Các chính phủ châu Á đang thực hiện những thay đổi lớn trong cách doanh nghiệp sử dụng tín chỉ carbon để ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần đây, cả Singapore và Nhật Bản đều công bố các quy định mới về việc sử dụng tín chỉ carbon.
Cụ thể, Singapore đã công bố dự thảo hướng dẫn sử dụng tín chỉ carbon tự nguyện trong kế hoạch khí hậu doanh nghiệp. Theo dự thảo, doanh nghiệp chỉ nên sử dụng tín chỉ carbon sau khi đã thực hiện các biện pháp giảm phát thải thực tế như nâng cao hiệu quả năng lượng và chuyển đổi nhiên liệu.
Ngoài ra, tín chỉ carbon được sử dụng phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về tính trung thực, lâu dài, không bị rò rỉ, được xác minh độc lập và không trùng lặp. Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Singapore cũng cần công khai thông tin về khối lượng, loại dự án, cơ sở đăng ký và xếp hạng bên thứ ba cung cấp tín chỉ carbon.

Singapore đang đưa ra các quy định nhằm minh bạch hóa thị trường tín chỉ carbon tự nguyện. Ảnh: Straits Times.
Singapore dự kiến cho phép bù trừ tối đa 5% lượng phát thải chịu thuế bằng tín chỉ theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Chính phủ nước này cũng sẽ hỗ trợ phát triển dự án tín chỉ thông qua Quỹ tài trợ mới và hợp tác cùng Anh, Kenya trong Liên minh phát triển thị trường carbon.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Cơ quan Dịch vụ tài chính (FSA) đang xây dựng khung nguyên tắc cho giao dịch tín chỉ carbon, nhấn mạnh minh bạch tài chính và bảo vệ nhà đầu tư. Các nguyên tắc này được phát triển bởi Nhóm Công tác về Hạ tầng Tài chính cho giao dịch tín chỉ, chú trọng các yếu tố pháp lý, chuẩn công bố và công nghệ chuỗi khối nhằm đảm bảo truy xuất tín chỉ.
Theo khung nguyên tắc, Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc vào tháng 4/2026, song song với hệ thống tín chỉ J-Credit và tín chỉ carbon tự nguyện hiện nay. Đây là bước chuẩn bị cho sửa đổi Luật GX (Trái phiếu khí hậu) vào năm 2025. Đạo luật được kỳ vọng sẽ nền tảng pháp lý quan trọng cho thị trường carbon và minh bạch hóa công bố theo các chuẩn quốc tế như ISSB và G20.
Theo báo cáo mới đây của Công ty giải pháp về tín chỉ carbon Abatable, các thị trường carbon trong khu vực ASEAN có thể tạo ra giá trị lên tới 3.000 tỷ USD vào năm 2050, thông qua việc cắt giảm hoặc loại bỏ 1,1 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Đây không chỉ là cơ hội lớn để bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
Theo đó, trong khu vực châu Á, Singapore và Nhật Bản đang đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng thị trường carbon chất lượng cao, cân bằng giữa tính linh hoạt và độ tin cậy.
Singapore đưa ra hướng dẫn nhấn mạnh việc sử dụng tín chỉ theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, cùng với hệ thống công bố thông tin rõ ràng, các công cụ hỗ trợ pháp lý và ưu đãi tài chính để khuyến khích doanh nghiệp hành động sớm.
Mặt khác, Nhật Bản đang tập trung vào xây dựng hạ tầng thị trường và đảm bảo tính toàn vẹn tín chỉ, lồng ghép tín chỉ tự nguyện vào hệ thống pháp lý và công nghệ tiên tiến, phù hợp với tiêu chuẩn của OECD.
Những nỗ lực này được cho là sẽ góp phần định hình và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon nói chung ở khu vực châu Á.