy định của Việt Nam (Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT) và tiêu chuẩn của WOAH”, Thạc sỹ Lê Thị Thu Hà, Nghiên cứu viên CIRAD đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn khi tham gia xây dựng cơ sở, vùng ATDB. Đặc biệt, báo cáo đã ghi nhận những mong muốn được hỗ trợ từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y để thực hiện xây dựng cơ sở, vùng ATDB.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Sơn Trang.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Sơn Trang.

Theo đó, doanh nghiệp mong muốn tăng cường kênh thông tin về tình hình dịch tễ trên địa bàn và cập nhật các chính sách, thông tư liên quan đến ATDB giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp chủ động trong phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ chăn nuôi bền vững hơn.

Doanh nghiệp mong muốn các lớp tập huấn được mở thường xuyên hơn để hướng dẫn xây dựng hồ sơ và quy trình đăng ký, bên cạnh đó đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lấy chứng nhận; nâng cao năng lực cho người chăn nuôi nhỏ lẻ trong việc áp dụng ATSH nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh và tăng cường nhận thức về công tác phòng dịch.

Hỗ trợ kinh phí xử lý dịch bệnh và tổ chức tập huấn kỹ thuật ứng phó với dịch bệnh tại các trại quy mô lớn khi có dịch bùng phát nhằm giảm thiểu thiệt hại; thống nhất quy trình cho việc lấy mẫu tại các tỉnh; hỗ trợ chi phí xét nghiệm giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y mong muốn tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng và duy trì các vùng đã đạt tiêu chuẩn ATDB của Việt Nam. Đồng thời, cần có hướng dẫn chi tiết và sự đồng thuận từ WOAH trong việc xây dựng chương trình giám sát lưu hành mầm bệnh và giám sát sau tiêm phòng nhằm chứng minh vùng sạch bệnh, đồng thời tối ưu hóa chi phí giám sát trong quá trình xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn của WOAH…

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các chuỗi an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới. Ảnh: Lê Bền.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các chuỗi an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới. Ảnh: Lê Bền.

Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cho rằng, thúc đẩy hợp tác công - tư là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thành công vùng ATDB đạt tiêu chuẩn của WOAH, hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong tương lai.

TS Flavie Goutard (CIRAD) đánh giá, các kết quả nghiên cứu từ Dự án BIG là công cụ quan trọng góp phần thực hiện vùng ATDB một cách hiệu quả không chỉ ở Việt Nam mà cả các nơi khác như châu Phi.

“Đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có vùng an toàn dịch bệnh ASF ở cấp độ tỉnh, huyện hay xã mà mới chỉ có cơ sở ATDB. Với sự hỗ trợ của Dự án BIG, chúng tôi hi vọng sẽ xây dựng thí điểm được một số chuỗi chăn nuôi ATSH với bệnh trên lợn như ASF, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng…", TS Phạm Thành Long chia sẻ.

 Theo TS Phạm Thành Long, sau khi xây dựng thành công được một số chuỗi ATDB theo tiêu chuẩn thế giới thì mới hướng đến xây dựng vùng ATDB. Hiện nay, quy định của Việt Nam về vùng, cơ sở ATDB còn một khoảng cách rất xa so với các quy định của WOAH. Nếu xây dựng được vùng ATDB tiêu chuẩn thế giới, cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm của Việt Nam là rất lớn.

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Nghệ An đặt mục tiêu trên 400 nghìn tấn lương thực vụ hè thu - mùa

Dựa vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu 400.360 tấn lương thực tại vụ hè thu - mùa năm 2025.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn

KIÊN GIANG Chuyển đổi luân canh lúa – thủy sản, rau màu, biến phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, than sinh học bón lại cho đất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.