Công ty chứng khoán Morgan Stanley đã công bố báo cáo Tín hiệu bền vững của các công ty năm 2025. Trong đó, chỉ ra cam kết của các công ty đối với phát triển bền vững đang ngày càng gia tăng, với 88% các công ty nhận định bền vững là một trong những nhân tố chủ yếu (chiếm 53%) hoặc một phần quan trọng (chiếm 35%) đối với việc tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp.
"Yếu tố bền vững đang ở trung tâm của mục tiêu tạo ra giá trị dài hạn," bà Jessica Alsford, Giám đốc Văn phòng Bền vững, Chủ tịch Viện Đầu tư Bền vững tại Morgan Stanley nhấn mạnh. Các công ty trên toàn thế giới báo cáo sự tương thích giữa chiến lược của doanh nghiệp và các ưu tiên về phát triển bền vững, ghi nhận nhiều nhất tại các công ty Bắc Mỹ và châu Âu.

Jessica Alsford, Giám đốc Văn phòng Bền vững, Chủ tịch Viện Đầu tư Bền vững tại Morgan Stanley. Ảnh: ESG News.
Hơn 80% cho biết "rất sẵn sàng" hoặc "phần nào sẵn sàng" nâng cao tính bền vững trên cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, rủi ro tài chính và giao tiếp cộng đồng.
Dữ liệu cũng cho thấy quan điểm khác nhau theo từng ngành nghề. Các công ty trong lĩnh vực tiện ích, tiêu dùng cơ bản và bất động sản ngày càng đặt bền vững là một trong những nhân tố chủ đạo. Ngược lại, các lĩnh vực như công nghệ thông tin và công nghiệp đang tập trung hơn vào cân bằng giữa việc tạo ra giá trị và giảm thiểu rủi ro.
57% các công ty báo cáo các gián đoạn kinh doanh ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong năm qua, tăng lên 73%. Các ảnh hưởng được đề cập nhiều nhất bao gồm nhiệt độ cực cao (55%), thời tiết cực đoan (53%), và chi phí vận hành tăng cao (54%).
Trong 5 năm tới, có 75% khả năng rủi ro khí hậu ]sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu, chi phí và mối quan hệ với nhà đầu tư. Từ 65-75% các công ty cho rằng, sẽ có tác động kinh doanh từ thay đổi chính sách, thị trường chuyển đổi hoặc các kỳ vọng từ các bên liên quan gia tăng. Các kết quả có thể bao gồm chi phí vận hành cao hơn (71%) và yêu cầu đầu tư gia tăng (69%).
25% nhóm người khảo sát đánh giá lợi ích hàng đầu nhờ duy trì tính bền vững trong vòng 5 năm tới là tăng lợi nhuận. Những cơ hội khác bao gồm tăng trưởng doanh thu (19%) và giảm chi phí vốn (13%). Đặc biệt, 65% các công ty cho biết họ đang đáp ứng hoặc vượt quá các kỳ vọng về chiến lược bền vững của họ, tăng từ 59% vào năm 2024. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy tiến bộ mạnh mẽ nhất, tăng từ 53% lên 60% so với cùng kỳ năm trước.