| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản nhiều áp lực, VASEP mong tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp

Thứ Sáu 05/07/2024 , 18:15 (GMT+7)

Giá xuất khẩu thấp, áp lực cạnh tranh lớn, nguy cơ ‘đói’ nguyên liệu…, bức tranh xuất khẩu thủy sản dự báo nhiều khó khăn nếu không có những giải pháp tháo gỡ ngay.

Xuất khẩu tôm khó đạt 4 tỉ USD

Thông tin tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt khoảng 4,4 tỉ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong những ngành hàng chủ lực, xuất khẩu tôm tăng 7%, chủ yếu nhờ tôm hùm sống xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, trong khi đó xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng trưởng nhẹ, tôm sú giảm.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho hay, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2024 không thể đạt mục tiêu 4 tỉ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho hay, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2024 không thể đạt mục tiêu 4 tỉ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

“Trên mạng đã xuất hiện những bức ảnh trí tuệ nhân tạo vẽ cảnh đàn cá ngừ rủ nhau về Việt Nam sinh sống bởi vì ở đây chúng hoàn toàn có thể sống mà không bị đánh bắt. Quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 50cm thực tế rất khó để ngư dân có thể đánh bắt được”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết.

“Xuất khẩu tôm nước ta trong năm nay không thể đạt mục tiêu 4 tỉ USD vì 6 tháng đầu năm 2024 mới chỉ đạt 1,6 tỉ USD”, bà Hằng nhấn mạnh.

Bà Hằng phân tích, ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn. Một là giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp. Đây là câu chuyện liên quan đến cạnh tranh với ngành tôm Ecuador và Ấn Độ.

“Mặc dù Ecuador gặp rất nhiều khó khăn nhưng quốc gia này vẫn gia tăng sản lượng và xuất khẩu tôm. Tôm Ecuador đang tràn vào tất cả thị trường mà xưa nay họ không thể cạnh tranh được với chúng ta như Nhật Bản, Australia hay EU. Đồng thời, Ecuador cũng đang chiếm lĩnh các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc”, bà Hằng cho hay.

Vấn đề thứ hai là dịch bệnh trên tôm nuôi, đây đang là nỗi quan ngại lớn nhất của doanh nghiệp và người nuôi. Bệnh mờ đục trắng gan trên tôm thẻ chân trắng (TDP) đang diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.

“Giá xuất khẩu tôm thấp cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến người nuôi bỏ ao rất nhiều”, bà Hằng nói.

Vấn đề trước mắt của cá tra là câu chuyện thị trường

Thống kê của VASEP cho thấy, xuất khẩu cá tra nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp, như Trung Quốc, EU, Anh… Chỉ có thị trường Hoa Kỳ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.

Bà Hằng chia sẻ, dịch bệnh và con giống vẫn là trăn trở lâu dài của ngành cá tra Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề trước mắt chính là câu chuyện thị trường.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU hiện nay chỉ có Hoa Kỳ là khả quan hơn khi lượng tồn kho ở thị trường này đã giảm đi và tình hình kinh tế đang có chiều hướng tiến triển tốt.

Còn tại Trung Quốc, giá cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này quá thấp. Trung Quốc hiện nhập khẩu cá tra fillet của Việt Nam chỉ khoảng 1,8 USD/kg. Vì thế doanh nghiệp có thể chỉ trông chờ nhiều vào việc xuất khẩu các sản phẩm phụ sang thị trường này, chẳng hạn như bong bóng cá tra.

Nguy cơ thiếu nguyên liệu cá ngừ

Cũng theo đại diện VASEP, xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm nay tăng gần 25%, đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh. Điều này cho thấy, lạm phát vẫn đang chi phối thị trường, nhập khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm với giá cả vừa phải.

Dù có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm 2024, nhưng doanh nghiệp cá ngừ nước ta hiện đang hết sức lo lắng về nguồn nguyên liệu.

Bà Hằng cho biết, doanh nghiệp hội viên của VASEP phản ánh, nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước hiện chỉ đủ chế biến trong 8 - 10 ngày, còn lại là không có nguyên liệu, hoặc phải dùng nguyên liệu nhập khẩu.

 

Vấn đề nguyên liệu cá ngừ đang rất khó khăn do những vướng mắc liên quan đến quy định chống khai thác IUU. Ví dụ năng lực xử lý việc cấp giấy xác nhận của các cảng còn chậm, những quy định liên quan đến cả chuỗi khai thác phải đảm bảo về an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, thách thức còn nằm ở chuyện quy định đánh bắt cá ngừ vằn có kích thước tối thiểu từ 50cm. Hay những quy định khác liên quan đến Nghị định số 37/2024 như không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu.

“Câu chuyện này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sợ không dám sản xuất bằng hàng trong nước hay hàng nhập khẩu hay nhập khẩu để gia công xuất khẩu. Thực tế hiện nay những doanh nghiệp sản xuất gia công xuất khẩu đang có lợi và đang có doanh số tăng trưởng cao hơn những đơn vị khác. Tuy nhiên nếu làm vậy, dần dần chúng ta sẽ trở thành một trung tâm làm thuê cho thị trường thế giới và mất đi những lợi thế về nguồn lợi trong nước”, bà Hằng nhấn mạnh.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP bày tỏ mong muốn, trước mắt, Bộ NN-PTNT, Cục Thủy sản, các cơ quan quản lý liên quan sớm có những điều chỉnh về mặt quy định cho phù hợp và tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp. Làm thế nào để vừa đáp ứng được quy định chống khai thác IUU nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cũng cần sớm khắc phục vấn đề dịch bệnh trên tôm nuôi để có sẵn nguồn nguyên liệu cho thị trường nửa cuối năm 2024.

Theo dự báo nền kinh tế nói chung, năm 2024 quy luật sẽ trở lại bình thường như những năm trước Covid-19, tức là sẽ tăng tốc vào giai đoạn quý III và IV với điều kiện chúng ta có sẵn nguồn nguyên liệu và đà phục hồi sẵn.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Trăn trở về một chương trình quốc gia phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề trong bối cảnh vaccine ASF đã sản xuất hàng triệu liều nhưng tỷ lệ tiêm còn thấp, dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất